Tâm thư từ 328 Nguyễn Trãi- Xin cảm ơn các bác sĩ bệnh viện Đức Giang và các bác sĩ trong tuyến đầu chống dịch Covid-19 cả nước
Một buổi sáng mùa Thu ngày 23/08/2021, cũng như bao buổi sáng khác, tôi trở dậy và chuẩn bị đi làm. Xuống đến sân chơi quen thuộc, một rào chắn kín mít được giăng ra, đang là mùa đại dịch Covid -19, hình ảnh này đã quá quen với người dân chúng tôi. Tôi nghe mọi người nói là có 2 ca dương tính, là hai mẹ con đi làm shipper ở ngõ bên cạnh. Và thế là “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.
Đến buổi chiều, Đội Y tế quận Thanh Xuân đã xuống địa bàn cư dân ngõ 328 Nguyễn Trãi, phường Thanh Xuân Trung để test Covid toàn bộ dân sống trong ngõ, cứ 3 ngày lại test 1 lần. Những lần đầu cả gia đình tôi có 6 người: vợ chồng, hai đứa con và ông bà nội các cháu đều âm tính… may quá… nhưng đến ngày 26/08/2021 thì đội Y tế gọi từng hộ dân xuống đầu cầu thang mỗi khu nhà để test lại, vì trong mẫu gộp có người “dương tính”, cảm giác bắt đầu lo lắng trong tôi. Rồi buổi chiều định mệnh đã đến, lúc đó tôi đang nấu gần xong bữa cơm chiều, một cuộc điện thoại số lạ, hình như là số của Trung tâm phòng dịch mà tôi vẫn thấy hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng, gọi đến số máy của tôi. Họ bảo là “Chị có phải là chị Vũ Thị Phương không”, “đã ai nói gì với chị chưa?”, tôi đáp “ dạ, chưa ạ”, đầu bên kia nói tiếp “Chị đã bị dương tính với Virus Sars CoV2”, trong đầu tôi hiểu, như vậy là tôi đã nhiễm bệnh(là F0). Sau đó, rồi bố chồng tôi cũng nhận được kết quả dương tính.
Ngay trong đêm ngày 29/08/2021, tôi và bố chồng tôi được xe y tế 119 đưa đến Bệnh viện Bắc Thăng Long tại Đông Anh, Hà Nội điều trị. Còn 4 người còn lại là chồng, hai con tôi và mẹ chồng tôi được đưa đến Khu cách ly tại Khu đô thị Kim Giang (vì là F1). Sau đó 02 ngày thì mẹ chồng tôi cũng có biểu hiện ho sốt, rồi đội y tế lên xét nghiệm, thì bà cũng nhận kết quả dương tính, và thế là bà cũng được đưa đến Bệnh viện Bắc Thăng Long để điều trị. Nhà tôi 3 người bị nhiễm Covid – 19 và được điều trị ở Bệnh viện Bắc Thăng Long 10 ngày, tôi và bố chồng tôi thì triệu chứng nhẹ, tôi bị mệt 2 ngày đầu, tất cả triệu chứng mà mọi người bị mắc cảm nhận: đau đầu, đau cơ, đau tất cả “lục phủ ngũ tạng”, mệt khủng khiếp, bước đi như trên mây… Bố chồng tôi thì cũng mệt dần, phải thở ô xi, nhưng rồi ông cũng vượt qua được con covid này, không bị nặng thêm, ông đỡ dần và bình phục.
Còn mẹ chồng tôi, bởi vì cụ đã 80 tuổi, vốn sức khỏe của bà đã kém gần 1 năm nay rồi, bà nặng dần lên, bà bị sốt, Bệnh viện Bắc Thăng Long là bệnh viện thuộc tuyến dưới, kiểu bệnh viện dã chiến, bà nhà tôi cũng được các bác sĩ tại Bệnh viện Bắc Thăng Long tận tình chăm sóc theo phác đồ điều trị tuyến dưới, cho uống thuốc, nhưng virus đã tấn công mạnh hơn vào cơ thể bà, bà đã được các bác sĩ quyết định chuyển lên tuyến trên là Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, quận Long Biên, Hà Nội, tôi đã xin các bác sĩ cho tôi được đi theo để tôi có thể chăm sóc cho bà, lúc này bệnh covid trong tôi đã đỡ nhiều rồi, tôi chỉ bị mệt nhẹ.
Và cuộc chiến giành giật sự sống với virus SARS-COV2 của mẹ tôi bắt đầu
Chiếc xe cấp cứu chở 2 mẹ con tôi chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Đức Giang vào buổi chiều ngày 8 tháng 9 năm 2021 (có bình ô xi cho bà thở trên xe), đến nơi hai mẹ con tôi được bác sĩ đón và đưa Khu nhà C – Khu điều trị Covid và nằm tại C3- phòng 319, bà nhà tôi được thở ô xi ngay.
Ngày hôm sau tôi và bà được làm các xét nghiệm và chụp phổi, phổi của bà đã bị virus tấn công. Một điều rất may là bà nhà tôi không bị những triệu chứng như đau đầu, rát họng, hoặc mỏi cơ hay người già bị mỏi thường xuyên nên họ không cảm nhận rõ rệt, tôi đoán vậy.
Những ngày sau đó bà nhà tôi được theo dõi liên tục chỉ số ô xi trong máu SPO2 (chỉ số của bà liên tục xuống 80, ở mức khá nguy hiểm), xét nghiệm máu, chụp phổi. Bà còn bị bệnh lý nền là tiểu đường, huyết áp và béo phì nữa, cho nên nguy cơ bệnh tăng nặng đối với bà là rất cao, bác sĩ nói với tôi như vậy.
Trong phòng bệnh, xung quanh hai mẹ con tôi, các bệnh nhân: già, trẻ, đủ mọi lứa tuổi đang nằm đó, thở ô xi, những nhịp thở khó nhọc, những cơn ho khan nghe vừa sâu, vừa xé cổ, những gương mặt buồn bã, thiếu sức sống… covid nó là vậy.
Rồi những ngày điều trị tích cực “mẹ tôi được truyền các chai thuốc kháng sinh, chai dịch truyền, theo dõi chỉ số đường huyết, vì đối với người phải truyền thuốc chữa viêm phổi do covid làm tăng chỉ số đường huyết, có lúc của mẹ tôi là 26, bác sĩ nói với tôi, nếu chỉ số này quá cao sẽ dẫn đến hôn mê. Tôi thật lo lắng.
Có lúc bác sĩ nói với tôi là bà bị nặng đấy, tôi ngây thơ hỏi lại bác sĩ “do mẹ chị tuổi cao, và bệnh lý nền à”. Bác sĩ nói “không, bà bị virus tấn công vào phổi nhiều, khá nặng và nguy cơ lọc máu rất cao”, bác sĩ nói để gia đình tôi chuẩn bị tâm lý, tôi nghe ù cả tai, và những cuộc điện thoại về khu cách ly Kim Giang, để báo cho chồng tôi biết.
Từng ngày, từng ngày: sáng sớm, trưa, chiều, tối, đêm,mẹ tôi luôn được các bác sĩ, y tá theo dõi, điều trị theo phác đồ, một sự theo dõi liên tục, liên tục. Tôi chưa thấy một căn bệnh nào mà bệnh nhân phải theo dõi, xét nghiệm nhiều như người bệnh bị covid -19 này. Thật đáng sợ.
Sau khoảng 10 ngày điều trị tích cực, mẹ tôi được chuyển sang phòng Hồi sức tích cực và lại tiếp tục xét nghiệm, theo dõi các chỉ số SPO2, đường huyết, chỉ số đông máu. Các bác sĩ, y tá chạy ngược, chạy xuôi, hết phòng bệnh này đến phòng bệnh khác, toàn các bệnh nhân đang cần sự giúp đỡ của họ. Họ khoác trên người những bộ đồ bảo hộ màu trắng, kéo kín mít từ đầu đến chân, không có biển đề Tên, nếu nhìn không kỹ, không biết là bác sĩ nam hay nữ, vì giọng nói cũng khác đi, khi phải qua lớp khẩu trang và kính chống giọt bắn. Tôi chỉ thấy “họ uy nghi và đẹp như Những nhà Du hành vũ trụ”.
Trong quá trình điều trị ở Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, có rất nhiều kíp trực, các bác sĩ, y tá, nhân viên y tế phải ở bệnh viện 24/24 giờ, suốt 15 ngày liên tục, họ được cách ly 14 ngày, được về nhà 7 ngày, (có bác sĩ nói đã 6 tháng nay họ chưa được về nhà, họ xa gia đình, xa con nhỏ…). Sau đó, họ lại tiếp tục quay lại chiến đấu để giành giật sự sống cho những bệnh nhân nặng, theo dõi những bệnh nhân nhẹ.
Tôi chỉ biết được tên của các bác sĩ Đán, bác sĩ Thoại, Bác sĩ Tâm, Bác sĩ Quân… nhiều bác sĩ và y tá mà tôi không thể nhớ được tên của họ nữa.
Một bộ phận của Bệnh viện Đa khoa Đức Giang mà chúng tôi vô cùng cảm ơn là đội ngũ hậu cần, các bác điều dưỡng đã nấu cho bệnh nhân chúng tôi những bữa ăn ngon: sáng, trưa, chiều, vừa nhiều, vừa ngon, vừa đủ chất dinh dưỡng. Suất ăn ở đây vừa nhiều, vừa ngon cũng góp phần quyết định để người bệnh phục hồi nhanh sức khỏe, chiến thắng Covid -19.
Sau gần 55 ngày điều trị tại C3, C2 Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, sau những lần test âm tính, các chỉ số xét nghiệm của mẹ tôi đã khá ổn định, các bác sĩ đã cho hai mẹ con tôi được xuất viện. Sáng ngày 22 tháng 10 năm 2021, hai bác sĩ đã vào thông báo những bệnh nhân được ra viện ở phòng 219 C2, bác sĩ đã nhìn bà nhà tôi và nói rằng: Bà cụ 80 tuổi qua được bệnh covid này là một điều kỳ diệu, hiếm có đấy, các bác sĩ cũng ngạc nhiên.
Trong đại dịch toàn cầu này rất nhiều người đã không vượt qua được, rất nhiều người già, người có bệnh lý nền đã phải ra đi mãi mãi. Ngày bị thông báo dương tính, họ xách hành lý đi điều trị tại các bệnh viện, bệnh viện dã chiến, nhưng họ phải nằm lại đấy, không có cơ hội được trở về nhà, họ ra đi trong cô đơn, không người thân, chỉ có các bác sĩ, nhân viên y tế ở bên họ, những phút cuối cùng. Tôi cứ nhớ mãi câu nói của Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ - Phạm Sanh Châu “Chưa bao giờ lằn ranh giới giữa sự sống và cái chết lại mong manh đến thế” rồi, “đã kìm nén rồi mà nước mắt cứ trào ra”.
Một lần nữa, tôi xin thay mặt toàn thể các bệnh nhân đã điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, cảm ơn Ban lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, toàn bộ các kíp bác sĩ trực tại Khu C- Khu điều trị Covid, Khoa dinh dưỡng của Bệnh viện, các đội ngũ nhân viên phục vụ, nhân viên hậu cần đã ngày đêm thức trắng, chăm sóc, theo dõi từng phút một để bệnh nhân chúng tôi được chăm sóc, điều trị và những ca nặng như mẹ tôi được cứu sống, để mẹ tôi được trở về với gia đình, sum vầy cùng các con cháu.
Qua tâm thư này, tôi cũng thay mặt những người dân xin gửi ngàn lời cảm ơn các bác sĩ, nhân viên y tế trên cả nước đã dũng cảm, hy sinh rất nhiều thứ để hết lòng cứu sống người bệnh trong Đại dịch Covid toàn cầu này.
Bệnh dịch vẫn còn đang tiếp diễn, mong mọi người hãy cẩn thận và giữ gìn sức khỏe theo những quy định của Bộ Y tế đề ra.