Sức sống bền bỉ của văn học dân gian

GD&TĐ - Chắc hẳn vào mỗi buổi tối trước khi ngủ, có nhiều đứa trẻ phải làm nũng để các bà, các mẹ kể vài mẩu truyện truyền thuyết, cổ tích, ngụ ngôn…để rồi chợp mắt vào giấc ngủ khi nào không hay. Và cứ thế khi các em lớn lên, những câu chuyện năm xưa lại là “suối nguồn” cảm xúc cứ tuôn chảy mãi trong tâm hồn và là “điểm tựa” trong cách đối nhân xử thế.

Sức sống bền bỉ của văn học dân gian

Nhận thức được giá trị to lớn của dòng văn học dân gian đối với sự hình thành và phát triển nhân cách của trẻ, trong nhiều năm học qua, trường THCS Lý Thái Tổ - TP. Nha Trang luôn lên ý tưởng để tổ chức nhiều buổi ngoại khóa sinh động liên quan đến mảng văn học này.

Sau khi giáo viên thông qua thể lệ của chương trình, cũng là lúc học sinh các khối bắt tay vào việc lên kịch bản, phân lời thoại, chọn diễn viên phù hợp với từng vai diễn. Sôi nổi, nhiệt tình nhất vẫn là học sinh khối 6,7 vì những văn bản này các em mới học qua nên nắm chắc về cốt truyện.

Phần lên kịch bản và tập thoại luôn là phần khó nhất, vì nội dung trong các truyện dân gian đa phần cô đọng, độ dài vừa phải, lồng ghép được nhiều bài học ý nghĩa bên trong. Do đó, khi triển khai thành một tác phẩm dưới dạng sân khấu hóa cần phải phát triển mạch truyện cho thật chi tiết và hợp lí. Kịch bản càng cụ thể bao nhiêu thì các em sẽ tập dễ dàng bấy nhiêu.

Sau bao ngày tập luyện kì công, thời khắc trình diễn trên sân khấu luôn là phần mang lại sự háo hức và phấn khởi nhất cho người xem. Với những bộ trang phục tự thiết kế, hình ảnh vị thần Sơn Tinh gần gũi, cuốn hút; bên cạnh là chàng Thủy Tinh oai vệ, kiêu ngạo xuất hiện đầy mới lạ với nhiều bạn học sinh ngồi xem bên dưới.

Vẫn là những câu thoại quen thuộc, những sính lễ thách cưới mà chỉ có Sơn Tinh đáp ứng được vào ngay sáng hôm sau. Thế nhưng chỉ với cách nhìn ẩn ý của vua Hùng với Lạc Hầu hay nét đượm buồn thoáng trên gương mặt của Thủy Tinh cũng đủ cho thấy sự “thiên vị” rất rõ mà nhiều khi đọc trong sách các em sẽ khó hình dung được.

Lựa chọn truyền thuyết Sơn Tinh, Thủy Tinh để dàn dựng cũng là cách tái hiện sinh động một trong những câu chuyện tiêu biểu, nổi tiếng nhất trong chuỗi truyền thuyết về thời đại vua Hùng, cũng nhằm giải thích hiện tượng mưa to, bão lụt ghê gớm hằng năm được nhân dân hình tượng hóa một cách thú vị.

Và đó cũng là cách nhà trường giáo dục cho các em cảm thấu những mất mát to lớn do bão lụt gây ra. Đặc biệt khi trong những ngày tới sẽ tròn một năm cơn bão số 12 (Damrey) đổ bộ trực tiếp vào Khánh Hòa. Một trong những sự kiện kinh hoàng mà nhiều người không thể nào quên được. Những bài học được đút rút ra là không nên chủ quan, có phương án phòng chống thích hợp trước những thiên tai đang ngày càng khó đoán về tính chất và sự nguy hiểm.

Buổi ngoại khóa còn được các em xây dựng thêm truyện cười “Lợn cưới, áo mới” với bài học răn dạy về “tính khoe của” của hai nhân vật. Qua lối diễn xuất ngô nghê của học sinh nhưng các em vẫn tạo nên những tình huống gây cười sảng khoái cho người xem, mà sau khi cười phải đọng lại bài học về thói xấu này.

Tiếp nối sự thành công của những buổi ngoại khóa văn học như thế này, tổ Ngữ Văn của trường sẽ đẩy mạnh đổi mới nội dung và cách thức thể hiện để thu hút sự tham gia của nhiều học sinh hơn nữa. Có thể từ những câu chuyện trích dẫn trong sách giáo khoa, nhà trường sẽ định hướng xây dựng những tác phẩm dưới góc nhìn khác, một góc nhìn chưa nhiều người biết đến, ví dụ như: Ếch ngồi đáy giếng ngoại truyện, Thạch Sanh – truyện chưa kể…Dĩ nhiên là toàn bộ phần nội dung kịch bản của các em dàn dựng sẽ được góp ý, chỉnh sửa từ những thầy cô có kinh nghiệm nhất, tạo sự hài hòa giữa tính sáng tạo và nhân văn.

Văn học dân gian sẽ không bao giờ biến mất – đó là điều chắc chắn. Vì nó luôn là thứ “ánh sáng” tuyệt vời để thắp lên sự khoan dung, nhân ái, lòng tự hào…trong mỗi em nhỏ. Và trên cơ sở kế thừa những giá trị căn bản ấy, thì việc mang văn học dân gian ra khỏi trang sách, lời kể để các em xem, nghe và hiểu cũng là cách giữ gìn và phát huy “vốn báu” của nền văn học do cha ông ta gầy dựng từ ngàn xưa.

Theo Tiếng nói giáo viên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ