Sao phải bỏ?

GD&TĐ - Việt Nam có 9 năm tổ chức thi khoa học kỹ thuật cho HS trung học; nhưng cuộc thi tương tự trên thế giới đã có tuổi đời trên 60 năm.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Hội thi khoa học và kỹ thuật quốc tế (ISEF) được phát triển từ Hội thi khoa học quốc gia của Hoa Kỳ, do Hiệp hội Khoa học và cộng đồng sáng lập, tổ chức lần đầu tiên vào năm 1950. Năm 1958, Hội thi này trở thành Hội thi khoa học, kỹ thuật quốc tế với sự tham gia của Nhật Bản, Canada và Đức. Từ 1997, Tập đoàn Intel là nhà tài trợ chính và từ đó Hội thi mang tên Intel ISEF.

Đến nay, Intel ISEF là Hội thi khoa học và kỹ thuật quốc tế hàng năm lớn nhất dành cho HS trung học (từ lớp 8 - 12). Mỗi năm có khoảng 1.500 HS trung học từ hơn 70 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới tham gia giới thiệu kết quả ở 22 lĩnh vực nghiên cứu khoa học. Hội thi là cơ hội kết nối các nhà khoa học trẻ tương lai trên toàn cầu và được tiếp cận với các nhà khoa học đã đoạt giải thưởng Nobel. Các thí sinh cũng được giao lưu học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm từ các đề tài nghiên cứu, kết nối với các HS cùng lứa tuổi trên khắp năm châu một cách sâu, rộng hơn trong tương lai.

Từ năm 2006, Bộ GD&ĐT, Intel và Vifotec có bước chuẩn bị đầu tiên để nghiên cứu, triển khai Hội thi Intel ISEF tại Việt Nam. Sau thời gian chuẩn bị, triển khai thí điểm, lần đầu tiên vào tháng 5/2009 tỉnh Lâm Đồng đại diện cho Việt Nam cử đoàn 3 HS với sự hỗ trợ của 5 chuyên viên tham dự Intel ISEF tại Hoa Kỳ.

Bắt đầu từ đây, hoạt động nghiên cứu khoa học của HS trung học dần được triển khai mở rộng ra nhiều tỉnh/thành phố trong phạm vi cả nước. Trong các năm 2010, 2011, Hội thi khoa học kỹ thuật dành cho HS trung học được tổ chức và đều có HS tham dự Intel ISEF. Năm 2012, Bộ GD&ĐT lần đầu đứng ra cùng một số sở GD&ĐT chọn cử dự án nghiên cứu khoa học tham gia Intel ISEF. Và dự án của 3 HS Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam dự thi đã đoạt giải Nhất lĩnh vực điện và cơ khí. Liên tục từ đó đến nay, hằng năm Việt Nam đều cử HS tham dự Intel ISEF và năm nào cũng là một trong các quốc gia có HS đoạt giải.

Nhận thấy hoạt động nghiên cứu khoa học kỹ thuật và Cuộc thi khoa học kỹ thuật có ý nghĩa quan trọng với giáo dục trung học, năm 2017 Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật cấp quốc gia học sinh THCS, THPT. Cuộc thi hàng năm đều thu hút, tập hợp được nhiều nhà khoa học từ các trường ĐH, viện nghiên cứu tham gia hướng dẫn, góp ý, chấm, chọn các dự án tham gia từ cuộc thi cấp tỉnh/thành phố đến cấp quốc gia. Nhiều trường ĐH, tổ chức khoa học, doanh nghiệp trong và ngoài nước đã tham dự, trao giải và công bố tuyển thẳng vào bậc ĐH của đơn vị mình với thí sinh đoạt giải. Đến nay, ý nghĩa của cuộc thi này được khẳng định; đặc biệt trong góp phần đổi mới hình thức tổ chức hoạt động dạy học; đổi mới hình thức, phương pháp đánh giá kết quả học tập; phát triển năng lực của HS; nâng cao chất lượng dạy học, đội ngũ giáo viên trong trường trung học... 

Là người đồng hành với Cuộc thi khoa học kỹ thuật nhiều năm, ông Đặng Tự Ân, Giám đốc Quỹ hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông khẳng định: Cuộc thi là sự đổi mới tư duy nhanh nhạy của Bộ GD&ĐT, sớm hòa nhập vào Kỳ thi khoa học kỹ thuật toàn cầu - cũng chính là sự hòa nhập vào thời đại 4.0. Lớp trẻ làm chủ tương lai, sẽ là tụt hậu nếu không được rèn luyện cho mình năng lực sáng tạo và làm chủ khoa học kỹ thuật ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông. Định hướng đổi mới giáo dục của Việt Nam là dạy HS phát triển năng lực thực hành, sáng tạo trong giải quyết vấn đề mà thực tế đòi hỏi. Học đi đôi với hành, giáo dục phải góp phần tạo ra của cải vật chất cho xã hội là những nguyên lý bất di bất dịch của mọi nền giáo dục tiên tiến trên thế giới. Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia hàng năm đã làm tốt các chức năng đổi mới ấy của giáo dục. 

Tính chất cạnh tranh của cuộc thi sẽ dẫn đến thách thức đối với Ban tổ chức và giám khảo. Tuy nhiên, chúng ta có quy chế thi, Ban Chỉ đạo thi quốc gia, nên tin rằng, những vi phạm từ lớn đến nhỏ sẽ được xử lý công minh, khách quan. Có lẽ phải thống nhất: Nếu có những hạn chế, tồn tại thì sửa; không thể theo tư duy cũ: Khó làm, hay không làm được thì bỏ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ông Trần Quí Thanh lãnh 8 năm tù.

Ông Trần Quí Thanh bị phạt 8 năm tù

GD&TĐ - Sáng 25/4, TAND TPHCM tuyên phạt 8 năm tù đối với bị cáo Trần Quí Thanh (Chủ tịch Tân Hiệp Phát) về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".