Tái chế lá chuối khô, lá bàng và vỏ hộp sữa thành bát đĩa…

GD&TĐ - Từ tái sử dụng vỏ hộp sữa kết hợp với lá bàng ép, nhóm nghiên cứu Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý Môi trường, Đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh đã sáng tạo ra nhiều loại chén đĩa đẹp mắt, thân thiện.

Chén đĩa đẹp mắt, thân thiện dùng 1 lần làm từ vỏ chuối, lá chuối và vỏ hộp sữa kết hợp với lá bàng ép.
Chén đĩa đẹp mắt, thân thiện dùng 1 lần làm từ vỏ chuối, lá chuối và vỏ hộp sữa kết hợp với lá bàng ép.

Tận dụng phế thải làm đồ gia dụng

Tại Việt Nam, cây bàng rất dễ trồng, phát triển tốt và có mặt ở hầu hết các địa phương trên cả nước. Người dân từ xưa đã dùng lá bàng để chữa cảm sốt, tê thấp và lỵ, xử lý kim loại nặng trong nước, ngăn ngừa hữu hiệu các loại vi khuẩn, các loại nấm trên cá.

Mặc dù, lá bàng có rất nhiều công dụng hữu ích nhưng vẫn chưa có công trình nghiên cứu liên quan được ứng dụng rộng rãi. Một loại rác thải có số lượng rất lớn là vỏ hộp sữa, hiện chưa có công nghệ tái sử dụng, rất lãng phí.

Trước thực tế đó, nhóm nghiên cứu trẻ Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý môi trường thuộc Trường Đại học Công nghiệp TPHCM đã nghiên cứu việc tái sử dụng vỏ hộp sữa kết hợp lá cây bàng, nhằm tạo ra sản phẩm đĩa, góp phần giảm ô nhiễm môi trường.

Quy trình làm ra sản phẩm khá đơn giản. Lá bàng và vỏ hộp sữa được thu thập rồi đem rửa bằng nước sạch nhằm loại bỏ bụi bẩn, tạp chất. Sau đó, hai nguyên liệu tiếp tục được ngâm vào dung dịch Hydrogen peroxid (H2O2) 3% để khử trùng, rửa lại một lần nữa với nước sạch và sấy khô.

Lá bàng được xếp phủ ngoài hộp sữa và sử dụng máy ép gia nhiệt ở các mức nhiệt độ và thời gian khác nhau để tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh. Sau quá trình tiến hành thí nghiệm, nhóm đã tìm ra được nhiệt độ tối ưu sản xuất đĩa ở 140ºC, trong thời gian 3 phút và không sử dụng keo cho quá trình ép gia nhiệt.

Sản phẩm đĩa lá được nhóm kiểm định các chỉ tiêu về vi sinh và kim loại nặng tại Trung tâm Khoa học và Công nghệ sinh học thuộc Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM. Kết quả cho thấy, không phát hiện vi khuẩn gây bệnh tiêu hóa như Coliform,

Escherichia coli, Salmonella và các kim loại nặng như Antimony (Sb), Asen (As), Cadimi (Cd), Chì (Pb). Sản phẩm định hình tốt cùng khả năng giữ màu, chịu mốc, sau thời gian bảo quản hơn một tháng.

Kết quả nghiên cứu bước đầu của nhóm cho thấy, đĩa lá bàng an toàn và phù hợp để sử dụng trong đời sống, công nghiệp thực phẩm có thể thay thế cho đĩa nhựa dùng một lần.

Kết quả nghiên cứu cũng là cơ sở cho các nghiên cứu khác, liên quan đến việc tái sử dụng hộp sữa kết hợp với các loại lá cây khác. Nhóm tiếp tục nghiên cứu, thử nghiệm và đánh giá thời gian bảo quản của sản phẩm.

Những chiếc đĩa làm từ vỏ chuối, lá chuối và vỏ hộp sữa kết hợp với lá bàng ép.

Những chiếc đĩa làm từ vỏ chuối, lá chuối và vỏ hộp sữa kết hợp với lá bàng ép.

Lá chuối khô làm chén đĩa

Chỉ từ vỏ chuối, lá chuối, một nhóm bạn trẻ đến từ TP Hồ Chí Minh đã ép khô, tạo thành các loại hộp, chén, đĩa dùng một lần thay thế cho hộp nhựa. Sản phẩm hoàn toàn tự nhiên và phân hủy sinh học sau 45 ngày. Vượt qua 7 dự án khác tại vòng chung kết Cuộc thi “Khởi nghiệp nông nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2020”, dự án “VIBALE – nâng cao giá trị cây chuối (phụ phẩm nông nghiệp) sau thu hoạch” đã xuất sắc giành giải Nhất.

Được biết, dự án được triển khai từ năm 2019 với mục tiêu sử dụng lá chuối làm khay, hộp, đĩa thay thế sản phẩm hộp xốp đựng thức ăn đang rất phổ biến nhưng lại là một trong những thủ phạm gây ô nhiễm môi trường.

Chia sẻ về ý tưởng làm hộp, khay, đĩa từ lá chuối, Nguyễn Diệu Linh, thành viên của nhóm VIBALE, chia sẻ: “Khi đi ngang qua các bãi rác, em nhận thấy số lượng túi nilon, hộp xốp mọi người thải ra rất nhiều. Trong khi những rác thải này mất đến hàng trăm, hàng nghìn năm để phân hủy. Đó là chưa kể đến nguy cơ gây bệnh tật như ung thư.

Do đó, nhóm em nghĩ đến việc tìm ra vật liệu thay thế để bảo vệ môi trường”.Trong khi đó, cây chuối, lá chuối lại là những thứ rất dễ kiếm, là phụ phẩm nông nghiệp sau khi đã thu hoạch, chính vì vậy, nhóm đã quyết tâm nghiên cứu.

Theo Diệu Linh, nhóm chọn lá chuối vì chúng có bản to, đủ đáp ứng được kích thước sản phẩm; lành tính với sức khỏe người tiêu dùng. Việt Nam có nhiều vùng trồng chuối, bà con nông dân sau khi thu hoạch quả có thể bán lá, tăng sinh kế.

Nói thì dễ, nhưng phải mất hơn 1 năm, nhóm của Diệu Linh mới hoàn thiện sản phẩm như mong muốn. Sản phẩm khay, hộp, đĩa làm từ lá chuối có ưu điểm dễ dàng phân hủy, giảm thải rác thải ra môi trường. Sản phẩm phân hủy sinh học sau 45 ngày từ nguyên liệu lá cây.

Với dây chuyền công nghệ hiện đại được chuyển giao, sản phẩm khi được ép khô vẫn giữ nguyên màu sắc của lá chuối, có thể bảo quản trong 12 tháng.

Diệu Linh cho biết, hiện các sản phẩm của dự án VIBALE đã được cung cấp trong một số nhà hàng phía Nam và nhận được phản hồi tốt từ khách hàng. Sắp tới, dự án sẽ nghiên cứu và thử nghiệm thêm các sản phẩm thân thiện với môi trường từ lá sen, mo cau.

Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các hộ gia đình trên phạm vi cả nước, thải ra khoảng 25 triệu túi/ngày, con số này không ngừng tăng lên, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam là quốc gia đứng thứ tư phát sinh chất thải nhựa sau Trung Quốc, Indonesia, Philippines ở châu Á. Vì thế, việc sử dụng lá cây tự nhiên để bọc thực phẩm là một biện pháp thực tế cần được phát huy lâu dài để bảo vệ môi trường.

Nếu một túi nilon phải mất từ 10 đến 20 năm, thậm chí có thể lên đến hàng trăm năm để phân hủy trong môi trường tự nhiên, gây nên hiện tượng ô nhiễm nặng nề. Thì lá cây chỉ mất từ 4 tuần đến 2 tháng để tự phân hủy và biến thành chất hữu cơ có ích cho cây trồng. Do đó, những ý tưởng thiết thực nêu trên cần được khuyến khích nhân rộng, góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.