Đây là lần thứ 11 cuộc thi được tổ chức, riêng cuộc thi năm nay thu hút 545 bài dự thi từ nhiều trường THPT trong toàn quốc. Một lần nữa, học sinh trường THPT An Lạc Thôn (tỉnh Sóc Trăng) lại bước lên đỉnh vinh quang với nhiều đề tài đạt giải cao.
Đặc biệt, đề tài “Hệ thống xử lý nước mưa khép kín” là kết quả của việc “Tầm sư học đạo" của nhóm học sinh Nguyễn Hoàng Duy, Lý Gia Huy (lớp 11A2 Trường THPT Kế Sách) dưới sự hướng dẫn của thầy Nguyễn Ngọc Hải (Trường THPT An Lạc Thôn) và sự cộng tác của em Nguyễn Thiện Nhuận (11A3 Trường THPT An Lạc Thôn)
Thầy Nguyễn Ngọc Hải cho biết: Hai em Nguyễn Hoàng Duy và Lý Gia Huy là học sinh trường THPT Kế Sách, rất mê nghiên cứu khoa học nhưng niềm đam mê ấy của các em chưa thành hiện thực bởi thiếu người hướng dẫn.
Qua theo dõi thông tin, các em biết các bạn ở Trường THPT An Lạc Thôn say mê nghiên cứu khoa học lại được giáo viên hướng dẫn nhiệt tình đã thành công. Vì vậy, hai học sinh này đã không quản ngại đường xa cách trở, khăn gói tìm đến Trường THPT An Lạc Thôn để “Tầm sư học đạo”.
Thật bất ngờ, khi đến đây, các em quen biết các bạn trên trường THPT An Lạc Thôn nên cùng nhau nghiên cúu đề tài khoa học.
Niềm say mê của các em được gia đình ủng hộ, tạo điều kiện cho các em được thỏa nguyện, bởi theo các bậc phụ huynh, nghiên cứu khoa học cũng là một sân chơi lý thú, bổ ích cho các em và họ tin rằng con em mình sẽ thành công.
Bên cạnh đó, các em còn nhận được sự hỗ trợ và giúp đỡ của Ban giám đốc Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Sóc Trăng; Ban giám hiệu Trường THPT An Lạc Thôn, Trường THPT Kế Sách các thầy cô giáo đã cung cấp kiến thức; các bạn học sinh của hai trường, nhất là các bạn lớp 11A3 trường THPT An Lạc Thôn và lớp 11A2 trường THPT Kế Sách đã động viên các em thực hiện đề tài này.
Theo em Lý Gia Huy, cơ sở để em và các bạn thực hiện đề tài là: Nước ta có rất nhiều sông ngòi, ao hồ chằng chịt, phân bố khắp cả nước, nhưng trong thực tế, nước dùng trong ăn uống, sinh hoạt hàng ngày càng thiếu trầm trọng do ô nhiễm. Việc cung cấp nước sạch cho người dân vùng sâu, vùng xa vẫn còn gặp nhiều khó khăn, có nơi nước sạch vẫn chưa đến được tận tay người dùng.
Nhiều gia đình vùng miền núi hay ven biển (nhiễm mặn) rất khó khăn trong việc tìm nguồn nước sạch cho sinh hoạt nên thường trữ nước mưa để sử dụng trong sinh hoạt, thậm chí làm nước uống trực tiếp mà không qua xử lí. Điều này đã làm gia tăng thêm số ca mắc bệnh về đường tiêu hóa, ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Theo Gia Huy, nước mưa rất tinh khiết, bởi lẽ đây là nguồn nước do hơi nước từ các sông, hồ, biển và đại dương bốc hơi và ngưng tụ có được.
Nhưng sự tinh khiết của nước mưa không được duy trì khi đến tay người sử dụng. Do trong quá trình rơi, nước đã tiếp xúc với vô số vi khuẩn và bụi từ các lớp không khí và sau cùng là mái nhà trước khi đến nơi tích trữ như vi khuẩn E.Coli, một trong những tác nhân gây nên bệnh đường ruột.
Bên cạnh đó còn có hàng loạt những hợp chất vô cơ, hữu cơ nguy hiểm khác như NO2, NH3, H2S, do quá trình phân hủy tự nhiên; Cl2, CO2, CH4, SO2,… từ các khói nhà máy, khói xe, khói tàu,… Trong điều kiện người dân sử dụng nước mưa trực tiếp như thế sẽ rất nguy hiểm đến sức khỏe, đặc biệt là vào đầu mùa mưa.
Trước thực trạng trên, đề tài “Hệ thống xử lý nước mưa khép kín” được ra đời’. Nội dung đề tài là xây dựng hệ thống xử lý nước mưa khép kín nhằm sử dụng tốt nguồn nước “trời cho” được thực hiện như sau:
Xử lý mùi và màu của nước mưa thông qua sỏi và than hoạt tính; Lọc thẩm thấu để loại bỏ các anion có trong nước mưa; Lọc ngược để loại bỏ các cation có trong nước mưa; Xử lý vi sinh vật bằng đèn cực tím hay SODIS.
Với hệ thống trên đã loại bỏ đáng kể lượng SO42-, PO43-, NO3- và vi sinh vật.. nhằm đạt tiêu chuẩn nước sử dụng tronh sinh hoạt.
Thầy Nguyễn Ngọc Hải nhận xét: “Mô hình xử lý nước mưa khép kín của nhóm học sinh thực hiện rất đơn giản, thân thiện với môi trường, dễ thực hiện, có thể áp dụng rộng rãi cho các gia đình vùng sâu, vùng xa, vùng núi hay các vùng ven biển để sử dụng tốt các nguồn nước này.
Đối với các trường học, bệnh viện, mô hình này sẽ cung cấp một lượng lớn nước mưa sạch cho học sinh cũng như các bệnh nhân, tiết kiệm một lượng lớn chi phí cho việc mua nước lọc sử dụng”.
Cuộc thi không có giải Nhất, 2 giải Nhì thuộc về nhóm học sinh Huỳnh Dương Băng Băng, Phạm Quốc Việt, Trần Thanh Liêm (Trường THPT An Lạc Thôn, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) với đề tài “Hệ thống báo động nước nhiễm mặn tự động”; Đặng Tuấn Hùng, Nguyễn Ngọc Thanh Lâm (THPT chuyên Thái Nguyên) với đề tài “Kết hợp các biện pháp trong tuyên truyền tới cộng đồng về vấn đề bảo vệ và sử dụng hợp lý nguồn nước ở Việt Nam”.
Giải Ba thuộc về học sinh Nguyễn Hoàng Duy, Lý Gia Huy, Nguyễn Thiện Nhuận (Trường THPT Kế Sách và THPT An Lạc Thôn, tỉnh Sóc Trăng) với đề tài “Hệ thống xử lý nước mưa khép kín”; phạm Thị Lan Anh, Nguyễn Chính Trương (THPT Hoài Đức A, THPT Vạn Xuân huyện Hoài Đức, Hà Nội); Bùi Minh Liên, Lê Thị Thanh Nga, Đinh Ngọc Sơn (THPT chuyên Thái Nguyên) với đề tài “Sử dụng dịch chiết từ thực vật trong phòng trừ sâu hại nhằm giảm ô nhiễm nguồn nước do thuốc trừ sâu hóa học”; Nguyễn Thị Hà Phương, Lê Thúy Quỳnh, Vương Lan Hương (THPT Mộc Lỵ, thị trấn Mộc Châu, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La) với đề tài “Sử dụng tiết kiệm và bảo vệ nguồn nước”.
Giải Khuyến khích thuộc về Mai Nguyễn Bảo Hân, Dương Anh Thư (THPT An Lạc Thôn, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) với đề tài “Sử dụng vật liệu đơn giản để loại bỏ hàm lượng chì và Asen trong nước nhằm ngăn ngừa bệnh ung thư”; Lê Thanh Thảo (THPT Mộc Lỵ, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La) với đề tài “Tuyên truyền giáo dục bảo vệ nguồn nước đến học sinh vùng khó khăn”.; Hoàng Xuân Thiên, Phạm Hải Quân, Lê Việt Anh (THPT Mộc Lỵ, tỉnh Sơn La) với đề tài “Lọc nước mặn ra nước ngọt”; Đặng Thu Trang, Phạm Thị Hải Anh (THPT Mộc Lỵ, tỉnh Sơn La) với đề tài “Nghiên cứu mô hình thực nghiệm xử lý nước thải sinh hoạt bằng phương pháp lọc sinh học”.