(GD&TĐ) - Mỗi học sinh chỉ vẽn vẹn 140.000/tháng nhưng những cán bộ thầy cô Trường PTDTBT Đinh Nỉ thuộc huyện miền núi cao An Lão (Bình Định) luôn cố gắng đảm bảo ngày 3 bữa cơm trắng “ấm cái bụng” mong giữ chân những HS nghèo ở nơi miền núi hoang vu này được đến trường học cái chữ.
Khuôn viên trường |
Trường PTDTBT Đinh Nỉ - Một trong những trường còn nhiều khó khăn của huyện miền núi An Lão. Nhưng cũng là ngôi trường bán trú đầu tiên của tỉnh Bình Định làm được chức năng như một trường nội trú, lo chỗ ăn, ở cho học sinh đồng bào tại trường.
Thay vì bữa cơm độn sắn, thức ăn với muối trắng và ít rau rừng khi ở cùng gia đình thì đến trường, ngoài được học cái chữ các em còn được ăn những chén cơm trắng tinh, đầy đặn. Tuy thức ăn không nhiều thường là cá biển, lâu lâu cải thiện một bữa thịt heo, còn rau canh thì thầy cô tự trồng.
Em Đinh Thị Diệu lớp 6A1 bẽn lẽn cho biết: "Các thầy cô rất tốt với chúng cháu, ở đây chúng cháu không chỉ được học cái chữ mà còn được ăn cơm no. So với ở nhà cháu thì tốt hơn nhiều, ở nhà có khí cả tháng cháu mới được ăn thịt lợn”
Học sinh nơi đây chủ yếu là con em đồng bào dân tộc H’re của hai xã nghèo An Dũng, An Vinh của huyện miền núi An Lão. Những năm mới thành lập trường đường xá đi lại khó khăn học sinh đi lại phải mất 1 đến 3 giờ đồng hồ lội suối, trèo đèo mới đến trường. Đường xa lại khó đi nên chẳng em nào chịu đi học, thầy cô đi vận động mãi cũng chỉ có những em ở gần đi.
Gần đây đã có con đường bê tông chạy về đến các xã việc đến trường có thuận lợi hơn nhiều nhưng để đến trường các em cũng phải đi bộ đến hơn chục km nên phần lớn các em phải ở lại trong trường cuối tuần mới về thăm nhà.
Để thuận lợi cho việc học tập buộc các em phải ở lại trường, trong lúc gia đình các em lại khó khăn tiền bạc không có, còn tiền trợ cấp cho các em thì ít ỏi. Từ chỗ mỗi học sinh chỉ được trợ cấp 30.000 đồng/tháng (2000); 50.000 đồng (2002); 100.000 ( 2004) và 140.000/ tháng từ năm 2008 đến nay, nên việc lo cho các em ăn uống đầy đủ là vô cùng khó.
Thầy Trần Thanh Long, Hiệu trưởng nhà trường (một trong những người đầu tiên đặt chân về trường Đinh Nỉ - PV) khiêm tốn tâm sự: “Công tác về vùng núi không nói chắc các anh cũng biết khó khăn như thế nào. Với cái tâm người thầy tôi luôn mong muốn các em được đến trường học cái chữ nhưng để các em được ăn uống đầy đủ hơn thì cần có những chính sách cụ thể với học sinh đồng bào”.
Để học sinh vừa có cái chữ, vừa có cái bụng ấm khi học bài, cán bộ, giáo viên của trường đã xây dựng mô hình tăng gia sản xuất theo kiểu VAC. Tận dụng khuôn viên trường rộng rãi, gần suối các thầy cô cải tạo khoảng 300 m2 đất trồng đủ các loại rau như: Rau cải, rau ngót, mồng tơi...đủ nguồn cung cấp rau cho cả thầy và trò. Rồi trồng thêm củ mì với diện tích 2 sào, thêm vào đó trường còn đào ao thả cá để cải thiện bữa ăn; nhà trường còn trồng cây keo, bạch đàn với diện tích trên 6000 m2, đến nay đã thu hoạch được 2 lần;...
Đã 7 năm trời gắn bó với học sinh đồng bào nơi đây thầy giáo trẻ Phùng Văn Sang (1981) Giáo viên Ngữ văn vui vẻ tâm sự: Thời gian đầu tiền trợ cấp còn ít các bữa ăn của các em chủ yếu với cá khô, còn canh thì thầy cô đi kiếm lá Giang trên rừng (lá Giang một loại lá có vị chua nấu canh rất ngon và đảm bảo không có thuốc sâu-PV). Mới về công tác cũng thấy buồn, cuộc sống nơi đây cũng vất vả hơn dưới đồng bằng nhiều nhưng nhìn các em không chỉ đói ăn mà đói cái chữ nữa mình thấy tội các em. Gắn bó lâu rồi thành quen giờ coi đây như quê hương, máu thịt của mình.
Trưởng Phòng GD&ĐT huyện An Lão ông Nguyễn Văn Phiên nguyên là hiệu trưởng của trường PTDTBT Đinh Nỉ cho biết: “Tôi từng gắn bó với trường cả chục năm trời cái khổ của học sinh nơi đây tôi biết. Khi tôi cùng với thầy Long về nhận công tác tưởng như phải từ bỏ, bởi người đồng bào nghèo tiền đâu cho con đi học đường xá thì xa khó đi, học sinh có đâu mà dạy. Nhưng bằng sự quết tâm của các thầy, cô đến nay trường đã vào nề nếp. Mặc dù mức hỗ trợ cho HS còn thấp nhưng cán bộ, giáo viên nhà trường quyết lo cho các em cái ăn đủ sức học tập. Không phải tự hào nhưng chắc chắn Trường PTDTBT Đinh Nỉ là trường đầu tiên của tỉnh Bình Định thực hiện mô hình bán trú nhưng như nội trú”.
Hiện tại trường có136 học sinh từ lớp 6 đến lớp 9 nhưng có hơn 80 em đang ăn ở sinh hoạt tại trường, chỉ cuối tuần nghỉ học các em mới về thăm nhà.
Khó khăn còn nhiều, nhưng với các thầy cô nơi đây thì nỗi lo thường trực vẫn là làm sao vận động các em tới trường, giữ chân các em hiệu quả, chống bỏ học.
Một số hình ảnh sinh hoạt của các em học sinh ở trường:
Bảo đảm đủ bữa ăn giúp các em yên tâm học tập |
Ăn hết đến những hạt cơm cuối cùng |
Những hạt cơm trắng tinh |
Nhiều em e thẹn khi bị chụp hình |
Ở trường, các em được đáp ứng các nhu cầu cần thiết, rèn dạy các kỹ năng trong cuộc sống |
Khu nội trú khang trang |
Tận dụng đất rộng giáo viên trồng rau, trồng sắn cải thiện bữa ăn cho thầy cô và học sinh |
Thầy cô nuôi heo cải thiện dinh dưỡng cho học sinh |
Công Minh
Trong một thông tin khác, Tỉnh ủy Khánh Hòa vừa đồng ý tăng học bổng, trợ cấp cho học sinh tại các trường tiểu học, trường trung học cơ sở ở 2 huyện miền núi, dự kiến số tiền hỗ trợ tăng từ 7 tỷ đồng/năm như hiện nay lên 17 tỷ đồng và chuyển thành bữa ăn trưa thay vì phát tiền mặt. Chinhphu.vn |