Tăng cường dạy kỹ năng cơ bản cho trẻ mầm non trước khi vào lớp 1

GD&TĐ - Trong bối cảnh nhiều địa phương chưa cho trẻ mầm non tới lớp do dịch bệnh, các nhà trường đã có nhiều giải pháp để phối hợp với phụ huynh bồi dưỡng kỹ năng cho trẻ sẵn sàng vào lớp 1.

Trẻ mầm non 5 tuổi tại Hà Nam được dạy kỹ năng tập tô trong thời gian học trực tiếp trên lớp.
Trẻ mầm non 5 tuổi tại Hà Nam được dạy kỹ năng tập tô trong thời gian học trực tiếp trên lớp.

Tăng cường kết nối 

Hiện tại, UBND TP Hà Nội mới chỉ cho phép học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 ở một số địa bàn được phép đi học trực tiếp. Mốc thời gian để trẻ mầm non trên toàn thành phố có thể trở lại trường học vẫn còn là một ẩn số. Nếu tính từ tháng 5/2021 đến nay, trẻ đã phải ở nhà hơn 9 tháng. Trước những thay đổi của Chương trình, sách giáo khoa mới, các nhà trường cũng đã có nhiều giải pháp để giúp trẻ mầm non 5 tuổi có kỹ năng trước khi vào lớp 1.

Cô Nguyễn Thị Thu An - Hiệu trưởng Trường Mầm non Ngô Thì Nhậm (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ, trong thời gian trẻ nghỉ ở nhà, các cô giáo và nhân viên vẫn tới trường làm việc bình thường. Thực hiện chỉ đạo từ cấp trên, hàng tuần, giáo viên các lớp vẫn duy trì việc quay dựng video bài giảng, hướng dẫn một số kỹ năng cần thiết cho trẻ ở từng lứa tuổi để gửi cho phụ huynh thông qua nhóm Zalo lớp. Công tác vệ sinh môi trường, rà soát các trang thiết bị phục vụ học tập cũng được tiến hành thường xuyên. 

Khi trẻ nghỉ ở nhà, các cô giáo thường xuyên gửi video bài giảng về cho phụ huynh dạy trẻ.
Khi trẻ nghỉ ở nhà, các cô giáo thường xuyên gửi video bài giảng về cho phụ huynh dạy trẻ.

Đồng quan điểm trên, cô Nguyễn Thị Thu Huyền - Hiệu trưởng Trường Mầm non Minh Khai (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho rằng, trẻ mầm non học qua các video giáo viên xây dựng đã được thẩm duyệt chất lượng rồi gửi về cho phụ huynh để hướng dẫn con học. Đối với trẻ 5 tuổi, nhà trường tăng cường các video dạy trẻ kỹ năng làm quen chữ cái, tập tô, trò chơi để củng cố ôn luyện… Ngoài ra, các  trường, Phòng GD&ĐT quận, Sở GD&ĐT Hà Nội có gửi các video lên kho học liệu điện tử để phụ huynh có thể tải về hướng dẫn các con.

"Học sinh chưa thể đến trường, nhà trường duy trì nội dung phối hợp với phụ huynh để chăm sóc giáo dục trẻ tại nhà. Tiếp tục thực hiện tốt việc ứng dụng công nghệ thông tin để cha mẹ cùng cô chăm sóc giáo dục trẻ phù hợp với bối cảnh dịch Covid-19 và đáp ứng nhu cầu thực tiễn của thời đại 4.0 hiện nay. Giúp cha mẹ trẻ có kênh tham khảo chính thống với nội dung phong phú, đa dạng. Hướng cha mẹ trẻ tiếp cận với phương pháp chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non bài bản, khoa học dưới sự đồng hành của giáo viên mầm non để phối hợp chăm sóc giáo dục trẻ",  cô Huyền nhấn mạnh.

Cũng theo cô Hiệu trưởng Trường Mầm non Minh Khai, với 430 học sinh đang theo học, nhà trường sẽ tiếp tục duy trì hoạt động kết nối, tạo sự gắn kết giữa cha mẹ trẻ, trẻ và nhà trường trong việc chăm sóc giáo dục con bằng cách tổ chức các hoạt động online thông qua các hội thi, các sự kiện đặc biệt để cô trò được giao lưu, trò truyện hàng tuần… 

Chú trọng dạy kỹ năng cho trẻ

Là người luôn quan tâm đến công tác chăm sóc, giáo dục trẻ tại nhà, cô Vũ Thị Kim Anh - Hiệu trưởng Trường Mầm non Mỹ Đình 2 (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho hay, trong thời gian trẻ chưa đến trường để phòng dịch bệnh, dù cấp mầm non không dạy trực tuyến nhưng các cô giáo vẫn thường xuyên gửi các bài dạy video được đăng tải lên trang web của trường, trên nhóm zalo của lớp theo kế hoạch.

Các trường tận dụng "thời gian vàng" trên lớp để dạy trẻ kỹ năng cần thiết.
Các trường tận dụng "thời gian vàng" trên lớp để dạy trẻ kỹ năng cần thiết.

Các bài giảng tập trung vào nội dung thiết thực, cần thiết cho trẻ như tăng cường làm quen chữ viết, tập tô; làm quen với toán, tạo hình. Các cô cũng tăng cường video giáo dục kỹ năng sống cho trẻ như  tự phục vụ: lấy, cất sách vở, đọc sách, làm quen với đồ dùng học sinh lớp 1, làm quen với trường tiểu học, các kỹ năng bảo vệ bản thân, phòng dịch Covid-19, vệ sinh cá nhân... Tối thứ 7 hàng tuần, các cô trao đổi với phụ huynh để nắm bắt kịp thời tình hình sức khoẻ, học tập của trẻ, tuyên truyền, cùng phụ huynh dạy con khi ở nhà, giải đáp thắc mắc của cha mẹ học sinh trong quá trình dạy trẻ. 

Nam Định cũng là địa phương chịu ảnh hưởng không nhỏ của dịch Covid-19 khi trẻ mầm non cũng từng phải nghỉ ở nhà trong một thời gian. Tại Trường Mầm non Hải Lý (Hải Hậu, Nam Định), việc thực hiện phương pháp tổ chức các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ theo quan điểm giáo dục "lấy trẻ làm trung tâm" được coi như yếu tố quan trọng quyết định chất lượng. Các nội dung được xây dựng theo nội dung luôn gắn với việc đổi mới phương pháp giáo dục, xây dựng các hình thức tổ chức hoạt động trong trường theo chương trình giáo dục mầm non mới.

Cô Hiệu trưởng Nguyễn Kim Anh cho biết: "Giáo viên đã biết cách phối hợp các phương pháp hợp lý nhằm tăng cường tính chủ động, tích cực hoạt động của trẻ, nhất là trẻ 5 tuổi, đảm bảo trẻ "học mà chơi, chơi mà học". Phương pháp hỗ trợ theo hướng mở rộng đã được quan tâm để khuyến khích trẻ sáng tạo, quan tâm đến trẻ khuyết tật học hòa nhập. Nhà trường chú trọng các hoạt động chủ đạo của từng độ tuổi và tạo ra các cơ hội cho trẻ hoạt động tích cực phù hợp với nhu cầu, hứng thú của trẻ và sự phát triển của từng em. Từ đó các em được trang bị các kỹ năng cần thiết để sẵn sàng bước vào lớp 1". 

Theo đại diện Trường Mầm non tư thục Hiệp Hòa (Lý Nhân, Hà Nam), địa phương này đã cho học sinh các cấp đi học lại từ ngày 23/11/2021 đến nay nên cũng là một thuận lợi khi triển khai chương trình giáo dục trẻ. Ngoài công tác đảm bảo an toàn phòng dịch, nhà trường cũng luôn chú trọng công tác giáo dục lấy trẻ làm trung tâm. Trong đó, chú trọng dạy trẻ 5 tuổi các kỹ năng cần thiết để tăng tính chủ động, sáng tạo để sẵn sàng bước vào lớp 1 trong năm học tới. Đặc biệt, nhà trường luôn phối hợp chặt chẽ với phụ huynh để cùng nhau hướng dẫn trẻ tự trau dồi thêm các kỹ năng khác tại nhà. 

PGS.TS Nguyễn Bá Minh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non (Bộ GD&ĐT) từng nhấn mạnh, Bộ GD&ĐT yêu cầu các địa phương thực hiện kế hoạch nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ theo hướng đảm bảo mục tiêu, kết quả mong đợi quy định tại chương trình giáo dục mầm non, phù hợp với điều kiện và bối cảnh phòng chống dịch Covid-19; định hướng việc chuẩn bị cho trẻ em sẵn sàng vào học lớp 1; phối hợp chặt chẽ với phụ huynh thực hiện nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em tại nhà trong thời gian chưa đến trường để tránh dịch và khi đến trường trở lại. Tại lớp học, các nhà trường cần hướng dẫn giáo viên lựa chọn những nội dung giáo dục cốt lõi, cần thiết, ưu tiên tổ chức các hoạt động giáo dục giúp trẻ em đạt những kết quả mong đợi để chuẩn bị sẵn sàng vào học lớp 1. Đảm bảo trẻ em mẫu giáo 5 tuổi hoàn thành chương trình giáo dục mầm non khi kết thúc năm học. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ