Cần lòng yêu nghề và sự tận tâm
Chia sẻ với Báo Giáo dục & Thời đại trên cương vị Hiệu trưởng Trường Mầm non Vũ Ninh (Kiến Xương, Thái Bình), thầy giáo Lại Công Hoan cho biết, mình đã gắn bó với nghề từ năm 2001. Nhớ lại thời điểm chuẩn bị nộp hồ sơ vào ngành sư phạm mầm non, gia đình và bạn bè ai cũng cho rằng thầy Hoan “nói chơi” và ra sức khuyên ngăn, phản đối vì cho rằng đó không phải là nghề dành cho đàn ông.
Nhưng khi thấy được sự quyết tâm và tình yêu với nghề giáo, mọi người cũng đều hiểu và ủng hộ cho chàng thanh niên ấy. Thừa nhận mình đã chọn “nghề trái giới” nhưng thầy Hoan đã chứng tỏ cho mọi người thấy rằng, chỉ cần có lòng kiên trì, sự cố gắng thì mọi khó khăn cũng đều có thể vượt qua.
Khi được hỏi về bí quyết để có thể làm “tròn vai” của một thầy giáo mầm non, thầy Lại Công Hoan bộc bạch, một khi mình quý mến trẻ thì trẻ cũng sẽ quý mến lại mình. Phương pháp dạy trẻ cũng phải có nhiều cách khác nhau nhưng tuyệt đối không phải là bằng đòn roi, dọa dẫm. Giáo viên chủ yếu phải hòa đồng, phân tích cho trẻ cái đúng cái sai, có những lúc vui vẻ nhưng đôi khi cũng phải nghiêm túc mới đem lại hiệu quả. Các công việc như dỗ trẻ đi ngủ, bón thức ăn hay làm vệ sinh cá nhân mình vẫn phải tập luyện. Lâu dần sẽ thành thói quen và bố mẹ trẻ rồi cũng hiểu và tin tưởng.
“Công việc gì cũng có thuận lợi hay khó khăn nhất định. Thuận lợi ở chỗ làm việc trong môi trường toàn chị em, môi trường lao động rất thân thiện, nhẹ nhàng. Khó khăn ở chỗ mình là thiểu số, đôi khi làm công tác tư tưởng cho chị em cũng cần chú ý. Chị em phụ nữ sẽ có tâm tư, suy nghĩ khác với đàn ông. Cần phải có sự chi tiết, tỉ mỉ, cẩn thận, chu đáo. Vào các dịp 8/3 hay 20/10, mình chủ động mua một lẵng hoa lớn và mời các cô lên hội trường để chúc mừng, liên hoan văn nghệ và bánh kẹo để tạo động lực tinh thần cho các cô cũng cảm thấy rất vui”, thầy Hoan tâm sự.
Gắn bó với nghề để vượt qua khó khăn
Đại dịch Covid-19 đã có tác động tiêu cực tới nhiều mặt của đời sống xã hội, trong đó có ngành Giáo dục, nhất là giáo dục mầm non. Trong hai năm học vừa qua, đã có nhiều thời điểm trẻ phải nghỉ học ở nhà để phòng tránh dịch bệnh. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng công tác nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ cũng như đời sống của cán bộ, giáo viên, nhân viên (CBGVNV) trường học…
Thầy Hoan cho biết, Trường Mầm non Vũ Ninh hiện nay có tổng số 44 CBGVNV, trong đó 40 người đã được biên chế Nhà nước; còn 4 cô đang là diện hợp đồng, thu nhập cũng như đời sống còn gặp nhiều khó khăn.
Để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, nhà trường sẽ tập trung làm tốt công tác xây dựng đội ngũ. Động viên, khích lệ CBGVNV toàn trường không ngừng học tập, nâng cao trình độ về mọi mặt, tích cực đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ, đặc biệt là các phương pháp giảng dạy tiên tiến mới. Nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý thức của đội ngũ, phát huy tinh thần tự giác, sáng tạo, tâm huyết, say mê trong công việc. Phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, xứng đáng với sự quan tâm, tin tưởng của lãnh đạo các cấp và các bậc phụ huynh.
Ngoài ra, nhà trường cần làm tốt công tác tham mưu xây dựng cơ sở vật chất, tăng cường bổ sung đồ dùng, thiết bị… phục vụ cho các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền xã hội hóa giáo dục, phát huy hiệu quả hoạt động, tăng cường sự phối kết hợp với Ban đại diện hội cha mẹ học sinh để cùng tổ chức thực hiện các hoạt động. Thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, thực hiện các chuyên đề trọng tâm trong năm học. Đặc biệt là chuyên để “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”; chuyên đề “Đảm bảo an toàn cho trẻ”. Phấn đấu hoàn thành mục tiêu kép vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn và nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh Covid-19…
Trong tâm trí của thầy giáo Lại Công Hoan, điều thôi thúc gắn bó với nghề giáo chính là tấm gương của rất nhiều thế hệ nhà giáo, đặc biệt là các cô giáo mầm non đã sống và làm việc, gắn bó, tâm huyết, hy sinh với nghề từ những năm tháng khó khăn vất vả. Trong đó, có các giáo viên mầm non ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, có những người đã hy sinh cả tuổi thanh xuân của mình vì thế hệ trẻ. Những người đã làm việc không biết mệt mỏi mà thù lao đơn giản chỉ là từng nắm thóc và nụ cười xòa của người dân còn nghèo khó, tảo tần.
Là một người dân sống tại thôn 7, xã Vũ Ninh (Kiến Xương, Thái Bình), ông Bùi Văn Sành, 70 tuổi cho biết, các cháu của ông trước đây và bây giờ đều học ở Trường Mầm non Vũ Ninh. Nhận xét về thầy Lại Công Hoan, ông Sành chia sẻ ngắn gọn rằng, đây là một người luôn có tư duy “miệng nói, chân bước, tay làm, tai lắng nghe”. Dù là nam giới nhưng rất biết cách dạy trẻ ngoan và cống hiến với nghề giáo. Ở địa phương ai cũng quý mến thầy cũng bởi những nết ấy.