Tăng cường bình đẳng giới vào giảng dạy

GD&TĐ - Môi trường giáo dục tốt nhất là một môi trường công bằng cho tất cả học sinh, dù là nam hay nữ.

Tăng cường bình đẳng giới vào giảng dạy

Tuy nhiên, ở nhiều nơi trên khắp thế giới, học sinh nữ và nam sinh không phải lúc nào cũng có cơ hội tốt như nhau để được hưởng một nền giáo dục tốt. Dưới đây là một số lời khuyên về hỗ trợ bình đẳng giới trong lớp học và làm thế nào để tạo ra một môi trường học tập bình đẳng và cân bằng hơn.

Giúp đỡ các thế hệ tương lai

Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) nói rằng tiếp cận giáo dục tốt là một điều quan trọng để thoát nghèo.

Một cá nhân có học thức sẽ có nhiều khả năng lớn lên khỏe mạnh hơn và có nhiều cơ hội việc làm hơn, và sau này, chính điều này sẽ làm họ có thể nuôi dưỡng được những đứa trẻ khỏe mạnh hơn đồng thời hỗ trợ các em được học hành tới nơi tới chốn.

Khi tất cả các em học sinh, cả nam lẫn nữ, đều có cơ hội tiếp cận giáo dục bình đẳng, thì kết quả đạt được sẽ ảnh hưởng, tác động đến các thế hệ tương lai.

Tạo ra nhiều cơ hội giáo dục bình đẳng hơn cho học sinh cần bắt đầu từ trong lớp học và bởi giáo viên. Một giáo viên giỏi là người đối xử với tất cả các em học sinh một cách công bằng và tạo ra một môi trường mà ở đó học sinh cảm thấy có thể tham gia vào việc học tập một cách bình đẳng.

1. Lời khuyên cho môi trường học tập

Các giáo viên có thể tạo ra sự thiên vị giới thông qua những hành động vô tình, không chủ ý, phi ngôn ngữ. Bước đầu tiên để khắc phục vấn đề này là giáo viên cần tổ chức lớp học của mình theo cách khiến mọi học sinh đều cảm thấy bình đẳng.

Thiết lập các quy tắc

Điều quan trọng mà giáo viên cần phải làm là thiết lập một bộ quy tắc ngay từ ban đầu để thúc đẩy sự bình đẳng ở trong lớp, giữa các bạn học sinh. Một cách hiệu quả để làm được điều này là giáo viên tạo ra các quy tắc lớp học cùng với các em học sinh của mình. Hãy yêu cầu học sinh đưa ra những ý tưởng của các em để giữ cho lớp học bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau.

Điều này cho phép giáo viên đưa ra các quy tắc giống như nhận được sự đồng thuận của cả lớp. Nhưng quan trọng nhất là các quy tắc này phải bao gồm quy tắc đối xử tôn trọng với học sinh, tôn trọng giáo viên và mọi người cùng tham gia vào bài học.

Có kế hoạch về chỗ ngồi trong lớp để hỗ trợ sự tham gia bài học một cách bình đẳng.

Nếu giáo viên nhận thấy rằng một số học sinh nhất định không tham gia vào bài học, không phân biệt giới tính của các em, thì hãy cố gắng thay đổi kế hoạch chỗ ngồi trong lớp của mình. Ví dụ như hãy cố gắng để các học sinh thường ngồi ở phía sau chuyển đến ngồi phía trước.

Thông thường, các giáo viên có xu hướng tương tác nhiều nhất với học sinh ngồi gần họ nhất. Vì lý do này, điều quan trọng là phải thay đổi trật tự chỗ ngồi (nếu có thể) để cho tất cả học sinh có cơ hội ngồi ở những bàn đầu gần thầy cô giáo.

Có kỳ vọng học tập và hành vi bình đẳng với tất cả học sinh

Các giáo viên nên tránh khiến cho mọi thứ trở nên dễ dàng hơn đối với học sinh nam hoặc học sinh nữ bằng các cách như hỏi các em đó những câu hỏi dễ trong lớp học, hoặc cố gắng thay các em đó giải quyết vấn đề.

Vì khi giáo viên làm như vậy có thể vô tình tạo ra cho mọi người nhận thức rằng một số các bạn học sinh nhất định không được thông minh như những bạn khác. Giáo viên nên giữ những kỳ vọng giống nhau đối với tất cả học sinh của mình.

Sử dụng làm việc nhóm

Thông thường sẽ có một số học sinh, có thể là nam hay nữ không cảm thấy thoải mái khi nói chuyện trước lớp. Nhưng các em đó có thể cảm thấy thoải mái hơn khi làm việc trong các nhóm nhỏ. Vì vậy, để tất cả học sinh có cơ hội tham gia vào bài học, hãy thử thực hiện một số hoạt động trong các nhóm nhỏ chỉ từ ba đến bốn học sinh.

2. Lời khuyên cho chiến lược lớp học

Sau khi giáo viên đã tổ chức lớp học theo cách khuyến khích bình đẳng giới rồi, thì bước tiếp theo mà giáo viên cần làm là xem xét các tác động của hành động của mình trong lớp học.

Đối xử với học sinh một cách bình đẳng

Một trong những cơ hội chính mà học sinh có được khi tham gia vào bài học là khi các em trả lời câu hỏi của giáo viên. Giáo viên cần gọi hoặc nói chuyện với cả học sinh nữ và nam một cách cân bằng. Nghiên cứu cho thấy cả giáo viên nam và nữ gọi học sinh nam để nói chuyện, trả lời câu hỏi trong lớp thường xuyên hơn học sinh nữ.

Cung cấp đủ thời gian suy nghĩ để trả lời câu hỏi.

Một số học sinh, dù là nam hay nữ, đều có thể cần thời gian để suy nghĩ về câu trả lời cho một câu hỏi khi được giáo viên gọi. Cho nên, khi giáo viên gọi những học sinh có vẻ cần nhiều thời gian hơn để trả lời một câu hỏi, hãy cho các em ít nhất bốn đến năm giây để suy nghĩ.

Nghiên cứu cho thấy rằng nếu giáo viên cho học sinh nhiều thời gian suy nghĩ để trả lời câu hỏi hơn thì sẽ tăng được số lượng học sinh tham gia vào bài học.

Sử dụng ngôn ngữ trung lập về giới tính

Đôi khi trong tiếng Anh, người ta hay sử dụng đại từ thuộc về nam giới khi nói đến một nhóm người nói chung. Nhưng điều này có thể làm cho học sinh nữ cảm thấy bị bỏ rơi.

Vì vậy, giáo viên nên sử dụng đại từ trung tính giới bất cứ khi nào có thể. Ví dụ như có thể nói “các em”, “tất cả các em” (everyone, everybody) khi nói chuyện thay vì “các cậu” (guys) như trong tiếng Anh Mỹ.

Ngôn ngữ cơ thể

Giáo viên đôi khi có thể không nhận ra rằng ngôn ngữ cơ thể của họ với các học sinh nữ có thể khác với học sinh nam. Bất cứ khi nào các em học sinh nam hay nữ đang nói chuyện, hãy sử dụng ngôn ngữ thân thể tôn trọng và lắng nghe. Đối mặt với người nghe, không bỏ đi, và không ngắt lời học sinh.

Ngoài ra, trong giờ học, giáo viên có thể vừa nói vừa di chuyển quanh lớp học, để những bạn học sinh ngồi xa giáo viên hơn có thể vẫn tương tác được.

Kỷ luật

Cần lưu ý khi học sinh nam phỉ báng học sinh nữ, hoặc học sinh nữ phỉ báng học sinh nam. Nếu những lời lăng mạ xuất hiện theo giới tính, học sinh có thể không muốn tham gia vào bài học trong tương lai. Giáo viên cần nhanh chóng can thiệp và kỷ luật các học sinh xúc phạm bạn mình, điều này sẽ giúp cho học sinh thuộc cả hai giới cảm nhận được rằng các em sẽ được hỗ trợ.

Tuy nhiên, điều quan trọng là cả học sinh nam lẫn nữ đều chịu những kỉ luật tương tự nhau cho những hành động tương tự, không phân biệt đối xử.

Những chiến lược này sẽ giúp giáo viên tạo ra một môi trường học tập bình đẳng hơn cho học sinh của mình. Chúng cũng giúp giáo viên quản lý lớp học của họ một cách hiệu quả. Hãy nhớ rằng: Hình thức giảng dạy tốt nhất là hình thức giảng dạy công bằng nhất!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ