Tận dụng "thời gian vàng" trường học Lai Châu chọn kiến thức trọng tâm từng môn học

GD&TĐ - Tận dụng tối đa thời gian "vàng", ngành GD-ĐT Lai Châu đã chủ động và linh hoạt trong tổ chức hoạt động dạy và học từ đầu năm học. Đồng thời, ngành chỉ đạo các trường dạy kiến thức trọng tâm, cốt lõi của môn học.

100% trường học ở Lai Châu tổ chức dạy học trực tiếp.
100% trường học ở Lai Châu tổ chức dạy học trực tiếp.

Vùng xanh tranh thủ thời gian vàng

Đến nay, Lai Châu vẫn là “vùng xanh” trong phòng chống dịch Covid-19. Các trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 mới ghi nhận từ Bình Dương về đều được kiểm soát.

Tận dụng thời điểm "vàng", các trường dạy học trực tiếp theo kế hoạch và trang bị cho học sinh các nội dung cốt lõi trong chương trình giáo dục. 

Toàn bộ thời gian biểu được các trường sắp xếp linh hoạt  với quan điểm không cắt bớt chương trình và ưu tiên lựa chọn nội dung cốt lõi để dạy học. Với cách làm như vậy, các trường có thể nhanh chóng chuyển đổi trạng thái giữa học trực tiếp, trực tuyến trong các tình huống khác nhau của dịch bệnh.

Năm học 2021-2022, Trường THPT Bình Lư, huyện Tam Đường có 804 học sinh. Nhà trường dạy học trực tiếp từ ngày 6/9. Buổi sáng, các khối lớp học theo thời khóa biểu. Buổi chiều, nhà trường chỉ đạo giáo viên tăng cường ôn luyện với 9 môn thi tốt nghiệp. Cùng với đó, bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên về cách thức soạn giáo án và giảng dạy trực tuyến.

Cô Phạm Hà Ninh, giáo viên Trường THPT Bình Lư cho biết: "Chúng tôi bám sát Công văn 4040 của Bộ GD&ĐT về hướng dẫn thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS và THPT ứng phó với dịch Covid-19 để xây dựng kế hoạch năm học sao cho phù hợp nhất. 

Nhà trường thực hiện dạy 4 tiết buổi sáng, 4 tiết chiều, bảo đảm mỗi ngày 8 tiết. Nội dung dạy tập trung vào các môn thi tốt nghiệp. Môn không thi tốt nghiệp có thể dạy vào ngày nghỉ cuối tuần. Cùng với đó, để bảo đảm an toàn, sức khỏe cho giáo viên, học sinh và tận dụng hiệu quả thời gian học trực tiếp, nhà trường thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 từ ngoài cổng trường".

Tận dụng thời gian "vàng" để dạy trực tiếp
Ngành GD Lai Châu tận dụng thời gian "vàng" để dạy trực tiếp.

Thầy Bạch Công Đông, Phó hiệu trưởng Trường THPT Bình Lư chia sẻ: “Chúng tôi đã chỉ đạo, hướng dẫn các nhóm bộ môn xây dựng kịch bản ứng phó khi tình hình dịch bệnh xảy ra phải dạy trực tuyến. Đồng thời, tập huấn chuyên môn cho giáo viên về xây dựng giáo án điện tử”.

Năm học này, Trường THPT Dào San, huyện Phong Thổ có 8 lớp với 327 học sinh. Theo thầy Phó Hiệu trưởng Sầm Văn Hiếu, trường đã xây dựng chi tiết kế hoạch năm học, môn học phù hợp với điều kiện có dịch. Tập trung giảng dạy các môn học chính khóa, gắn dạy lý thuyết với ôn tập, nhất là với học sinh cuối cấp.

Đồng thời, tạm dừng các hoạt động ngoại khóa, tranh thủ thời gian an toàn để dạy học trực tiếp các kiến thức cốt lõi, vừa khẩn trương chuẩn bị những điều kiện dạy học trực tuyến nếu dịch Covid-19 xảy ra, kéo dài.

Linh hoạt lựa chọn nội dung dạy học trực tiếp

Toàn tỉnh Lai Châu có 346 trường học, 5.745 lớp với hơn 150.000 học sinh. Ngay sau lễ khai giảng, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các trường tranh thủ thời điểm “vàng” để  dạy học trực tiếp. Linh hoạt tổ chức phương án dạy học trong mọi tình huống để “nghỉ dịch nhưng không nghỉ học”, sẵn sàng tư tưởng dạy học trong trạng thái bình thường mới.

Làm tốt công tác phòng, chống dịch trước khi vào trường.
Trường học làm tốt công tác phòng, chống dịch.

Đồng thời, yêu cầu các trường xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, kế hoạch giáo dục môn học theo hướng chủ động linh hoạt, tinh giản. Dạy học những nội dung cốt lõi, phù hợp với điều kiện của từng địa phương trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.

Cùng với việc tổ chức dạy và học linh hoạt, ngành GD-ĐT Lai Châu đã chủ động xây dựng phương án học tập cho học sinh đang tạm trú tại các tỉnh ngoài chưa thể trở về địa phương, bảo đảm quyền lợi và điều kiện học tập tốt nhất cho các em.

Linh hoạt để thích ứng với bối cảnh vừa phòng, chống dịch, vừa bảo đảm kế hoạch giáo dục, ngành GD-ĐT tỉnh Lai Châu đang nỗ lực để cụ thể hóa mục tiêu kép trong năm học 2021-2022.

Với các trường hợp này, ngành chỉ đạo nhà trường liên hệ với trường học ở nơi học sinh đang tạm trú để có thể học tập cho đến khi dịch bệnh được kiểm soát. Ngược lại, các trường trên địa bàn cũng tạo mọi điều kiện để hỗ trợ cho học sinh ở nơi khác đang tạm trú tại tỉnh Lai Châu được tham gia học tập tại địa phương.  

Trường THCS Tân Phong, TP. Lai Châu có 20 lớp, với 863 em học sinh. Nhà trường đã chỉ đạo các tổ chuyên môn tập trung nghiên cứu giảng dạy, ưu tiên các bộ môn có nhiều tiết thực hành, thí nghiệm, bài học trực quan như Vật lý, Hóa học, Sinh học. Với môn Toán, giáo viên đang tập trung dạy các phần về hình học, bởi dạng toán này dạy trực tuyến sẽ kém hiệu quả.

Cô Bùi Thanh Mai, Phó hiệu trưởng nhà trường cho hay: Nhà trường xây dựng và ban hành phân phối chương trình sát với nội dung tinh giản để tập trung dạy cho học sinh những kiến thức cơ bản, cốt lõi nhất.

Các trường tập trung dạy nội dung cốt lõi để đảm bảo mục tiêu giáo dục khi dịch bệnh xảy ra.
Các trường tập trung dạy nội dung cốt lõi để đảm bảo mục tiêu giáo dục khi dịch bệnh xảy ra.

“Ngay từ đầu năm học, nhà trường đẩy các chủ đề gắn với thực hành của các môn Hóa học, Vật lý, Sinh học lên dạy trước. Nếu phải dạy trực tuyến,  các chủ đề này chỉ cần mô tả lại. Đồng thời, chúng tôi làm tốt công tác phòng chống dịch để đảm bảo khung thời gian chương trình học tập cho các em”, cô Vàng Thị Cúc, Phó Hiệu trưởng Trường PTDTNT tỉnh Lai Châu thông tin.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ