Tận cùng yêu thương!

Tận cùng yêu thương!

Cam Hà Giang rụng đầy gốc, người nông dân khóc ròng. Bạn tôi cùng mấy người nữa quyết định “giải cứu” nông dân bằng cách thuê xe tải thu mua tận nơi, vận chuyển về Hà Nội bán. Sau khi trừ chi phí, tiền lãi sẽ được đưa vào một quỹ từ thiện.

Một nhóm bạn khác thì kêu gọi trên mạng xã hội chung tay mua dưa hấu ủng hộ nông dân. Giá dưa thu mua tại vườn dao động từ 1.500 - 2.000 đồng/kg. Chi phí vận chuyển 3.000 đồng/kg. Ra đến Hà Nội thì giá dưa dao động từ 5.000 – 6.000 đồng/kg.

Những ngày thịt lợn tăng giá phi mã, tôi lại nhớ đến một dạo, mẹ tôi ra chợ mua 3kg thịt thăn hết tổng cộng 100.000 đồng. Bà bảo thịt rẻ, mua về làm ruốc cho trẻ con ăn vã.

Rồi một dạo, hành khô rớt giá thảm hại, chỉ 10.000 đồng/kg. Nhiều người mua về phơi khô, hoặc phi thơm cất đi ăn dần. Đa phần đều rất vui được tiếng giúp đỡ, giải cứu người nông dân. Chỉ có người nông dân trực tiếp sản xuất là đau! Thậm chí nhiều người mất hết gia sản, trắng tay sau một mùa vụ thất bát.

Giải cứu chắc hẳn không phải là cách mà người dân mong muốn. Bởi giải cứu chỉ để sản phẩm không rơi vào cảnh thối, hỏng, vứt đi... Giá thu mua giải cứu cũng cực kỳ rẻ, thậm chí không đủ hòa vốn.

Nhiều hội nghị, hội thảo đã được tổ chức để bàn đầu ra cho nông sản, nhưng bài ca giải cứu vẫn nối dài. Rõ ràng, “giải cứu” không phải là cái đích mà những người liên quan hướng đến. Xây dựng nền nông nghiệp 4.0, trước tiên, hãy giải bài toán giải cứu nông sản.

Có thể nói, “giải cứu” là hành động rất ấm áp đối với người dân đang khóc ròng vì sản phẩm không bán được. Chung tay giải cứu được coi là nét đẹp. Tôi nghĩ mãi về nét đẹp ấy. Nhưng quan điểm của tôi về nét đẹp đó khác một chút. Để củng cố cho quan điểm của mình, tôi lôi cuốn sách rất nổi tiếng: “Vô cùng yêu thương - Vô cùng tàn nhẫn” ra đọc lại.

Trong sách có câu: “Mọi người thường nói, tôi là cha, tôi là mẹ nên phải nhường mọi thứ cho con, hi sinh tất cả cho con, kể cả hạnh phúc của mình, như vậy mới là yêu thương con cái. Thật ra, đó chỉ là tình yêu quá trớn, hoàn toàn làm hại con.

Nó khiến cho con trẻ trở thành một kẻ tàn phế suốt đời về mặt tư tưởng, tinh thần và nhân cách. Makarenko, nhà giáo dục nổi tiếng từng so sánh: Nếu bạn muốn con mình chết vì ngộ độc, hãy cho nó uống một liều thuốc gọi là hạnh phúc”.

Tôi đọc đi đọc lại đoạn này. Nó đồng quan điểm với tôi về giải cứu. Đó là hãy giải cứu bền vững. Đừng tư duy giải cứu mùa vụ. Tận cùng của yêu thương là hãy để đứa trẻ - nền kinh tế tự đứng vững và đi trên đôi chân của mình. Yêu thương nhau lúc khó khăn là cần thiết. Nhưng yêu thương không đúng cách sẽ hủy hoại đứa trẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh lớp 12 đăng ký phương thức xét tuyển sớm của Trường Đại học Công Thương TPHCM, tháng 4/2024. Ảnh: Mạnh Tùng

Điểm cao chẳng thể chủ quan

GD&TĐ - Dù đạt điểm cao ở các kỳ thi đánh giá năng lực, thí sinh vẫn cần tập trung tốt cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT, đồng thời đăng ký nguyện vọng hiệu quả nhất.