Tạo thuận lợi cho thí sinh
Quảng Nam có 16.515 thí sinh đăng ký dự thi. Trong đó, thí sinh chỉ thi tốt nghiệp là 4.457 em, thí sinh thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học là 11.553 em; thí sinh chỉ thi để tuyển sinh đại học là 505 em. Từ số lượng thí sinh này, Quảng Nam bố trí 52 điểm thi. Trên 18 huyện, thị, thành phố đều được bố trí điểm thi nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh tham gia dự thi.
Cũng như các Kỳ thi THPT quốc gia những năm trước, quan điểm của ngành GD-ĐT Quảng Nam là tạo điều kiện thuận lợi nhất cho tất cả thí sinh nên sẽ bố trí điểm thi ngay tại trường THPT mà các em đang học, giúp đi lại dễ dàng. Chính vì vậy, Quảng Nam có 2 điểm thi đặt tại các trường THCS ở TP Tam Kỳ và Điện Bàn.
Sở GD&ĐT Quảng Nam cũng rất lưu tâm đến điều kiện cơ sở vật chất của những điểm thi đặt tại các trường THCS. "Đối với những điểm thi này thì hiệu trưởng trường THCS tham gia làm phó điểm trưởng phụ trách CSVC. Sở cũng đã tổ chức đoàn thanh tra kiểm tra, rà soát trước các điểm thi này để kịp thời bổ sung các điều kiện còn thiếu để bảo đảm cho kỳ thi diễn ra nghiêm túc, chất lượng. Như điểm thi tại Trường THCS Lý Tự Trọng sẽ được lắp đặt camera giám sát tại nơi lưu trữ đề thi và bài thi.
Do CSVC xuống cấp, không bảo đảm an toàn để sử dụng làm điểm thi, Trường THPT Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã làm tờ trình gửi Sở GD&ĐT đề xuất tiếp tục chọn Trường THCS An Vĩnh làm điểm thi như năm 2019. Thầy Huỳnh Văn Long – Hiệu trưởng Trường THPT Lý Sơn cho biết: "Đây là trường đã được công nhận là trường chuẩn quốc gia nên các điều kiện CSVC như tường rào, cổng ngõ đều bảo đảm quy chuẩn, các phương tiện phục vụ như máy photocopy, máy in đều đã có sẵn.
Sau khi rà soát lại, chúng tôi đã có tờ trình gửi UBND Lý Sơn đề nghị thay đường dây điện 3 pha thay vì 1 pha như hiện nay để tránh trường hợp quá tải, bị mất điện đột ngột. Kinh phí cho việc thay thế này dự trù khoảng 20 triệu, do UBND huyện hỗ trợ. Ngoài ra, chúng tôi cũng đề xuất mua mới tủ sắt để đựng bài thi và đề thi, do năm trước phải vận chuyển từ Trường THPT Lý Sơn về nên khá cồng kềnh và vất vả". Sở GD&ĐT Quảng Ngãi cũng sẽ tổ chức đoàn khảo sát lại một lần nữa trước khi quyết định đặt điểm thi tại Trường THCS An Vĩnh.
Chu đáo trong tiếp sức mùa thi
Với đặc điểm hoàn cảnh địa bàn có nhiều khó khăn, HS người dân tộc đông, Quảng Nam đã có những phương án để giảm bớt khó khăn cho thí sinh trong việc đi lại, ăn ở trong những ngày diễn ra kỳ thi. "Giữ chân" HS ở lại trường ôn tập cho đến sát ngày thi để bảo đảm HS không bỏ thi là chủ trương của cả ngành GD-ĐT và chính quyền địa phương các huyện miền núi tại Quảng Nam.
Thầy Nguyễn Hữu Thịnh – Hiệu trưởng Trường THPT Hướng Phùng (Hướng Hóa - Quảng Trị) vui mừng cho biết: "Những năm trước đây, HS người dân tộc Vân Kiều của trường hầu hết không có máy tính cầm tay nên rất thiệt thòi trong thi trắc nghiệm. Trước mỗi kỳ thi, ngoài 4 - 5 máy tính cầm tay có ở thư viện nhà trường, chúng tôi cũng có vận động HS khóa dưới cho mượn nhưng không đáng kể.
UBND tỉnh Quảng Nam đã hỗ trợ gần 2,4 tỷ để các trường THPT các huyện miền núi tổ chức ôn tập, giúp cải thiện chất lượng bữa ăn, bảo đảm sức khỏe cho thí sinh dự thi. Ngành GD-ĐT cũng như chính quyền địa phương đã chuẩn bị hết sức chu đáo, từ khâu ôn tập, tập dượt thi cử, đến điều kiện ăn ở, đi lại của thí sinh làm sao để các em không vì một lý do khó khăn nào đó mà không thể dự thi.
Trong năm học này, Tổ chức Y tế Hà Lan có tài trợ 70 máy tính cầm tay Casio. Số máy này, nhà trường đã cho HS mượn để học trong suốt năm học vừa qua và sẽ rà soát lại để cho HS tiếp tục mượn cho đến khi thi tốt nghiệp THPT xong, như là một cách Tiếp sức mùa thi của trường". Dù đã kết thúc năm học nhưng GV khối 12 của Trường THPT Hướng Phùng vẫn tổ chức dạy kèm cho HS cho đến hết tháng 7 với thời lượng 3 buổi/tuần cho 9 môn học.
Năm nay, Trường THPT Phạm Phú Thứ (Hòa Vang, TP Đà Nẵng) có 21 HS người dân tộc Cơ Tu. Ngay sau thời điểm HS đến trường trở lại sau thời gian dài nghỉ học để phòng, chống dịch Covid-19, nhà trường đã bố trí cho những HS này học phụ đạo trái buổi đối với 3 môn Toán – Văn và Anh văn.
Thầy Phạm Bá Hảo, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Buổi tối, nhà trường phân công GV giám sát giờ tự học của HS ở KTX để có những hỗ trợ cần thiết cho các em. Chất lượng bữa ăn của HS cũng được chăm sóc chu đáo, nhất là trong điều kiện nắng nóng kéo dài. Nếu HS phải dự thi ở những điểm thi xa trường thì sẽ có xe đưa đón, nhà trường cử người lo bữa ăn trưa cho HS để các em bảo đảm sức khỏe tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020".