Giáo viên phải tìm việc khác để mưu sinh. Điều này đồng nghĩa việc khi mở cửa trở lại, trường đối diện nguy cơ thiếu giáo viên, trẻ không có chỗ học. Quan tâm đến đội ngũ nhà giáo, trường mầm non tư thục, nhóm trẻ bằng chính sách, hỗ trợ cụ thể là điều cần thiết để vực dậy hệ thống này.
Ông Nguyễn Xuân Phương – Phó Chủ tịch Hiệp hội Vì giáo dục cho mọi người (VAEFA): Sớm đưa chính sách vào cuộc sống
Dịch Covid-19 với những ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống cơ sở giáo dục. Các trường mầm non tư thục, nhóm trẻ bị ảnh hưởng nặng nề nhất do yêu cầu giãn cách và khi đã trở lại tình trạng bình thường mới nhưng vì an toàn cho học sinh cấp học này nên nhiều địa phương chưa cho phép mở cửa trở lại. Tình trạng này kéo dài khiến các trường khó có thể trụ vững để vượt qua khi gánh nặng chi phí (tiền thuê mặt bằng, điện, nước…) không hề nhỏ.
Đội ngũ quản lý, giáo viên, nhân viên những cơ sở ngoài công lập cũng là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Trường tạm dừng hoạt động, cán bộ, giáo viên, người lao động trong các cơ sở giáo dục này bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương.
Chính phủ và các tỉnh, thành đã ban hành các chính sách hỗ trợ giáo viên mầm non ngoài công lập. Những động thái kịp thời trên là vô cùng ý nghĩa vào thời điểm này. Chính phủ cũng đã yêu cầu Bộ GD&ĐT và các cơ quan có liên quan: Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Bộ Nội vụ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bảo hiểm xã hội Việt Nam nghiên cứu đề xuất những chính sách cụ thể, phù hợp và khả thi. Những quyết sách trên cần được sớm triển khai để đi vào cuộc sống, hỗ trợ nhà trường và giáo giới vượt qua khó khăn này.
NGƯT.TS Đặng Lộc Thọ - thành viên Tiểu ban Giáo dục mầm non, Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nguồn nhân lực: Đồng cảm và sẻ chia với người lao động
Hệ thống các trường mầm non ngoài công lập đã và đang chia sẻ gánh nặng cho trường công rất lớn. Các trường tư thục đã góp phần thực hiện các chủ trương phát triển giáo dục mầm non, đáp ứng yêu cầu nuôi dạy trẻ, đặc biệt là ở các khu công nghiệp – khu chế xuất. Trong khó khăn bởi dịch Covid-19, những kiến nghị hỗ trợ tín dụng, chi phí điện, nước… đều chính đáng, cần thiết và cần được thực hiện sớm.
Dịch Covid-19 ảnh hưởng đến các nhà trường, những chính sách trợ cấp cho người lao động trong lĩnh vực giáo dục mầm non được ban hành, nhưng thực tế cho thấy quá trình xét duyệt hồ sơ không dễ dàng. Vướng ở nhiều yếu tố, hồ sơ yêu cầu nhiều loại giấy tờ như bản sao chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu, chứng minh người lao động đang mang thai... Hay yêu cầu người được trợ cấp phải tham gia bảo hiểm xã hội, thế nên khó khăn lại chồng thêm khó khăn hơn.
Để các chính sách đi vào thực tế, giúp các chủ trường cũng như người lao động vượt khó, rất cần đồng cảm và sẻ chia với người lao động. Các cấp xét duyệt hãy tạo điều kiện tốt nhất, giảm thiểu những khó khăn về mặt hồ sơ, giấy tờ. Thực tế đã có giáo viên thuộc diện hỗ trợ, nhưng do thủ tục nhiều, cách làm chưa linh hoạt dễ khiến các cô giáo bị tổn thương, gói hỗ trợ chính sách không đến được với đối tượng cần thiết.
Bà Nguyễn Phương Dung - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bình Dương: Chính sách hỗ trợ riêng cho lao động tại cơ sở GDMN tư thục
Cũng như các địa phương khác trên cả nước, giáo dục mầm non (GDMN) ngoài công lập tỉnh Bình Dương bị ảnh hưởng hết sức nặng nề bởi dịch bệnh. Toàn tỉnh có 315 trường tư thục, 638 nhóm lớp độc lập tư thục; chiếm trên 70% cơ sở GDMN trên địa bàn.
Lãnh đạo các cấp tỉnh Bình Dương đã thực hiện nhiều chế độ, chính sách hỗ trợ người lao động nói chung, cơ sở GDMN nói riêng. Trong đó có chế độ cho đội ngũ nghỉ việc không hưởng lương, bảo đảm chế độ đến tận tay đội ngũ, góp phần động viên tinh thần đến giáo viên (GV) mầm non tư thục.
Mặc dù được hỗ trợ sớm, kịp thời nhưng cơ sở GDMN tư thục vẫn gặp khó khăn. Thời gian nghỉ dịch Covid-19 kéo dài, cơ sở không có nguồn thu nhưng vẫn phải trả các chi phí để duy trì cơ sở, giữ đội ngũ. Không còn đủ khả năng chi trả, có 6 trường giải thể, một số đang có nguy cơ; khoảng 50, 60 cơ sở nhóm lớp độc lập giải thể vì không có khả năng trả vay ngân hàng, thuê mướn mặt bằng...
Đa số GV mầm non tư thục ở xa quê lập nghiệp sinh sống tại Bình Dương, phần nhiều ở trọ, con nhỏ nên rất khó khăn. Chế độ hỗ trợ chỉ được hưởng 1 lần/đối tượng, cũng không giảm tải được nhiều gánh nặng cho người sử dụng lao động, người lao động với thời gian tạm nghỉ dịch quá dài. Cơ sở ngưng hoạt động nên cũng tạm hoãn đóng bảo hiểm xã hội (chỉ duy trì trả lương), khó khăn cho đội ngũ sử dụng bảo hiểm y tế để khám chữa bệnh…
Sở GD&ĐT Bình Dương đề xuất Chính phủ có hỗ trợ đối với cơ sở GDMN tư thục, gồm: Vay vốn với mức lãi suất 0% (có chính sách cho vay với lãi suất thấp hoặc hỗ trợ giãn nợ, khoanh nợ với các khoản vay của các đơn vị đang thế chấp tài sản cho ngân hàng trong thời gian tạm nghỉ hoạt động do dịch) để trả lãi, tiền mặt bằng, lương; có kinh phí hoạt động sau khi cơ sở được phép hoạt động.
Cơ sở GDMN tư thục được hỗ trợ tiền thuê mặt bằng trong thời gian tạm ngưng hoạt động do dịch bệnh; hỗ trợ chi phí phòng chống dịch bệnh khi cơ sở hoạt động lại. Trong quy định về điều kiện hưởng chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh tại Chương IX Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, đề xuất “Giấy phép kinh doanh” có thể thay thế bằng giấy phép thành lập/giấy phép hoạt động của cơ sở GDMN. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ các cơ sở GDMN độc lập tư thục chưa đảm bảo điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định tại Quyết định 23/2021/QĐ-TTg.
Với đội ngũ, đề nghị tiếp tục có chính sách hỗ trợ riêng cho lao động tại cơ sở GDMN tư thục trong tháng nghỉ việc không có lương; hỗ trợ đội ngũ cơ sở GDMN tư thục khi tạm hoãn đóng bảo hiểm để hưởng chế độ theo Nghị Quyết số 68, Quyết định 23/2021/QĐ-CP vẫn tiếp tục được hưởng lợi ích từ bảo hiểm y tế để khám chữa bệnh khi tạm nghỉ do dịch bệnh Covid-19…