Để rút ngắn khoảng cách trên, ngoài những nỗ lực của địa phương và ngành GD trong đầu tư, nâng cấp trường lớp, trang thiết bị, chính các trường cũng phải tìm cách nâng cao chất lượng dạy - học, đẩy mạnh công tác tiếp thị để “hút” HS.
Xây dựng thương hiệu bằng chất lượng
Thầy Đặng Ngọc Lam – Hiệu trưởng Trường THCS Lê Thánh Tôn (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) rạng rỡ hẳn khi nói về công tác tuyển sinh lớp 6 năm học 2020 – 2021. Không vui sao được khi nhà trường tuyển vượt so với chỉ tiêu được giao: “Chỉ tiêu tuyển sinh của trường là 174 HS lớp 6 nhưng số hồ sơ nhập học của trường là 187 em. Dù vượt chỉ tiêu không đáng kể nhưng đây là bước ngoặt lớn của nhà trường. Những năm trước, trường chỉ tuyển được khoảng 50 - 60% so với chỉ tiêu rồi nhích dần lên 70 - 80% và 3 năm gần đây tuyển đủ chỉ tiêu được giao” – thầy Lam phấn khởi nói.
Trong hồ sơ trái tuyến của Trường THCS Lê Thánh Tôn (Đà Nẵng), một số HS có hộ khẩu ở phường Thạch Thang, Thanh Bình. Đây là những địa bàn có các trường THCS được xếp vào tốp đầu của quận Hải Châu, điều này cho thấy nhà trường đã tạo được niềm tin nơi HS, phụ huynh.
Theo chia sẻ của thầy Lam: “Số lượng HS ít thuận lợi cho công tác giảng dạy và chủ nhiệm. Nhưng tuyển sinh không đủ chỉ tiêu, chứng minh nhà trường chưa tạo được uy tín với phụ huynh. Thế nên, chúng tôi kiên trì nâng cao chất lượng đại trà và mũi nhọn, để trước hết cũng giữ được HS trong địa bàn tuyển sinh. Chúng tôi chưa nghĩ đến “hút” HS ngoại tuyến nên tuyển sinh năm nay là thành công ngoài mong đợi”. Tín hiệu vui ghi nhận nỗ lực của đội ngũ cán bộ, GV, nhân viên của trường trong việc nâng cao chất lượng dạy - học, cải thiện môi trường học đường…
Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đến từng hộ gia đình có HS vào lớp 6, Ban giám hiệu Trường THCS Lê Thánh Tôn chủ trương nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, tham gia tất cả hội thi, phong trào do phòng và sở GD&ĐT tổ chức và đều có giải. Ngoài bồi dưỡng HS giỏi, GV đều dành thời gian phụ đạo cho HS yếu – kém ngoài giờ chính khóa. Năm học vừa qua, trường có HS thi đỗ vào Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, có em nằm trong tốp 10 HS tại kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 của thành phố. Số lượng HS đạt giải cũng như chất lượng giải trong kỳ thi HS giỏi cấp thành phố năm sau cao hơn
năm trước.
Đầu tư môi trường, cảnh quan sư phạm
Nhà ở ngay gần Trường THCS Lê Thánh Tôn nhưng con lớn của chị Đinh Thị Nga (trú tại đường Hàn Mặc Tử, Thuận Phước, quận Hải Châu) đang theo học tại trường khác cách nhà 5km. “Đến 2 cháu út, tôi quyết định cho các cháu học gần nhà sau khi tham quan trường. Các phòng học thoáng mát, khuôn viên trường sạch sẽ, nhiều cây xanh. Tìm hiểu qua một số phụ huynh có con theo học, tôi được biết thầy cô giáo ở trường được đánh giá rất tận tâm; HS của trường thi đỗ vào các trường THPT tốp đầu cũng nhiều.
Điều này khiến tôi có niềm tin để quyết định cho con về học trường gần nhà, dù ban đầu cũng rất phân vân” – chị Nga tâm sự. Sau 2 tuần khai giảng, hai em Nguyễn Thị Kim Hà, Nguyễn Thị Kim Hải (HS lớp 6/1) vẫn giữ nguyên niềm vui sau mỗi buổi học, ríu rít kể cho cả nhà nghe chuyện lớp, chuyện trường. “Với con, mỗi ngày đến trường là một ngày vui nên tôi càng vững tin hơn vào sự lựa chọn của mình”, chị Nga khẳng định.
Cũng nằm ở địa bàn phường Thuận Phước (Đà Nẵng), Trường Mầm non Bình Minh cách đây gần chục năm trong diện khan hiếm nguồn tuyển. Thời điểm đó, trường có 13 GV biên chế mà chỉ có 60 trẻ… Hầu như phụ huynh có con trong độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo trong phường đều tìm mọi cách gửi con em học trái tuyến ở các phường khác, chỉ những ai không đủ điều kiện, phải nộp tiền ăn hàng ngày mới cho con theo học tại trường.
“Gần như các phòng học đều ẩm thấp. Buổi tối trước khi ra về, cô giáo đã lau sạch sàn nhà, thế mà sáng hôm sau mở cửa phòng, sàn nhà đọng nước, sủi cả xi măng lên. Nếu để trẻ tiếp tục học và ngủ trưa trong những phòng này sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là các bệnh về đường hô hấp” – cô Nguyễn Quốc Thư Trâm, Hiệu trưởng Trường Mầm non Bình Minh cho biết.
Mục tiêu lớn nhất nhà trường đặt ra là làm sao để huy động được con em phường Thuận Phước quay về học tại trường. Muốn như vậy không gì khác hơn phải cải thiện các điều kiện cơ sở vật chất, chăm sóc, nuôi dạy trẻ, nhà trường cũng tiếp nhận trẻ từ 13 tháng tuổi vào học để tăng số lượng trẻ trong nhà trường. Sau 3 năm, sĩ số của trường lên đến 280 trẻ với 9 nhóm lớp, trong đó khoảng 80% là con em trong phường.
Sau nhiều nỗ lực, Trường Mầm non Bình Minh mang một diện mạo mới, xanh, đẹp, thân thiện và chất lượng hơn. Việc trang trí các phòng học cũng được đổi mới với nhiều hình ảnh vui mắt. Mỗi phòng một nét riêng, với màu sắc không trùng lặp ý tưởng để tạo sự mới lạ cho trẻ khi lên lớp mới. Lớp học được trang bị đầy đủ bàn ghế, sạp ngủ cá nhân, mềm gối riêng biệt. Sân trường cũng rợp bóng cây xanh, là nơi cho các bé khi tham gia các hoạt động ngoài trời, giáo dục kỹ năng sống. Nhà trường tạo nhiều khu vực vui chơi cho trẻ theo từng độ tuổi với đa dạng trò chơi phát triển thể lực cho trẻ…
Theo cô Trâm, việc phụ huynh muốn cho con học trái tuyến một phần xuất phát từ yếu tố tâm lý. Nhiều phụ huynh cho rằng trường “tên tuổi” có tiếng tăm hẳn chất lượng phải hơn những trường “bình thường”. Thậm chí, vì tâm lý, nghe đồn thay vì tìm hiểu thực tế cơ sở vật chất, GV... của nhà trường.
Thế nên, rất nhiều trường hợp, nhà chỉ cách trường vài bước chân nhưng phụ huynh không muốn cho con theo học. Chính vì vậy, nhiều trường thuộc tốp “trung bình” ở Đà Nẵng đã thực sự quan tâm đến công tác “tiếp thị” để giữ chân HS đúng tuyến.