Đón trẻ mầm non: Trường học Hà Nội chờ hiệu lệnh

GD&TĐ - Một số trường mầm non trên địa bàn Hà Nội được trưng dụng làm khu cách ly tập trung nay đã được bàn giao lại. Công tác vệ sinh khử khuẩn, trồng mới cây xanh đang gấp rút triển khai.

Giáo viên Trường Mầm non Yên Sở, huyện Hoài Đức quay video bài giảng hướng dẫn trẻ học tại nhà trong thời gian nghỉ dịch.
Giáo viên Trường Mầm non Yên Sở, huyện Hoài Đức quay video bài giảng hướng dẫn trẻ học tại nhà trong thời gian nghỉ dịch.

Sẵn sàng đón trẻ khi có lệnh

Theo quyết định mới nhất của UBND TP Hà Nội, từ ngày 8/2 sẽ cho phép học sinh từ khối 7 đến 12 trên toàn thành phố trở lại trường học trực tiếp; học sinh tiểu học và lớp 6 các huyện/thị ngoại thành đi học trên lớp từ ngày 10/2. Dù thành phố chưa đề cập mốc thời gian mở cửa đón trẻ với cấp học mầm non, nhưng công tác vệ sinh khử khuẩn vẫn được các nhà trường gấp rút thực hiện. 

Cô Lê Thị Hồng Điệp – Hiệu trưởng Trường Mầm non Ánh Sao (huyện Gia Lâm) cho hay: Trường có gần 500 trẻ được chia vào 14 nhóm lớp và 48 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Thời gian dài vừa qua, ảnh hưởng của dịch Covid-19  khiến trẻ mầm non trên toàn thành phố không thể đến trường, các cô giáo vẫn cố gắng khắc phục mọi khó khăn để kết nối, trao đổi với phụ huynh học sinh; phối hợp thực hiện công tác chăm sóc, giáo dục trẻ tại nhà.

Phòng Giáo dục & Đào tạo huyện Hoài Đức đã tổ chức họp trực tuyến với hiệu trưởng các cơ sở giáo dục trực thuộc để triển khai nhiệm vụ trước, trong và sau Tết 2022. Theo đó, tất cả trường đều phải thực hiện nghiêm công tác tổng vệ sinh, khử khuẩn cơ sở vật chất trước khi nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần. 

“Hàng ngày, nhà trường vẫn duy trì các hoạt động như công tác vệ sinh trường lớp, cơ sở vật chất, làm đồ dùng đồ chơi hay trang trí lớp học. Khuôn viên trường học luôn được dọn dẹp vệ sinh, bồn hoa, vườn cây ngày nào cũng có người tưới nước đều đặn để đảm bảo không gian sư phạm luôn tươi mới. Ngoài ra, các cô cũng chủ động tham gia lớp đào tạo về kỹ năng thiết kế bài giảng online sao cho hiệu quả. Khi nào có quyết định của thành phố, nhà trường sẽ đón trẻ quay trở lại học", cô Điệp nhấn mạnh.

Theo ông Vương Văn Lâm - Trưởng phòng Giáo dục & Đào tạo huyện Hoài Đức, là địa điểm được Ban chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 huyện trưng dụng làm khu cách ly tập trung từ cuối năm 2021, đến nay, toàn bộ cơ sở vật chất của Trường Mầm non An Khánh B được huyện bàn giao lại cho nhà trường.

Cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Vân cho hay: "Ngay sau khi được bàn giao, nhà trường đã căn cứ vào các văn bản chỉ đạo từ phòng GD&ĐT, UBND huyện để tập trung vệ sinh khử khuẩn, xây dựng môi trường và chuẩn bị mọi điều kiện để sẵn sàng đón trẻ trở lại học khi có lệnh từ cấp trên". 

Thiết lập lại thói quen ngủ đủ giấc cho trẻ

Điều khiến chị Lê Thị Hường (trú huyện Hoài Đức) lo lắng sau Tết là thói quen ngủ đúng giờ giấc của con trai 3 tuổi  bị thay đổi. Chị cho hay, do thời gian nghỉ Tết và nghỉ dịch kéo dài, có nhiều hôm con không chịu ngủ trưa mà thường thức để chơi đồ chơi. Đến khoảng 18h mới ngủ và ngủ thông tới sáng hôm sau và bỏ bữa tối. Có đêm, con thường dậy quấy khóc vì đói nên phải cho con uống sữa. Nếu điều này kéo dài sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe. 

Phải nghỉ ở nhà trong thời gian dài, trẻ mầm non ở Hà Nội là đối tượng chịu rất nhiều ảnh hưởng. Một trong số đó là thói quen sinh hoạt, giờ giấc ngủ nghỉ, nhất là vào dịp nghỉ Tết âm lịch vừa qua khiến nhiều phụ huynh lo lắng. 

Trước vấn đề này, cô Trương Thị Ngọc Bích - Hiệu trưởng Trường Mầm non 10-10 (quận Hoàng Mai) cho rằng: Khi trẻ bị lệch nếp ăn nếp ngủ cần đưa dần con vào nề nếp. Cha mẹ cần chủ động cho trẻ tham gia các hoạt động trong ngày để bé dần dần quen với nếp sinh hoạt như các cô giáo hướng dẫn. Việc này phụ huynh cũng cần làm dần dần chứ không nên ép trẻ làm trong ngày một ngày hai. 

"Đa phần trẻ bị thay đổi giờ giấc ngủ dịp Tết bởi nhiều lý do. Điều này ảnh hưởng không tốt đến sức khoẻ và nhận thức của trẻ. Để con có giấc ngủ tốt, bố mẹ nên thiết lập lại thời gian ngủ theo đúng giờ giấc quy định. Buổi trưa nếu con ăn ít, trước khi ngủ có thể cho con uống sữa tạo bữa ăn nhẹ. Phòng ngủ phải yên tĩnh, tránh tiếng ồn của điện thoại, tivi, ánh sáng vừa phải.

Trước khi ngủ, bố mẹ nên nằm cùng con, có thể hát một bài hát ru hay mở bản nhạc nhẹ nhàng cho con ngủ. Buổi trưa các con có thể ngủ tầm một tiếng là đảm bảo sức khoẻ. Phụ huynh không nên cho con ngủ trưa quá dài vì ảnh hưởng đến giấc ngủ đêm của con. Khi con ngủ dậy, bố mẹ nên cho con ăn nhẹ để tối con ăn tốt hơn. Đặc biệt, hạn chế đồ ăn ngọt như bánh kẹo các loại, nước ngọt trong ngày Tết" - cô Nguyễn Thị Thanh, giáo viên Trường Mầm non An Khánh B chia sẻ. 

Một số hình ảnh giáo viên, nhà trường vệ sinh trường lớp, sẵn sàng đón trẻ:

Giáo viên vệ sinh trường lớp tại Trường Mầm non Ánh Sao (huyện Gia Lâm).
Giáo viên vệ sinh trường lớp tại Trường Mầm non Ánh Sao (huyện Gia Lâm).
Các cô giáo tranh thủ xới đất, nhặt cỏ và chăm sóc cây xanh.
Các cô giáo tranh thủ xới đất, nhặt cỏ và chăm sóc cây xanh.
Tạo không gian trường lớp xanh, thân thiện với môi trường là nhiệm vụ thường xuyên.
Tạo không gian trường lớp xanh, thân thiện với môi trường là nhiệm vụ thường xuyên.
Đón trẻ mầm non: Trường học Hà Nội chờ hiệu lệnh  ảnh 4
Nhân viên phun dung dịch khử khuẩn tại khuôn viên Trường Mầm non An Khánh B, huyện Hoài Đức từ trước Tết Nguyên đán 2022.
Nhân viên phun dung dịch khử khuẩn tại khuôn viên Trường Mầm non An Khánh B, huyện Hoài Đức từ trước Tết Nguyên đán 2022. 
Công tác lau dọn vệ sinh lớp học, đồ dùng đồ chơi của trẻ được thực hiện khẩn trương để sẵn sàng đón trẻ.
Công tác lau dọn vệ sinh lớp học, đồ dùng đồ chơi của trẻ được thực hiện khẩn trương để sẵn sàng đón trẻ. 
Công tác chuẩn bị cơ sở vật chất luôn sẵn sàng để khi có lệnh từ cấp trên, nhà trường sẽ mở cửa đón học sinh trở lại lớp.
Công tác chuẩn bị cơ sở vật chất luôn sẵn sàng để khi có lệnh từ cấp trên, nhà trường sẽ mở cửa đón học sinh trở lại lớp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ