Tăng cường đào tạo nghề cho thanh niên dân tộc để giảm nghèo

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ -Uỷ ban Dân tộc cho rằng, đào tạo nghề là một phần giảm tỷ lệ hộ nghèo tại các vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Đào tạo nghề góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và góp phần xoá đói giảm nghèo.
Đào tạo nghề góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và góp phần xoá đói giảm nghèo.

Giảm nghèo nhờ chính sách đào tạo nghề cho thanh niên

Báo cáo của Ủy ban Dân tộc cho biết, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách ưu tiên cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đặc biệt là lĩnh vực giáo dục đào tạo nghề để từng bước nâng cao chất lượng nguồn lao động, phát huy nguồn nhân lực dồi dào vùng dân tộc thiểu số và miền núi để phát triển kinh tế - xã hội, giảm tỷ lệ hộ nghèo. Từ đó, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.

Đào tạo nghề để tạo việc làm trong vùng dân tộc miền núi được coi trọng, nhất là đào tạo nghề cho thanh niên dân tộc thiểu số, đã tạo ra động lực, cơ hội học tập, và việc làm để thanh niên dân tộc thiểu số tham gia đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Qua đó, nâng cao chất lượng cuộc sống và góp phần xoá đói giảm nghèo.

Các chính sách ban hành liên quan đến đào tạo nghề đã có tác dụng tích cực, thu hút được nhiều thanh niên dân tộc thiểu số tham gia học nghề và tạo cơ hội cho họ tự tạo việc làm. Đồng thời, tìm việc làm, góp phần tạo nên sự chuyển biến tích cực trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, giải quyết việc làm. Từ đó, góp phần xóa đói, giảm nghèo và tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Các chính sách đào tạo và dạy nghề cho thanh niên dân tộc thiểu số đã được quan tâm và triển khai thực hiện, tuy nhiên vẫn còn một số bất cập.

Các chính sách được ban hành nhưng mới đáp ứng được khoảng 10-15% nhu cầu học nghề ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chưa có chính sách ưu đãi, khuyến khích, hỗ trợ cụ thể cho riêng đối tượng này. Các nguồn lực hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, khởi sự doanh nghiệp còn hạn chế. Các chính sách ưu đãi đối với thanh niên làm việc ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa chưa thực sự hấp dẫn. Do đó, một bộ phận lớn sinh viên sau khi tốt nghiệp không trở về địa phương, gây sức ép về việc làm ở khu vực thành thị, tiềm ẩn các nguy cơ tiêu cực xã hội đối với thanh niên.

Việc dạy nghề cho thanh niên dân tộc thiểu số nhằm mục đích chính là nâng cao chất lượng lao động phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhưng dạy nghề chưa gắn với xu hướng phát triển chung và gắn với giải quyết việc làm. Chất lượng lao động thanh niên còn hạn chế, nên nhiều thanh niên, sinh viên ra trường gặp rất nhiều khó khăn trong tìm kiếm việc làm.

Lao động thanh niên đi xuất khẩu lao động còn hạn chế về chất lượng cả về trình độ chuyên môn kỹ thuật, ngoại ngữ và ý thức tổ chức kỷ luật. Nhiều lao động trẻ ở vùng sâu, vùng xa, lao động là người dân tộc thiểu số không muốn sống xa gia đình, khó thích nghi với cuộc sống, công việc trong khuôn khổ tổ chức, quản lý thời gian chặt chẽ, cường độ lao động cao.

Với 14.119.256 người mà thực trạng tỷ lệ thất nghiệp của người DTTS từ 15 tuổi trở lên chiếm 1,4% và có hơn 1,3 triệu người chưa có việc làm ổn định, khoảng 5,57 triệu người làm nghề đơn giản. Một số nhóm DTTS có tỷ lệ lao động đã qua đào tạo ở mức dưới 2%, thậm chí có những nhóm DTTS gần 100% lao động chưa qua đào tạo như: Xtiêng, Brâu, Mảng, Rơ Măm, Ba Na, Phù Lá, Raglay, La Hủ và Khơ Mú.

Việc đào tạo, dạy nghề để nâng cao chất lượng lao động, phát triển nguồn nhân lực có vai trò quan trọng và là vấn đề cấp thiết đối với phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn hiện nay đối với vùng dân tộc và miền núi. Thanh niên dân tộc thiếu số chiếm số lượng lớn và là nguồn lao động dồi dào, đầy hứa hẹn trong phát triển kinh tế - xã hội của vùng dân tộc và miền núi.

Do đó, việc nâng cao trình độ cho lực lượng lao động dân tộc thiểu số là giải pháp quan trọng, trong đó dạy nghề là sự lựa chọn hàng đầu. Bởi nếu không đào tạo nghề, nguồn nhân lực ở vùng dân tộc thiểu số sẽ khó nắm bắt các cơ hội phát triển, tăng thêm thu nhập cho gia đình và địa phương. Từ đó sẽ có nguy cơ cao rơi vào trình trạng đói nghèo.

Để đạt được mục tiêu đến năm 2025 đạt 50% lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện của người dân tộc thiểu số và đến năm 2030, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn vùng đồng bào DTTS, hàng năm thu hút 3% lao động sang làm các ngành, nghề khác. Đó là công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, du lịch, dịch vụ. 40% lao động người DTTS biết làm các ngành nghề: công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, du lịch, dịch vụ. 80% số hộ nông dân người DTTS làm kinh tế nông - lâm nghiệp hàng hoá.

Giải pháp đào tạo nghề để xoá nghèo ở miền núi

Đào tạo nghề là một trong những giải pháp xoá đói giảm nghèo.

Đào tạo nghề là một trong những giải pháp xoá đói giảm nghèo.

Ủy ban Dân tộc đề xuất một số giải pháp liên quan đến đào tạo nghề, góp phần giảm nghèo ở khu vực miền núi. Trong đó, nghiên cứu, ban hành chính sách riêng về hỗ trợ đào tạo, dạy nghề cho lực lượng lao động lao động nông thôn vùng dân tộc và miền núi. Trong đó quy định rõ chính sách hỗ trợ đối với lực lượng lao động là thanh niên.

Hơn nữa, có chính sách hỗ trợ học nghề theo địa chỉ cho học sinh, thanh niên dân tộc thiểu số với số lượng và các ngành nghề phù hợp với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của vùng và địa phương.

Đồng thời, đổi mới và phát triển chương trình, giáo trình, tài liệu dạy nghề theo hướng bám sát các ngành nghề là thế mạnh của từng vùng. Các trường, các trung tâm dạy nghề cần cơ cấu lại ngành nghề đào tạo cho phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương. Xây dựng chương trình, giáo trình dạy nghề phù hợp với đặc điểm văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào dân tộc và nhu cầu thực tế của địa phương.

Bên cạnh đó, hoàn thiện mạng lưới các cơ sở dạy nghề, thực hiện kiên cố hóa, chuẩn hóa cơ sở vật chất trường lớp học, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Xây dựng kế hoạch phát triển đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu và đảm bảo chất lượng.

Ngoài ra, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm. Có cơ chế ưu tiên giải quyết việc làm cho học sinh, thanh niên dân tộc thiểu số đã qua học nghề vào làm tại các khu công nghiệp, nhà máy, các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, làng nghề và xuất khẩu lao động.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ