Tạm dừng đến trường, giáo viên mầm non đến nhà dạy trẻ

GD&TĐ - Không dạy học trực tuyến, giáo viên mầm non có những giải pháp riêng để duy trì việc giáo dục trẻ trong thời gian tạm dừng đến trường vì Covid-19.

Giáo viên Trường Mầm non Hồng Vân (xã Hồng Vân, huyện An Lưới, Thừa Thiên Huế) đến tận nhà dạy trẻ.
Giáo viên Trường Mầm non Hồng Vân (xã Hồng Vân, huyện An Lưới, Thừa Thiên Huế) đến tận nhà dạy trẻ.

Giáo viên đến nhà dạy trẻ

Bắt đầu năm học mới được khoảng 1 tháng, 320 học sinh Trường Mầm non Hồng Vân (xã Hồng Vân, huyện An Lưới, Thừa Thiên Huế) phải tạm dừng đến trường để phòng chống dịch Covid-19. Nhà trường đồng thời được trưng dụng làm khu cách ly. Phương án giúp trẻ “không dừng việc học” ngay lập tức được triển khai, đặc biệt chú trọng với trẻ 5 tuổi.

“Với những phụ huynh học sinh có điện thoại thông minh và mạng wifi, nhà trường chỉ đạo giáo viên thiết lập nhóm Zalo, Facebook… để nắm tình hình, kịp thời chia sẻ thông tin, tuyên truyền về dịch bệnh; đồng thời phối hợp chặt chẽ với phụ huynh thực hiện chăm sóc, giáo dục trẻ tại nhà.

Trường hợp phụ huynh không có điện thoại thông minh và mạng wifi, giáo viên đến tận nhà học sinh để tuyên truyền cách chăm sóc, giáo dục trẻ” - cô Hiệu trưởng Hồ Thủy Và chia sẻ.

Tuy nhiên, ở huyện vùng khó, kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn nên cả trường chỉ có khoảng 70-80 phụ huynh có điện thoại thông minh và mạng Internet. Phục vụ cho nhóm trẻ có điều kiện tiếp cận tài liệu học online, các giáo viên xây dựng kho tài liệu, học liệu (như các video về bài thơ, câu chuyện…), nội dung phù hợp với thực tế địa phương, độ tuổi của trẻ để hỗ trợ phụ huynh chăm sóc, giáo dục trẻ tại nhà.

Với hơn 240 trẻ không có điều kiện tiếp cận nội dung giáo dục online, giáo viên của mầm non Hồng Vân chia nhau đến tận nhà hướng dẫn trẻ.

Giáo viên Trường Mầm non Hồng Vân chia trẻ thành từng nhóm nhỏ dạy tại nhà.
Giáo viên Trường Mầm non Hồng Vân chia trẻ thành từng nhóm nhỏ dạy tại nhà.

“Cả trường có 22 giáo viên nên công việc vô cùng vất vả. Lúc cao điểm, ban giám hiệu cũng được huy động đến các gia đình làm nhiệm vụ, từ đó có thể hoàn thành chương trình học.

Một thuận lợi là gia đình trẻ gần nhau, giáo viên chia thành từng nhóm 5-6 trẻ rồi tập trung tại nhà một phụ huynh phù hợp để giáo viên đến dạy học; đồng thời thực hiện nghiêm 5K để phòng chống dịch. Tuy nhiên, không ít trường hợp học sinh ở xa, giáo viên phải đến nhà từng em, rất vất vả” – cô Hồ Thủy Và cho hay.

Ở vùng thuận lợi, các cô giáo Trường Mầm non Newsun, Hoài Đức, Hà Nội giúp trẻ “không dừng việc học” bằng việc nỗ lực tạo nội dung số gửi phụ huynh để cùng phối hợp chăm sóc, giáo dục trẻ tại nhà.

Cô Nguyễn Thị Vân, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Newsun cho hay: Nội dung dạy học được xây dựng sáng tạo, vừa đảm bảo các kiến thức cơ bản theo từng độ tuổi, vừa phải phù hợp và tạo được hứng thú cho trẻ. Nhà trường đã tập huấn cho toàn bộ giáo viên kỹ năng xây dựng bài giảng, video hấp dẫn, phù hợp với trẻ từng độ tuổi.

Các giáo viên thiết kế hoạt động tương tác với trẻ tùy theo từng độ tuổi thông qua trò chơi hay bài học về kỹ năng đời sống hàng ngày như: Bé cùng mẹ vào bếp, nhặt rau giúp mẹ, gấp quần áo, dọn dẹp đồ chơi…., để trẻ được thực hành để có sự tương tác giữa cô và trẻ, giữa mẹ và con.

Trẻ Trường Mầm non Hồng Vân không dừng học, dù tạm dừng đến trường.
Trẻ Trường Mầm non Hồng Vân không dừng học, dù tạm dừng đến trường.

Nhiều giải pháp duy trì việc học

Là vùng chịu ảnh hưởng nhiều bởi dịch bệnh, nhưng các trường mầm non tại Bình Dương cũng nỗ lực các giải pháp để trẻ duy trì việc học.

Bà Nguyễn Phương Dung, Phó Giám đốc sở GD&ĐT Bình Dương cho hay: Trong thời gian trẻ chưa đến trường để phòng chống dịch Covid-19, các cơ sở giáo dục mầm non nghiêm túc triển khai văn bản chỉ đạo, hướng dẫn biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của ngành Y tế, sở GD&ĐT; phối hợp chặt chẽ với ngành y tế địa phương triển khai biện pháp phòng, chống dịch.

Các nhà trường đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn các bậc cha mẹ thực hiện chế độ dinh dưỡng khoa học, hợp lý và tổ chức cho trẻ em hoạt động vui chơi tại nhà. Hình thành các nhóm qua Zalo, Youtube... giữa giáo viên và các bậc cha mẹ để chia sẻ, tư vấn việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em ở nhà; phân công giáo viên phụ trách nhóm, lớp nắm bắt cụ thể về tình hình sức khỏe của trẻ em trong thời gian chuẩn bị tới trường, lớp.

Không tổ chức dạy học trực tuyến đối với trẻ mầm non, nhưng các nhà trường đều duy trì hoạt động kết nối với gia đình, trẻ em bằng kênh liên lạc phù hợp; tổ chức phối hợp, hỗ trợ, hướng dẫn các bậc cha mẹ thực hiện chế độ dinh dưỡng khoa học, hợp lý và tổ chức cho trẻ em hoạt động vui chơi tại nhà; hình thành các nhóm qua mạng giữa giáo viên và các bậc cha mẹ để chia sẻ, tư vấn việc nuôi dưỡng chăm sóc giáo dục trẻ em.

“Giáo viên được yêu cầu lựa chọn và hướng dẫn các bậc cha mẹ tổ chức hoạt động giáo dục phù hợp với điều kiện chăm sóc, giáo dục trẻ em tại nhà để hướng tới mục tiêu, kết quả mong đợi theo Chương trình giáo dục mầm non; các nội dung, hình thức hoạt động cho trẻ em cần đảm bảo an toàn và đáp ứng yêu cầu về giáo dục.

Đối với trẻ em mẫu giáo 5 tuổi, lựa chọn những nội dung cốt lõi, cần thiết, hướng dẫn các bậc cha mẹ tổ chức giáo dục trẻ em ở nhà phù hợp với điều kiện của gia đình, nhằm chuẩn bị cho trẻ em sẵn sàng vào học lớp Một” – bà Nguyễn Phương Dung cho biết thêm.

“Giáo viên có thể đánh giá quá trình học tập thông qua sự hỗ trợ của phụ huynh cùng các sản phẩm, bài tập trẻ làm được. Trẻ được chủ động học tập, được làm điều mình thích và phát triển đúng cách là chìa khóa thúc đẩy sự tiến bộ, hoàn thiện. Từ đó, trẻ sẽ tự tin, hình thành tư duy tìm tòi, đối thoại và phản biện, cũng như xây dựng niềm đam mê khám phá suốt cuộc đời” – cô Nguyễn Thị Vân chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.