Nhà báo Nguyễn Văn Quang hiện công tác tại Phòng Chuyên mục – Văn nghệ và Giải trí, Đài Phát thanh – Truyền hình Lâm Đồng. Chia sẻ cảm xúc với cương vị tác giả đoạt giải Báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam năm 2021, ông cho biết: Cũng như các nhà báo, phóng viên theo dõi mảng giáo dục, khi gửi sản phẩm dự thi tôi rất hồi hộp đợi chờ kết quả và vỡ oà hạnh húc khi tác phẩm của mình đã chinh phục được Ban Giám khảo.
Đến với cuộc thi từ cách đây 4 năm khi biết thông tin qua các phương tiện truyền thông. Từ đó, tôi đều đặn tham gia và rất vui khi 4 lần tham gia thì 4 lần được trao giải.
Lần lượt là: Giải Khuyến khích với tác phẩm: Câu chuyện tấm lòng (2018); Giải Ba với tác phẩm: Phạm Nhữ Kiều Duyên và những chuyến đi (2019); Giải Nhì với tác phẩm: Người nhìn bằng tim (2020) và trong cuộc thi năm 2021 với tác phẩm: “Lịch sử và câu chuyện của ngày hôm nay” tôi cũng đã nhận Thư mời tới dự Lễ trao giải với tư cách tác giả đoạt giải.
Dù chưa biết năm nay được giải gì nhưng tôi rất vui vì những đóng góp nhỏ bé của mình cho giáo dục đã được ghi nhận và đánh giá cao.
Làng nghề hồi sinh nhờ đề tài của học sinh
Tác phẩm “Lịch sử và câu chuyện của ngày hôm nay” là câu chuyện kể về một Làng nghề của đồng bào dân tộc Chu Ru (huyên Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng). Nhưng Làng nghề truyền thống ấy trong một thời gian dài không được nhắc tới khi nghề làm gốm truyền thống không còn là nguồn thu nhập của người dân. Thế rồi trong năm học vừa qua, làng nghề được nhắc đến trong Đề tài: “Thực trạng nghề Gốm của người Chu Ru ở thôn Krăng Gọ và định hướng bảo tồn, phát huy trong thời gian tới” do một nhóm học sinh lớp 12 của Trường THPT Pró đóng trên địa bàn thực hiện.
Đề tài này đã đoạt Giải Nhất tại Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học tỉnh Lâm Đồng lần thứ 12.
Không chỉ dừng lại ở kết quả của cuộc thi mà sau đó, đề tài được lựa chọn và trở thành một phần trong những tiết học môn Lịch sử của Trường THPT Pró, huyện Đơn Dương. Đáng ghi nhận hơn, làng nghề đã được một số gia đình khôi phục, có thu nhập khá ổn định và được nhiều người nhớ đến. Đây cũng là điều khiến tôi tâm đắc nhất.
Nhà báo Nguyễn Văn Quang tâm sự: Điều tôi muốn chuyển tải qua phóng sự là: Nhiều người vẫn nghĩ Lịch sử là câu chuyện của quá khứ, của ngày hôm qua, của những chiến công hào hùng và cả những đau thương mất mát trong tiếng gươm khua, tiếng bom rơi, đạn nổ...
Thế nhưng Lịch sử còn là câu chuyện của ngày hôm nay, ngày ngày vẫn được viết lên từ những bàn tay thô ráp đã run của những nghệ nhân già và từ tấm lòng, từ trái tim của những đứa con, đứa cháu ở thôn Krăng Gọ, xã Pró, huyện Đơn Dương bây giờ.
Câu chuyện đó bảo rằng, hãy nhìn nhận lại cách dạy và học; hãy thương quý những giá trị văn hóa truyền thống; hãy trao truyền những tinh hoa của bao tộc người và phải xem văn hóa là cốt lõi của sự phát triển.
Tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào, ý thức trân trọng, giữ gìn truyền thống, bản sắc văn hóa quê hương sẽ thấm dần trong tâm thức, nuôi dưỡng tâm hồn của học trò. Và cũng chính các em chứ không ai khác sẽ là người có trách nhiệm ghi chép đầy đủ nhất, chân thật nhất những khoảnh khắc đáng nhớ về lịch sử, văn hóa của ngày hôm nay để kể cho ngày mai.