Tỉnh táo lựa chọn đăng ký dự thi kỳ thi riêng

GD&TĐ - Việc một số cơ sở giáo dục đại học tổ chức kỳ thi riêng để xét tuyển đầu vào hệ đại học chính quy khiến thí sinh bối rối, thậm chí gặp áp lực.

Thí sinh tham dự Kỳ thi đánh giá tư duy năm 2022 do ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức. Ảnh: NTCC
Thí sinh tham dự Kỳ thi đánh giá tư duy năm 2022 do ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức. Ảnh: NTCC

Nguyên do là bởi cùng lúc phải ôn tập để tham dự các kỳ thi này và thi tốt nghiệp THPT...

Bối rối trước các kỳ thi

“Em thấy hơi “ngợp” và bối rối trước thông tin về số lượng các kỳ thi trong thời gian sắp tới. Vẫn biết việc đăng ký thi là tự nguyện nhưng đứng trước nhiều lựa chọn khiến chúng em lúng túng. Nếu thi thì áp lực, mệt mỏi gia tăng; thậm chí còn tốn kém. Còn không thi sợ mất cơ hội vào đại học” – Quang Minh bộc bạch và cho biết, trước mắt sẽ lựa chọn Kỳ thi đánh giá tư duy do ĐH Bách khoa Hà Nội và Kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức.

Được nghỉ buổi học thêm, Ngô Quang Minh - học sinh lớp 12 Trường THPT Xuân Giang (Sóc Sơn, Hà Nội) tranh thủ tìm hiểu về các kỳ thi riêng. Quang Minh nhận thấy, năm nay có nhiều đơn vị tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy, chuyên biệt... để lấy điểm xét tuyển đầu vào hệ đại học chính quy.

Tính đến thời điểm hiện tại, có gần 10 cơ sở giáo dục đại học thông báo sẽ tổ chức kỳ thi riêng để xét tuyển đầu vào hệ đại học chính quy. Cô Nguyễn Thị Lệ - giáo viên Trường THPT Hòa Bình (Chi Lăng, Lạng Sơn) - cho rằng, việc xuất hiện nhiều kỳ thi với phương thức kiểm tra, đánh giá mới, ít nhiều gây bối rối ban đầu cho học sinh, giáo viên các trường THPT và cơ sở giáo dục đại học.

“Tôi không khuyến khích học sinh “ôm đồm” các kỳ thi. Trước mắt, cần tập trung thật tốt cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Bởi hầu hết cơ sở giáo dục đại học vẫn áp dụng phương thức xét tuyển dựa vào kết quả của Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Do đó, nếu có kết quả tốt ở kỳ thi này đồng nghĩa các em sẽ có nhiều cơ hội vào đại học” – cô Lệ bày tỏ.

Ở góc nhìn khác, cô Trần Thị Xuân Hà - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Mỹ Văn (Tam Nông, Phú Thọ) - cho rằng, học sinh nên lựa chọn, đăng ký thi theo nguyện vọng và khả năng của mình để tăng cơ hội trúng tuyển vào đại học. Tuy nhiên, mỗi kỳ thi có cấu trúc đề và cách đặt câu hỏi khác nhau. Vì vậy, nếu đăng ký tham gia nhiều kỳ thi, đồng nghĩa áp lực sẽ gia tăng vì các em phải học, ôn tập nhiều hơn; trong khi học trò vẫn phải ôn thi tốt nghiệp THPT.

Từ thực tế trên, cô Hà khuyến cáo, sĩ tử không nên đăng ký tràn lan các kỳ thi riêng, tránh những áp lực không đáng có. Nên chăng đăng ký một kỳ thi và thi trong 1 - 2 đợt. “Quan trọng là, các em cần ôn thi thật tốt để đủ điều kiện tốt nghiệp THPT – tấm vé thông hành để có thể bước chân vào giảng đường đại học” – cô Hà nhấn mạnh.

Cô Trần Thị Xuân Hà trong giờ lên lớp. Ảnh: NVCC

Cô Trần Thị Xuân Hà trong giờ lên lớp. Ảnh: NVCC

Tỉnh táo lựa chọn

Đồng quan điểm, thầy Trần Văn Toản - Trường THPT Chuyên Quốc học Huế (Thừa Thiên – Huế) - chia sẻ: Năm ngoái, nhiều học sinh đạt điểm cao trong các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy nên trúng tuyển vào trường đại học tốp đầu. Tuy nhiên, điểm thi tốt nghiệp THPT của những học sinh này không được như mong muốn. Lý do là các em dành quá nhiều thời gian ôn thi, luyện đề để tham gia các kỳ thi riêng nên không toàn tâm, toàn lực vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Theo thầy Toản, để đáp ứng các kỳ thi riêng, học sinh phải học gấp nhiều lần bình thường. Theo đó, áp lực cũng gia tăng. Vì vậy, nếu đăng ký tham gia kỳ thi riêng, các em chỉ nên lựa chọn một kỳ thi là đủ. Ngoài ra, hiện hầu như các trường THPT đều tổ chức cho học sinh thi thử 1 - 2 lần. Vì thế, các em được làm quen và cọ xát với đề thi nên tự biết sức mình đến đâu. Do đó, việc đăng ký nhiều kỳ thi riêng là không cần thiết. Nếu các em lựa chọn không hợp lý, sẽ phải ôn tập dàn trải cho các kỳ thi. Vô hình trung dẫn đến quá tải, không đạt được kết quả như mong muốn, thậm chí là “xôi hỏng bỏng không”.

Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT), năm nay, các cơ sở giáo dục đại học chủ động trong công tác tuyển sinh. Một số đơn vị thông báo sẽ tổ chức thi đánh giá năng lực, tư duy (kỳ thi độc lập/kỳ thi riêng). Việc thí sinh đăng ký tham dự các kỳ thi này sẽ tăng cơ hội xét tuyển theo phương thức khác nhau.

Tuy nhiên, do mục đích, yêu cầu của các kỳ thi khác nhau nên cấu trúc, định dạng đề thi và cách thức tổ chức, thời gian, địa điểm cũng khác. Do đó, thí sinh cần xem xét đề án tuyển sinh của các trường (xét tuyển theo phương thức gì) để cân nhắc lựa chọn các kỳ thi phù hợp với sức khỏe và khả năng của bản thân. Tránh việc đăng ký tham gia quá nhiều kỳ thi, dẫn đến lãng phí thời gian, công sức, áp lực và gánh nặng về thi cử, mà khó có thể đạt được kết quả như mong muốn.

Cũng cần phải lưu ý rằng, các kỳ thi này có định hướng vào lĩnh vực khác nhau. Chẳng hạn, kỳ thi của hai Đại học Quốc gia có phạm vi, lĩnh vực rộng; Đại học Bách khoa Hà Nội có kỳ thi chủ yếu dành cho lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ. Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tập trung cho lĩnh vực đào tạo giáo viên. Bộ Công an tổ chức kỳ thi riêng cho các trường khối an ninh, công an… Vì vậy, thí sinh không cần tham gia nhiều kỳ thi. Trên hết, cần có hiểu biết kỹ càng và đưa ra cân nhắc, lựa chọn khôn ngoan.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) - khuyến cáo, thí sinh cần tập trung ôn tập để hoàn thành tốt Kỳ thi tốt nghiệp THPT, vì chỉ khi thí sinh tốt nghiệp THPT mới đủ điều kiện xét tuyển vào đại học, cao đẳng. Ngoài ra, các em muốn đăng ký xét tuyển vào cơ sở đào tạo thuộc Bộ Công an bắt buộc phải tham gia kỳ thi do Bộ Công an tổ chức để lấy kết quả xét tuyển.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ