Kết quả của những nỗ lực
Trong kỳ thi tay nghề Thế giới lần thứ 43 vừa qua, Nguyễn Duy Thanh với nội dung thi “Giải pháp phần mềm công nghệ thông tin cho doanh nghiệp” đã đạt 535/600 điểm, xếp thứ 3 trong tổng số 22 thí sinh đại diện các nước tham dự xuất sắc giành Huy chương Đồng.
Đây là tấm huy chương đầu tiên của đoàn Việt Nam sau nhiều lần tham dự các kỳ thi Tay nghề Thế giới. Nguyễn Duy Thanh chia sẻ: “Em đã cố gắng hết sức mình cho kỳ thi và rất tự hào, hạnh phúc với kết quả này. Trong 4 ngày thi căng thẳng, vì màu cờ sắc áo em đã tập trung cao độ và nỗ lực hết mình, vận dụng những kiến thức, kỹ năng đã được học để hoàn thành các modul thi của mình”.
Để đến với Kỳ thi Tay nghề Thế giới, Thanh và một số bạn khác trong Trường Đại học Công nghiệp TPHCM đã được chọn tham gia kỳ thi tay nghề quốc gia trước đó. Do giành được Huy chương Vàng nên Thanh được Tập đoàn Samsung tuyển chọn và đưa qua Hàn Quốc tiếp tục học tập, ôn luyện 13 tháng để chuẩn bị cho Kỳ thi Tay nghề Thế giới. Theo Thanh, kết quả có được ngày hôm nay là nhờ vào sự đầu tư rất lớn của Tập đoàn Samsung khi cho em sang Hàn Quốc học tập.
Hơn một năm học tập ở Hàn Quốc, cái được lớn nhất chính là kỹ năng tay nghề và cơ hội được tìm hiểu sâu về kiến thức chuyên ngành. Đặc biệt, thời gian được đào tạo tại Hàn Quốc đã cho Thanh những bài học về tác phong làm việc chuyên nghiệp, môi trường làm việc công nghiệp và có phần khắc nghiệt. Thanh bắt đầu ngày làm việc và học tập từ 7 giờ 30. 7 giờ 50 bắt đầu họp.
Trong khoảng 20 - 30 phút, các học viên sẽ báo cáo công việc ngày hôm qua, kế hoạch ngày hôm nay, những ý tưởng mới. Theo quy định, ngày học của học viên kéo dài đến 21 giờ nhưng hiếm có ai về giờ đó, ai cũng ở lại làm hết việc và thường rời khỏi công ty khi 23 giờ”.
Cũng theo Thanh, luyện nghề ở Hàn Quốc không chỉ học được kinh nghiệm mà còn học được nhiều thứ khác như: Tác phong làm việc, ăn uống, nghỉ ngơi đúng giờ. Sinh viên Hàn Quốc có quyết tâm rất cao và họ được định hướng nghề nghiệp từ khi còn ngồi trên ghế phổ thông, khi đăng ký thi tuyển vào đại học, họ xác định rõ mình phải làm việc ở lĩnh vực nào. Trong quá trình học, sinh viên Hàn Quốc tập trung nghiên cứu sâu lĩnh vực mà họ đã chọn, không dàn trải. Việc kết nối giữa trường đại học và các doanh nghiệp ở Hàn Quốc cũng khá tốt.
Trong quá trình học đại học, sinh viên Hàn Quốc sẽ được đào tạo thực hành, rèn kỹ năng nghề, tác phong làm việc ở các doanh nghiệp mà sau này có thể họ sẽ làm việc ở đó. Vì thế, sinh viên ra trường đã có kinh nghiệm, doanh nghiệp không phải đào tạo lại. “Đặc biệt, sinh viên Hàn Quốc chuyên nghiệp trong cả cách giao tiếp với nhau. Thái độ làm việc, kỹ năng giao tiếp là những thứ em đã học được trong thời gian đào tạo ở Hàn Quốc. Em nghĩ đây cũng là những kỹ năng mà người lao động Việt Nam còn thiếu” - Thanh nói.
Làm nhiều sẽ vững
Về con đường khởi nghiệp của mình, Thanh kể: Từ thời học lớp 6, em đã rất thích máy tính. Giống như bao đứa trẻ khác, em cũng rất hay chơi game nhưng mỗi lần chơi game lại gợi cho cậu sự tò mò muốn tìm hiểu vì sao nó lại thế, người ta đã làm thế nào để nó ra như vậy, điều đó cũng đồng thời đặt ra vấn đề tìm kiếm cách hóa giải.
Lúc đăng ký thi đại học, Thanh chỉ nghĩ đơn giản là thích máy tính thì phải thi vào ngành Công nghệ thông tin. Vào đại học, niềm đam mê của Thanh đã dần cuốn theo ngôn ngữ lập trình. Chính vì thế mà khi sang Hàn Quốc tập luyện, mỗi tháng ban huấn luyện ra một đề tài để kiểm tra thì Thanh đề xuất 2 tuần ra một đề tài. Làm càng nhiều đề tài thì mình càng vững, càng có nhiều kinh nghiệm nên em đề xuất và được họ đồng ý. Thế là mỗi tháng, Thanh thực hiện 2 chuyên đề như: Phần mềm quản lý một cửa tiệm, phần mềm bán hàng...
Chia sẻ kinh nghiệm học tập, hướng nghiệp với các bạn trẻ Thanh cho rằng, nên chọn nghề theo sở thích của mình, niềm đam mê sẽ thúc đẩy mình làm tốt công việc đó, đặt mục tiêu phấn đấu cụ thể, học tập trước hết là cho mình, tích lũy được nhiều kinh nghiệm và kỹ năng thực hành cũng như sự chuyên nghiệp trong học tập và làm việc. Bên cạnh đó, cần nâng cao trình độ ngoại ngữ để có thể học hỏi và tiếp cận những cách làm mới, công nghệ mới của các quốc gia có trình độ và năng lực công nghệ tiên tiến.
Khẳng định chất lượng nhân lực
PGS.TS Cao Văn Sâm - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) - cho biết: “Thanh có một nội lực, ý chí và sức bền rất đáng nể. Em đã vượt qua rất nhiều rào cản tâm lý trong luyện tập cũng như thi đấu. 13 tháng đào tạo ở Hàn Quốc với những khó khăn về ngôn ngữ giao tiếp, đặc biệt trong kỳ thi tay nghề, thí sinh phải làm bài liên tục từ 18 - 22 giờ, 22 thí sinh với 23 giám thị. Không khí phòng thi căng thẳng nhưng Thanh đã vượt qua và đạt được kết quả tốt”.
Theo PGS.TS Cao Văn Sâm, thành tích của Nguyễn Duy Thanh có ý nghĩa rất lớn bởi đây là lần đầu tiên Việt Nam đạt được huy chương ở đấu trường này sau nhiều năm tham gia. Tấm Huy chương Đồng đã khẳng định chất lượng đào tạo nghề của Việt Nam so với các nước phát triển như: Đức, Hà Lan, Nhật Bản… Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập, tấm huy chương đã góp phần khẳng định trình độ tay nghề của lao động trẻ Việt Nam so với lao động trẻ các nước phát triển.
Ngay sau khi biết tin em Nguyễn Duy Thanh đạt Huy chương Đồng, ông Han Myoung Sup - Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam - chia sẻ: “Tôi rất xúc động và mong chờ thông tin tốt đẹp này, sau hơn một năm Samsung đồng hành cùng các thí sinh Việt Nam trong việc trau dồi kỹ năng để chuẩn bị cho kỳ thi. Tấm huy chương mà Nguyễn Duy Thanh mang về đã một lần nữa chứng tỏ với thế giới về tay nghề khéo léo, trí tuệ và sự chăm chỉ của lao động Việt Nam”.