Tác nhân gây béo phì trong nước ngọt có gas

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Nước ngọt có gas mọi người đang uống hằng ngày có giá trị dinh dưỡng gì không? Về y học, nước ngọt có gas tác động như thế nào đến sức khỏe?

Ảnh minh họa/INT.
Ảnh minh họa/INT.

Thức uống phổ biến

Nước ngọt có gas là loại thức uống phổ biến toàn cầu. Hằng năm các công ty sản xuất nước ngọt có gas thu về một lợi nhuận khổng lồ qua việc “giúp” cho mọi người giải tỏa cơn khát. Mọi giới, mọi lứa tuổi đều có không ít cơ hội để nâng ly uống cạn hay nhấp từng ngụm khoan khoái các loại nước ngọt có gas đầy quyến rũ này.

Khó có người nào mà chưa thưởng thức món… nước ngọt có gas. “Dòng họ” nước ngọt này có các đại diện tiêu biểu như Coca-Cola, Pepsi… hằng năm được cho ra lò đến cả tỉ lít.

Chúng được phân phối trên toàn cầu, len lỏi khắp các hang cùng ngõ hẻm đến tận từng nhà, cho dù đó là lầu cao máy lạnh hay vách nứa bốn bề phên trống gió lùa. Nói như vậy để thấy rằng nước ngọt có gas đang đồng hành cùng với con người thời hiện đại bất luận giàu sang hay là nghèo khó.

Tác động đến sức khỏe

Gas của nước ngọt thực chất là khí carbon dioxid (viết tắt là CO2). Loại khí này có đặc điểm tạo bọt khí và mang lại cảm giác mát mẻ, sảng khoái cho người uống.

Nhìn chung, “cơ cấu” của nước ngọt có gas bao gồm các thành phần sau đây: Nước, đường, caffein, carbon dioxid, acide phosphoric, hương liệu, vitamine C và có thể có thêm một “gia vị bí mật” nào đó tùy theo mỗi hãng sản xuất. Loại “gia vị bí mật” đó mang tính sống còn cho mỗi hãng sản xuất mà đối phương không thể nào biết hoặc đánh cắp được bản quyền.

Cảm giác sảng khoái mà nước ngọt có gas mang lại đã làm nhiều người uống nó như là một thói quen và dần dà trở nên “nghiện” tựa như người ta nghiện đốt thuốc lá. Một khi uống nhiều nước ngọt có gas thì... lơ cơm, vì đã có cảm giác “no” bụng. Đường trong các loại nước uống này cũng có rất ít giá trị dinh dưỡng, từ đó gây ra mất cân bằng năng lượng.

Các nghiên cứu cho thấy, số người mắc chứng béo phì gia tăng theo tỉ lệ thuận cùng với lượng nước ngọt có gas được tiêu thụ mà thủ phạm chính là lượng đường chứa trong đó.

Người mắc chứng béo phì có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường rất cao. Một nghiên cứu của Hội Tim mạch Hoa Kỳ cảnh báo rằng, nếu uống hơn một lon nước ngọt có gas mỗi ngày thì tỉ lệ béo phì tăng thêm 31%.

Có nhiều ý kiến đề nghị các nhà sản xuất nước ngọt có gas ghi trên sản phẩm lời cảnh báo “có thể gây béo phì” giống như “hút thuốc có thể gây ung thư phổi”. Nhưng trên thực tế người ta dễ gì thực hiện những điều làm hạn chế nguồn lợi nhuận khổng lồ này, nên xem ra đó cũng chỉ là những lời đề nghị mãi nằm trên giấy mà thôi. Do vậy, tốt nhất nên làm theo lời nói của giáo sư, bác sĩ Ravi Dhingra: “Điều độ vừa phải trong mọi lĩnh vực là chìa khóa của sự sống”.

Một điều cần phải lưu ý là trong những ngày trời nóng nực, hoặc khi vận động tích cực đến toát mồ hôi hột, nhiều người cứ tưởng chừng như nước ngọt có gas ướp lạnh hoặc cho vào nhiều nước đá để uống sẽ làm cho cơ thể mát mẻ hơn, nên cứ thế mà uống lượng nhiều. Đó là một sai lầm cần phải điều chỉnh.

Vì khi đang ra nhiều mồ hôi, lỗ chân lông nở to nhằm mục đích thoát nhiệt làm cho cơ thể mát một cách tự nhiên, ta lại hạ nhiệt đột ngột khiến cho các lỗ chân lông co lại gây cản trở việc tự điều hòa nhiệt độ của cơ thể, dẫn đến những tác động không tốt cho sức khỏe và sinh ra cảm mạo, bệnh hoạn từ sự sai lầm về mặt khoa học này.

Số người mắc chứng béo phì gia tăng theo tỉ lệ thuận cùng với lượng nước ngọt có gas được tiêu thụ. Ảnh minh họa/INT.

Số người mắc chứng béo phì gia tăng theo tỉ lệ thuận cùng với lượng nước ngọt có gas được tiêu thụ. Ảnh minh họa/INT.

Lời khuyên

Các nhà nghiên cứu cũng đã đưa ra một số lời khuyên sau đây khi sử dụng nước ngọt có gas mà mọi người cần biết:

Uống nhiều và nhanh: Nước ngọt có gas “dội” vào dạ dày gây nên sự kích ứng niêm mạc dạ dày ruột, pha loãng dịch vị, gây rối loạn tiêu hóa, đau vùng bụng, áp lực của khí CO2 tích tụ có khả năng làm lớn vết loét dạ dày tá tràng sẵn có của người đang mang bệnh.

Lượng nước đưa vào cơ thể nhiều sẽ tăng gánh nặng cho hệ thống tuần hoàn nhất là những trái tim đang có vấn đề, thận cũng làm việc vất vả để thải trừ lượng nước dư thừa và nếu đang ngồi trên những chuyến xe đường dài, việc chốc chốc muốn “xả” là một tai họa.

Uống quá lạnh: Việc uống quá lạnh và ngậm lâu trong miệng sẽ gây co mạch vùng họng và sung huyết, giảm khả năng phản ứng và miễn dịch tại chỗ khiến cho vi khuẩn có cơ hội dễ xâm nhập gây viêm họng, đau họng, khàn tiếng. Nếu uống trong khi đang dùng các loại thức ăn nóng sẽ tác động bất lợi lên men răng và lợi răng.

Sau uống bia rượu: Những người sau uống bia, rượu mà “đệm” thêm nước ngọt có gas để giải khát sẽ gia tăng sự hấp thu “cồn” (alcohol) vào cơ thể gây tổn hại cho tế bào gan.

Trong các trường hợp dùng phải nước ngọt có gas mà chất lượng không đảm bảo như hàng quá “đát”, hàng nhái, hàng dỏm thì hậu quả khó lường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đây là lần thứ hai NHNN hủy đấu thầu vàng miếng.

Tiếp tục huỷ phiên đấu thầu vàng

GD&TĐ - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa gửi đi thông báo hủy bỏ cuộc đấu thầu vàng miếng ngày 25/4 đến các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp.