Tăng cường kết nối

GD&TĐ - Mô hình giáo dục STEM  được nhân rộng trên thế giới và đã có những chuyển động tích cực tại Việt Nam.

Ảnh minh họa Internet.
Ảnh minh họa Internet.

STEM là chương trình giảng dạy dựa trên ý tưởng trang bị cho người học những kiến thức, kỹ năng liên quan đến khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học - theo cách tiếp cận liên môn và người học có thể áp dụng để giải quyết vấn đề trong cuộc sống hàng ngày.

Thời gian qua, tùy vào cấp học, môn học và điều kiện cơ sở vật chất, các trường phổ thông đã áp dụng linh hoạt hình thức tổ chức giáo dục như dạy môn khoa học theo bài học STEM, tổ chức hoạt động trải nghiệm STEM hay nghiên cứu khoa học, kỹ thuật. Chương trình GDPT 2018 được triển khai sâu rộng trên toàn quốc được kỳ vọng mở ra nhiều không gian, thời gian để phát triển giáo dục STEM hơn.

Bởi Chương trình có đầy đủ các môn học STEM ở cấp học, đặc biệt môn Toán, Khoa học tự nhiên, Công nghệ - Tin học đều được nhấn mạnh định hướng đến giáo dục STEM. Để phát triển mô hình STEM, Bộ GD&ĐT cũng có công văn hướng dẫn dạy học ở bậc trung học, tài liệu tập huấn, tổ chức lớp tập huấn giáo viên, cán bộ quản lý…

Như vậy, theo dòng chuyển động Chương trình GDPT 2018, giáo dục STEM trong nhà trường phổ thông đang có “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để phát triển. Tuy vậy, để đạt được hiệu quả như mong muốn vẫn còn nhiều thách thức. Bởi thực tế triển khai giáo dục STEM trong những năm gần đây vẫn chỉ ở quy mô hẹp, tập trung tại cơ sở giáo dục có điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ, tài chính. Đặc biệt đáng chú ý là giữa trường phổ thông và ĐH, CĐ, viện nghiên cứu, doanh nghiệp… vẫn thiếu sự kết nối trong giáo dục STEM.

Gần đây ngành Giáo dục nhiều địa phương đã chủ động hợp tác, tranh thủ nguồn lực của đối tác để phát triển giáo dục STEM. Chẳng hạn, Sở GD&ĐT Thừa Thiên - Huế phối hợp với Khoa Kỹ thuật và Công nghệ - ĐH Huế tổ chức cho cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên phụ trách môn Công nghệ - công nghiệp của 37 trường THPT trên địa bàn cùng trao đổi về chủ đề đổi mới chương trình môn học này và giáo dục STEM.

Sở GD&ĐT Thái Nguyên hợp tác với Trường ĐH Kỹ thuật Công nghiệp (ĐH Thái Nguyên) để trường đại học này tổ chức các buổi học tập trải nghiệm, triển khai câu lạc bộ STEM, khóa học STEM cho học sinh và các hội nghị cho giáo viên… Tuy vậy, nhìn trên tổng thể, số trường phổ thông có được sự kết nối mặn mà với ĐH, viện nghiên cứu, doanh nghiệp không nhiều.

Thực tế cho thấy, giáo dục STEM chỉ đạt hiệu quả khi có sự phối hợp tốt giữa trường phổ thông với doanh nghiệp, viện nghiên cứu, đặc biệt là các trường ĐH. Gắn kết với ĐH, nhà trường phổ thông sẽ giải quyết được nhiều khó khăn về xây dựng chương trình, có thể tranh thủ phòng thực hành, nghiên cứu, thí nghiệm; nội dung học tập chuyên sâu như khoa học máy tính, robot, lập trình…

Các trường cũng sẽ có điều kiện để bồi dưỡng năng lực chuyên môn, cập nhật thông tin, hỗ trợ xây dựng chủ đề cho giáo viên, đảm bảo được tính liên thông và định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Nhờ đó, các em sẽ tiếp cận ngành nghề và hiểu được khả năng, đam mê của mình, được tạo điều kiện phát triển tư duy ban đầu về công nghệ; kích thích sự sáng tạo để thích ứng nhanh khi tiếp cận lĩnh vực chuyên sâu sau này.

Là lối mở quan trọng để giáo dục STEM được nhân rộng và đi vào chiều sâu, việc tăng cường kết nối với ĐH, CĐ, viện nghiên cứu, doanh nghiệp… phải được nhà trường phổ thông xem là giải pháp chiến lược. Có như vậy giáo dục STEM trong nhà trường mới góp phần tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 như Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.