Đảm bảo bình đẳng giới trong chương trình, SGK mới

GD&TĐ - Nhiều thông tin, sáng kiến, giải pháp lồng ghép vấn đề giới trong chương trình giáo dục phổ thông được chia sẻ, trao đổi tại hội thảo “Đảm bảo bình đẳng giới trong Chương trình giáo dục phổ thông” do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức tại Hà Nội chiều 28/8.

Đảm bảo bình đẳng giới trong chương trình, SGK mới
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa phát biểu tại hội thảo
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa phát biểu tại hội thảo

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông Nguyễn Minh Thuyết cùng các đại biểu từ Bộ GD&ĐT và một số ban Đảng, bộ/ngành/đoàn thể, các chuyên gia về giáo dục và giới… tham dự hội nghị.

Còn định kiến giới trong SGK

Hiện nay, các chương trình giáo dục giới và bình đẳng giới trong nhà trường dành cho học sinh tiểu học, trung học được quan tâm nhiều hơn. Tuy vậy, thực tế cho thấy, giáo dục giới và bình đẳng giới trong hệ thống giáo dục quốc dân còn nhiều bất cập, từ hình ảnh, kiến thức trong SGK đến các hình thức tổ chức giáo dục giới tính và bình đẳng giới.

Thông tin được ông Trần Kim Tự - Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và CBQL giáo dục (Bộ GD&ĐT) – chia sẻ: Phân tích 76 cuốn SGK của 6 môn học từ lớp 1 đến lớp 12, có 8.276 nhân vật trong nội dung văn bản và 7.987 nhân vật trong các hình ảnh. Trong tổng số 8.276 nhân vật xuất hiện trong nội dung văn bản, nam giới chiếm 69%, nữ 24%, còn lại 7% là trung tính về giới (ví dụ đứa trẻ, phụ huynh, học sinh…).

Về hình ảnh, trong tổng số 7.987 hình ảnh thì nam giới chiếm 58%, nữ chiếm 41%, còn lại là trung tính hoặc không rõ giới tính. Những ví dụ trong SGK về các nhân vật quan trọng, nổi tiếng, có tới 95% là nhân vật nam.

Sự chênh lệch giữa nhân vật nam và nữ cũng có sự khác biệt theo các cấp học. Càng lên cấp học cao, sự chênh lệch càng lớn, nhất là ở cấp THPT.

Bên cạnh mất cân đối về tỷ lệ nhân vật nam và nữ trong SGK, còn có sự mất cân đối về số lượng tác giả SGK nam, nữ; hình ảnh đại diện nghề nghiệp của nam, nữ chưa phản ánh kịp thời xu hướng và những thay đổi trong xã hội.

Các nội dung về giáo dục giới tính, giáo dục các kỹ năng sống, trong đó có kiến thức và kỹ năng phòng chống xâm hại, bạo lực đối với trẻ em nói chung và phòng chống xâm hại tình dục nói riêng chưa được đề cập đến một cách kịp thời.

“Bộ GD&ĐT đang biên soạn chương trình, SGK phổ thông. Đây là cơ hội để đưa vấn đề bình đẳng giới vào nhằm khắc phục những khiếm khuyết của chương trình cũ, cụ thể trong SGK…” – ông Trần Kim Tự cho hay.

Cần đưa nội dung bình đẳng giới lồng ghép trong chương trình các cấp

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hà – Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam – cho rằng: Để tiến tới xây dựng SGK, chương trình giáo dục phổ thông thúc đẩy bình đẳng giới, cần đảm bảo sự cân đối về hình ảnh, vai trò, nghề nghiệp… của phụ nữ và nam giới trong nội dung bài học, hình ảnh minh họa; khuyến khích những hình ảnh tích cực về phụ nữ và nam giới trong những lĩnh vực thường được coi không phải thế mạnh của họ, đồng thời khẳng định vai trò và đóng góp của phụ nữ trong xã hội.

Điều này đặt ra vấn đề cần giáo dục giới và giới tính đúng cách cho trẻ theo độ tuổi, đặc biệt cần phải đưa nội dung bình đẳng giới lồng ghép trong chương trình các cấp. Đồng thời, đề xuất xây dựng chính sách, pháp luật về bình đẳng giới liên quan đến chương trình, SGK. 

Liên quan đến vấn đề này, theo GS Nguyễn Minh Thuyết – Tổng Chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới – nhiều môn học trong chương trình mới có thể lồng ghép, tích hợp các nội dung giáo dục về giới. Với 1 số môn và hoạt động như Đạo đức, Giáo dục công dân, hoạt động trải nghiệm sáng tạo,… bình đẳng giới phải là một trong những nội dung chính.

Bàn đến giải pháp đảm bảo bình đẳng giới trong chương trình GDPT, TS Nguyễn Thị Mai Hoa - Ủy viên Thường trực Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội – khẳng định: điều đầu tiên là cần nâng cao nhận thức về giới và lồng ghép giới cho các nhà giáo dục; cùng với đó, xác định các khâu cần lồng ghép giới trong giáo dục phổ thông.

“Bộ GD&ĐT cần tiếp tục tăng cường vai trò của Ban vì sự tiến bộ phụ nữ; xác định mục tiêu lồng ghép giới trong chương trình; nâng cao nhận thức về bình đẳng giới cho đội ngũ chuyên gia xây dựng chương trình và SGK; đưa tiêu chí về giới và lồng ghép giới vào khâu thẩm định SGK; xây dựng và triển khai chương trình bồi dưỡng kiến thức giới, kỹ năng lồng ghép giới cho đội ngũ giáo viên phổ thông; xây dựng các tài liệu truyền thông, cẩm nang bình đẳng giới, kỹ năng sống cho trẻ; tăng cường truyền thông về bình đẳng giới” – TS Nguyễn Thị Mai Hoa đưa kiến nghị tới Bộ GD&ĐT.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho biết: Thông tư số 14/2017/TT-BGDĐT quy định tiêu chuẩn, quy trình xây dựng, chỉnh sửa chương trình GDPT; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình GDPT đã đưa ra các tiêu chuẩn của chương trình tổng thể. Trong đó, tiêu chí đầu tiên là nội dung chương trình phù hợp với quy định của pháp luật; không có định kiến xã hội về giới, sắc tộc, tôn giáo, nghề nghiệp, địa vị.

Khẳng định bình đẳng giới là vấn đề toàn cầu, giáo dục cần thực hiện vấn đề bình đẳng giới, theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa, chương trình, SGK thực hiện lồng ghép về giới, bình đẳng giới là tất yếu, kể cả trong chương trình tổng thể và chương trình môn học. Bộ GD&ĐT đang dự thảo về tiêu chuẩn SGK cũng phải đáp ứng điều này.

“Bộ GD&ĐT đã hoàn thiện tài liệu hướng dẫn lồng ghép giới vào chương trình, SGK giáo dục phổ thông. Đội ngũ xây dựng chương trình tổng thể đã được tập huấn; sắp tới sẽ tiếp tục tập huấn cho đội ngũ xây dựng chương trình môn học” – Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa thông tin…

Sau hội thảo, trên cơ sở các ý kiến, sáng kiến, giải pháp được trao đổi, thảo luận, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam sẽ có văn bản gửi đến Bộ GD&ĐT, bao gồm các khuyến nghị, giải pháp nhằm thúc đẩy mạnh mẽ và hiệu quả hơn nữa quá trình lồng ghép giới trong chương trình, SGK giáo dục phổ thông.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thủ môn Quan Văn Chuẩn thận trọng trước trận gặp U23 Iraq.

U23 Việt Nam 'đọc vị' U23 Iraq

GD&TĐ - Trước trận so tài với U23 Iraq ở tứ kết U23 châu Á, thủ môn đội trưởng U23 Việt Nam Quan Văn Chuẩn tỏ ra khá thận trọng.