Hoa oải hương (Lavender)
Được mệnh danh là loài hoa của sự êm ái và tinh khiết như ánh nắng mặt trời, oải hương có tính diệt khuẩn cao, giúp khử trùng, chống nhiễm khuẩn, sưng viêm, giúp điều trị vết thương, chống lây nhiễm, giảm đau tại các vết bỏng, chống phồng nước, không đau rát... Ngoài ra còn có tác dụng chữa trị các vết do côn trùng cắn, giúp xua đuổi muỗi, làm giảm sưng, đỏ các nốt dị ứng, nốt đỏ do phát ban, mẩn ngứa...
Chiết xuất hoa oải hương chứa acid ursolic có công dụng kháng khuẩn, giúp chống lại quá trình ôxy hóa chất béo và ức chế elastase dẫn đến việc thoái hóa các mô. Acid rosmarinic và các dẫn xuất polyphenolic với đặc tính chống ôxy hóa của oải hương còn giúp nó trở thành thành phần ngăn lão hóa da hiệu quả.
Hoa oải hương có tính diệt khuẩn cao và cúc La Mã giúp chống viêm, giảm đau, nhanh liền sẹo. |
Hoa cúc La Mã (Chamomille)
Tác dụng chữa bệnh của loài hoa này đã được biết đến từ thời La Mã cổ đại cách đây hàng nghìn năm và được ghi nhận trong y văn của Hippocrate. Người Hy Lạp và La Mã cổ đại dùng chamomille để chữa bệnh ngoài da bằng cách giã nhỏ để đắp hoặc chườm lên các vết thương, vết loét giúp phòng nhiễm khuẩn, giảm đau, nhanh liền sẹo.
Người ta tìm thấy trong chiết xuất hoa cúc La Mã nhiều chất quan trọng như sesquiterpene, terpenoids, flavonoids, coumarins, acid chlorogenic và acid caffeic, flavon, alpha-bisabolol... Trong số này, chất alpha-bisabolol có tính sát trùng, kháng viêm, chống dị ứng. Acid chlorogenic và acid caffeic chống ôxy hóa, kháng khuẩn, chống viêm.
Chiết xuất hoa cúc La Mã còn có tác dụng làm mềm, phục hồi các tế bào và bề mặt da bị kích ứng, kích thích sự thay mới lớp biểu bì, đẩy nhanh quá trình lành da và màng nhầy giúp làm dịu và ngăn ngừa viêm, giảm thiểu những vết mẩn đỏ trên da.
Hoa đỗ quyên (Rhododendron, Azalea)
Hoa đỗ quyên được chọn là quốc hoa xứ Nepal với mùi thơm ngọt ngào, nhẹ nhàng, giúp tinh thần thoải mái, tập trung hơn. Loài hoa này chứa các chất chống ôxy hóa, giàu chất dưỡng ẩm cho da, có công dụng chống viêm, giảm ngứa, thường được dùng để chữa các chứng khí hư, mụn nhọt, viêm loét, dị ứng.
Hoa đỗ quyên giúp chống viêm, giảm ngứa. |
Các nhà khoa học người Italy khi nghiên cứu về chiết xuất hoa đỗ quyên đã tách được các hợp chất có các dụng kháng khuẩn, có thể chống lại tất cả chủng vi khuẩn Staphylococcus aureus, Enterococcus faecalis, Bacillus subtilis, Mycobacterium tuberculosis và nấm Candida.
Cây hương thảo (Rosemary)
Rosemary xuất phát từ tên gọi Latin, có nghĩa là “Sương mai của biển”, là thảo dược hữu dụng trong chữa viêm, sưng. Ở châu Âu, người ta dùng lá hương thảo làm pommat và thuốc xoa trị thấp khớp và đau nửa đầu. Nước hãm (nấu một nắm lá trong nửa lít nước để chiết hết thuốc) dùng rửa các vết thương nhiễm trùng và lâu khỏi.
Chiết xuất hương thảo chứa các chất quan trọng như Axit Caffeic và dẫn xuất của nó như Axit Rosmarinic có tính kháng nấm và kháng khuẩn, làm trẻ hóa làn da bằng cách cải thiện lưu thông máu vào trong mao mạch da. Nó có thể chống lại các chứng viêm, kích ứng da, Eczema và các bệnh ngoài da khác…
Cây xô thơm (Salvia officinalis)
Xô thơm giúp khử trùng, làm se, chống viêm sưng. Hương thảo là thảo dược kỳ diệu trong việc chữa viêm, sưng. |
Trong tiếng Latin, cây xô thơm có nghĩa là “chữa lành”, được biết đến với các công dụng chính là khử trùng, làm se, chống ôxy hóa, chống viêm sưng.
Xô thơm chứa các chất chính như monoterpen, thujon, camphor, cineol, borneol, caffeoyl-fructosyl glucosid, caffeoyl-apiosylglucosid… có tác tác dụng kháng khuẩn, kháng nấm, kháng siêu vi... Những nghiên cứu mới cho thấy xô thơm còn có tác dụng giảm sưng đau khi bôi nhờ acid ursolic và kháng tiết mồ hôi khi bôi ngoài da.