Nhiều cơ sở giáo dục đại học sử dụng kết quả của kỳ thi này để xét tuyển đầu vào hệ đại học chính quy.
Từ năm 2020, Bộ GD&ĐT tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT với mục đích công nhận tốt nghiệp là chủ yếu. Trên tinh thần đó, các cơ sở giáo dục đại học bắt đầu tổ chức kỳ thi tuyển sinh đại học nhằm đánh giá năng lực học sinh, lấy kết quả thi để xét tuyển đại học. Theo đó, chỉ tiêu tuyển sinh theo phương thức sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực của các trường đại học tăng dần và chỉ tiêu theo phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT vì thế cũng giảm.
Trong bối cảnh đó, Kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt của Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh và Trường ĐH Sư phạm Hà Nội nhận được sự quan tâm ủng hộ của đông đảo thí sinh, cơ sở giáo dục đại học, nhất là trường có chuyên ngành đào tạo giáo viên.
Đơn cử như Kỳ thi đánh giá năng lực của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, năm đầu tiên tổ chức (năm 2023) có 4.500 thí sinh đăng ký tham dự. Tỷ lệ thí sinh dự thi đạt 95%. Bình quân 1 thí sinh thi 2,5 môn. Có 8 trường đại học sư phạm công nhận và sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực của trường để xét tuyển đại học hệ chính quy.
Những thông số trên phần nào là minh chứng “sức hút” và chất lượng của kỳ thi riêng do 2 trường đại học sư phạm tổ chức. Qua đó khẳng định thương hiệu, uy tín công tác tuyển sinh hệ đại học chính quy.
Không ai phủ nhận, trong bức tranh chung về tuyển sinh có vai trò quan trọng của các kỳ thi riêng. Nhất là từ khi Kỳ thi tốt nghiệp THPT dần tập trung vào mục tiêu xét tốt nghiệp THPT, thì kỳ thi riêng giúp các cơ sở giáo dục đại học có đủ dữ liệu cho công tác tuyển sinh. Vì thế, hầu hết trường sư phạm bày tỏ tin tưởng kết quả kỳ thi này để sử dụng vào công tác tuyển sinh của mình.
Song từ thành công bước đầu của các kỳ thi riêng nói chung và kỳ thi đánh giá năng lực của 2 trường sư phạm nói riêng, nhiều người đặt vấn đề: Thay vì tổ chức nhiều kỳ thi khác nhau, tại sao không kết hợp thành một kỳ thi dành riêng cho các trường có đào tạo giáo viên?
Bởi xét cho cùng, các trường có chung mục đích tuyển được sinh viên chất lượng, đáp ứng yêu cầu đặc thù ngành sư phạm. Đây là vấn đề có tính cấp thiết, góp phần thúc đẩy quá trình đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyển sinh đại học hệ chính quy trong cả nước. Đồng thời phù hợp với tiến trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Thứ nữa, Bộ GD&ĐT cũng có chủ trương khuyến khích một số nhóm trường sử dụng kết quả các kỳ thi riêng như đánh giá năng lực, tư duy để xét tuyển đại học.
Bộ khuyến khích các trường đại học chủ động hợp tác, liên kết tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực, kiểm tra tư duy tại các địa phương, tổ chức xét tuyển chung nhằm đáp ứng yêu cầu riêng của từng cơ sở đào tạo cũng như tạo cơ hội cho thí sinh vùng khó, giảm chi phí đi lại.
Nhất là trong bối cảnh, toàn ngành Giáo dục tích cực triển khai Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, thì vấn đề tự chủ trong tuyển sinh của các cơ sở giáo dục càng cần đẩy mạnh.