Tận dụng thế chân kiềng

GD&TĐ - Ngay từ đầu tháng Chạp, thầy cô giáo đang dạy học ở các trường miền núi bắt đầu “chiến dịch” vận động, kêu gọi các nhà hảo tâm cùng chung tay lo Tết cho trò.

Gần gũi với học sinh, giáo viên chính là người nắm rõ nhất hoàn cảnh gia đình của từng em, biết em nào có “nguy cơ” sẽ nghỉ học để đi làm rẫy, bứt đót, hái lá dong… phụ gia đình. Làm sao để gánh nặng mưu sinh không ảnh hưởng đến trò là bài toán quan trọng những ngày này.

Một túi quà tặng gồm chăn ấm, nhu yếu phẩm như gạo, mì chính, dầu ăn, đường… được nhóm thiện nguyện 76 Quảng Ngãi gửi tặng đến tất cả học sinh tiểu học, mầm non ở huyện miền núi Sơn Tây (Quảng Ngãi) là một cách sẻ chia với ngành Giáo dục để ngăn dòng học sinh nghỉ học.

Mang Tết lên núi là chương trình tất niên mà nhóm thiện nguyện Bạn thương nhau (Đà Nẵng) sẽ tổ chức tại 8 điểm trường trên những dãy núi xa xôi hẻo lánh của huyện vùng cao Nam Trà My (Quảng Nam).

Ngoài một bữa ăn thật ngon, học sinh còn tham gia gói bánh chưng, nấu nếp nương địa phương và được nhận một phong bao lì xì. Bánh chưng sẽ là quà để học sinh mang về góp Tết cùng gia đình.

Cho dù, đồng bào dân tộc thiểu số không có phong tục đón Tết Nguyên đán, nhưng các trường vẫn nỗ lực kết nối để học sinh đều có quà khi trở về với gia đình, có một mùa xuân vui vẻ bên người thân mà không phải ăn cơm với muối, mắm.

Những món quà Tết nhận được từ các nhà tài trợ sẽ góp phần giúp hạn chế tình trạng học sinh phải bỏ học để phụ gia đình kiếm thêm thu nhập vào những ngày cận Tết.

Để giữ chân học sinh ở lại trường vào những ngày giáp Tết, ngoài những hoạt động văn nghệ, thể thao cho học sinh sau đợt kiểm tra cuối học kỳ, một kinh nghiệm nữa của các trường là bắt nhịp dạy kiến thức mới của học kỳ II.

Không còn tâm lý xả hơi, học sinh sẽ bớt đi việc chủ quan nghỉ học vài ba buổi để vào rừng kiếm tiền hay theo bạn lêu lổng chơi bời giữa nhịp nghỉ của 2 học kỳ.

Trước khi học sinh nghỉ Tết, các trường học vùng biên viễn đều có thông báo gửi về địa phương. Ngoài nêu rõ thời gian nghỉ Tết, nhà trường còn nhờ chính quyền vận động, nhắc nhở học sinh trở lại trường ngay khi hết kỳ nghỉ.

Việc chính quyền địa phương nắm bắt được tình hình học sinh ở từng thôn, bản sẽ hỗ trợ rất nhiều cho nhà trường trong việc duy trì sĩ số học sinh đến trường sau Tết.

Tuy nhiên, giáo viên chủ nhiệm cũng phải nắm bắt được những học sinh nào có nguy cơ bỏ học cao, hoàn cảnh khó khăn để vận động, làm công tác tâm lý từ trước kỳ nghỉ Tết và hỗ trợ kịp thời. Một cán bộ quản lý ở trường miền núi Tây Giang chia sẻ rằng, để học sinh nghỉ học rồi mới bắt đầu công tác vận động, giúp đỡ thì gần như đã muộn và ít hiệu quả.

Vận động học sinh ra lớp là nhiệm vụ có tính thường xuyên của các trường học vùng đồng bào dân tộc, thậm chí cả vùng biển. Mức độ thành công tùy thuộc vào sự nhiệt tình, kiên trì của cán bộ, giáo viên nhà trường.

Nhưng điều quan trọng nhất để học sinh bám trường, bám lớp là làm sao để các em tiếp thu được kiến thức căn bản, không cảm thấy việc học nặng nề và áp lực vì bị mất gốc.

Nếu vận động học sinh trở lại trường rồi, nhưng không có biện pháp hỗ trợ, cả trong công tác tư tưởng lẫn giúp đỡ, kèm cặp trong học tập thì các em sẽ vẫn nghỉ theo kiểu “bám trường một tay”, thậm chí là bỏ học do tâm lý chán nản vì học không vào.

Sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường – chính quyền địa phương cùng với những chính sách của Nhà nước, chung tay của các cá nhân, tổ chức thiện nguyện sẽ là “tấm vé khứ hồi” để học sinh quay trở lại trường sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ