Trao sinh kế khởi nghiệp
Hai xã A Ngo, A Bung huyện Đakrông có tổng số 1.852 hộ/7.479 khẩu và đều nằm trong số xã khó khăn bậc nhất của tỉnh Quảng Trị. Bà con nơi đây trên 95% người dân tộc Pa Cô, Vân Kiều, quanh năm bám nương rẫy làm nông nghiệp, không có nghề phụ tăng thu nhập.
Hằng năm trên đại bàn 2 xã nhiều cặp vợ chồng trẻ tách hộ lập nghiệp riêng nhưng trong số đó trên 80% thuộc diện đặc biệt khó khăn. Người dân thiếu cả kiến thức khoa học, tư liệu sản xuất lẫn vốn đầu tư ban đầu để làm ăn, phát triển kinh tế. Vấn đề xóa đói giảm nghèo cho bà con dân tộc vùng khó dù được các cấp chính quyền quan tâm hỗ trợ thông qua các dự án nhưng vẫn còn nhiều hộ nghèo chưa tiếp cận được nên tỉ lệ nghèo khá cao.
Qua nắm bắt thực tế địa bàn, cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng CKQT La Lay (BĐBP Quảng Trị) cũng nhận thấy 2 năm dịch Covid-19 bùng phát còn ảnh hưởng tới cuộc sống của bà con dân tộc khi cơ hội tìm việc khó khăn, nhiều người mất việc, không thu nhập… Trước thực trạng này Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng CKQT La Lay đã quyết định triển khai mô hình “Dê giống khởi nghiệp” giúp dân xóa đói giảm nghèo từ 6/2022 đến nay.
Thượng tá Nguyễn Xuân Linh, Chính trị viên Đồn biên phòng CKQT La Lay trao đổi: Ban Chỉ huy Đồn đã giao cho Đoàn cơ sở Đồn BPCKQT La Lay mà trực tiếp là Trung úy Hồ Văn Thủ, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Phó Bí thư Đoàn cơ sở trực tiếp phụ trách, thực hiện.
Để có nguồn vốn ban đầu, cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng CKQT La Lay đã tự nguyện đóng góp với số tiền là 12 triệu đồng để mua 2 cặp dê giống. Đoàn cơ sở Đồn Biên phòng CKQT La Lay phối hợp cùng Xã đoàn A Bung, Xã đoàn A Ngo tổ chức rà soát các hộ gia đình là đoàn viên thanh niên trên địa bàn 2 xã có hoàn cảnh khó khăn và có nhu cầu về dê giống (dê mẹ) để được nhận nuôi dê sinh sản phát triển kinh tế.
Tháng 6/2020 Đoàn cơ sở Đồn đã bàn giao 2 cặp dê giống cho 2 hộ gia đình anh Hồ Văn Thủa, thôn A Đeng và Hồ Cu Roái, thôn A Bung. Sau đó 2 cặp dê mẹ đã đẻ được 11 dê con. Tháng 6/2021 đồn tiếp tục luân chuyển 2 cặp dê mẹ cho 2 hộ gia đình mới là anh Hồ Văn Doan, thôn Cu Tài 1 và Hồ Văn Ngữ, thôn A Rông Trên. 2 cặp dê mẹ tiếp tục đẻ được 6 dê con. Tháng 6/2022 đã chuyển 1 cặp dê mẹ cho hộ gia đình mới là anh Hồ Văn Hành, thôn Cu Tài 2 chăm nuôi, nhân giống.
Trung úy Hồ Văn Thủ, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng cho biết, không chỉ giúp hộ dân về dê giống, cán bộ Đoàn cơ sở Đồn Biên phòng CKQT La Lay còn phối hợp chặt chẽ với xã đoàn A Bung, xã đoàn A Ngo hướng dẫn các hộ gia đình đoàn viên được nhận dê mẹ về kỹ thuật nuôi, chăn nuôi dê sinh sản và cung cấp thuốc phòng, chữa bệnh cho đàn dê.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng CKQT La Lay, Đoàn thanh niên 2 xã ký biên bản bàn giao dê giống đến hộ dân. |
Mặt khác phân công cán bộ phụ trách của Đồn trực tiếp theo dõi, giúp đỡ các hộ đoàn viên chăn nuôi dê có hiệu quả. Yêu cầu kí cam kết, báo cáo… thực hiện nuôi giữ theo quy định. Hàng tháng cán bộ chiến sĩ đồn đều xuống hộ nuôi dê theo dự án để kiểm tra thực tế dê giống, cùng dân tháo gỡ những khó khăn liên quan đến dê giống trong quá trình nuôi giữ.
Thượng tá Nguyễn Xuân Linh, Chính trị viên Đồn biên phòng CKQT La Lay khẳng định: Mô hình “Nồi cháo nghĩa tình”, “Dê giống khởi nghiệp”, “Ổ bánh mỳ nơi biên giới” là ba trong nhiều mô hình mới, cách làm sáng tạo, hiệu quả được cán bộ, chiến sỹ đơn vị thực hiện một cách tự nguyện, tích cực, thường xuyên, có ý nghĩa nhân văn cao cả, hiệu quả thiết thực.
Các mô hình đã giúp bà con, học sinh trên khu vực biên giới khi gặp khó khăn, tạo sinh kế cho bà con vươn lên thoát nghèo, dần ổn định cuộc sống, tạo động lực cho học sinh đến trường, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục. Việc làm của cán bộ, chiến sỹ có sức lan tỏa rộng rãi, được cấp ủy, chính quyền địa phương và bà con nhân dân trên khu vực biên giới ghi nhận, đánh giá cao.
Tín hiệu tích cực
Anh Hồ Văn Thuở thôn A Đeng cho biết vợ chồng mới lấy nhau, nhà nghèo nên khó khăn về vốn liếng làm ăn. May mắn khi được Đồn Biên phòng CKQT La Lay và cán bộ Đoàn thanh niên xã cho nuôi 2 con dê giống, chỉ sau gần 4 tháng, dê đã sinh sản thêm 4 con dê con. Hiện nay dê con sắp đến tuổi phối giống sinh sản, đây là nguồn vốn quý giá để gia đình phát triển kinh tế gia đình, vượt lên khó khăn để thoát nghèo. Do đó gia đình sẽ cố gắng chăm sóc thật tốt đàn dê để ổn định cuộc sống và không phụ lòng hỗ trợ, giúp đỡ từ cán bộ chiến sĩ Đồn…”.
Trung úy Hồ Văn Thủ, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng cho rằng thông qua mô hình, các gia đình đoàn viên, thanh niên ở 2 xã A Bung và A Ngo sẽ có động lực để vươn lên phát triển kinh tế mà không cần bỏ vốn ban đầu. Đến nay các hộ dân được lựa chọn trao dê giống cơ bản đã xóa đói, dần giảm nghèo, nhiều hộ đã có được đàn dê con để “khởi nghiệp”, yên tâm và tin tưởng vào phát triển kinh tế tại quê hương trong tương lai.
Trung úy Hồ Văn Thủ cũng bày tỏ niềm tin mô hình phù hợp, đã giúp được người dân phát triển kinh tế. Mới hơn 2 năm triển khai và chuẩn bị bước sang năm thứ 3 song hiệu quả đạt được khá khả quan, tích cực và hứa hẹn mang lại hiệu quả lâu dài. Nhờ có cặp dê giống BĐBP tặng, nhiều gia đình nghèo đã được “tạo đà” vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống...
Mô hình "Dê giống khởi nghiệp" đang giúp bà con dân tộc vùng biên giới xóa đói giảm nghèo. |
“Trong thời gian tới đơn vị sẽ chủ động, tích cực trong lãnh đạo, chỉ đạo, duy trì thực hiện tốt các mô hình, cách làm hay, hiệu quả mà đơn vị đã triển khai; phát huy và thực hiện một cách thường xuyên, có hiệu quả.
Động viên cán bộ, chiến sỹ, đoàn thanh niên đơn vị thực hiện một cách tích cực bằng tình cảm, trách nhiệm, ủng hộ vật chất, kêu gọi, kết nối các nhà hảo tâm ủng hộ, tạo nguồn kinh phí đảm bảo thực hiện thường xuyên, lâu dài, có hiệu quả, ý nghĩa thiết thực trong tạo sinh kế, giúp bà con nhân dân khó khăn trên địa bàn. Làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, khơi dậy, tạo sự lan tỏa sâu rộng, củng cố, vun đắp tình cảm, tình đoàn kết máu thịt quân dân trên biên giới…”, Thượng tá Nguyễn Xuân Linh, Chính trị viên Đồn biên phòng CKQT La Lay cho biết.