Đó mới chính là tính chất đa chiều của văn học khi phản ánh thế giới sống luôn chuyển động không ngừng nghỉ. Vì thế, một trong những cách khơi gợi sự hứng thú làm văn của học sinh là phải khiến cho các em say sưa với một đề văn hay. Và tất nhiên, đề văn đó phải lấy những ngữ liệu ngoài thực tế. Hay nói đúng hơn, những sự kiện, hoạt động, trào lưu…mang tính chất thời sự luôn là nguồn tư liệu vô tận, để các thầy cô cân nhắc lựa chọn đem vào trong đề văn của mình.
Đề văn hay sẽ là cách phản biện tốt
Nếu ai đó nói rằng các môn học trong nhà trường không thể đem những vấn đề thời cuộc vào vì quá khô khan, giáo điều và khó giảng dạy thì họ đã nhầm to. Có lẽ mỗi người lớn chúng ta sẽ không quên được những đề văn nghị luận xã hội "gây bão" không chỉ cho thí sinh dự thi mà mọi tầng lớp trong xã hội cũng phải vào cuộc để phân tích, bình luận và phản biện.
Đó có thể là đề văn làm "dậy sóng" về "văn hóa thần tượng" (đề văn thi đại học khối D, 2012). Khi này xu hướng ủng hộ thần tượng hay không ủng hộ cũng đã tốn không ít giấy mực của báo chí để mổ xẻ việc thần tượng của giới trẻ bấy giờ.
Hay như đề văn khiến bản thân tôi và rất rất nhiều người khác khi đọc vào lại nhói lòng và thấy mình thật nhỏ bé trước hành động dũng cảm của em Nguyễn Văn Nam khi xả thân cứu năm em nhỏ suýt chết đuối (đề văn tốt nghiệp THPT 2013). Chính em Nam đã là tấm gương sáng để cho chúng ta "tự soi", "tự ngẫm" về mình và có những biện pháp kịp thời để chống lại lối sống "vô cảm".
Đồng thời những mặt trái của xã hội cũng được đưa vào đề thi để thí sinh tự nhìn nhận và điều chỉnh bản thân từ hiện tượng "tiến bộ xã hội và ước mơ đại gia của cô gái trẻ" (đề thi học sinh Giỏi Văn, thành phố Hải Phòng, năm học 2013 - 2014).
Hay như sự kiện “U23 Việt Nam” đầu năm nay, học sinh tỏ vẻ phấn khích với câu hỏi:
Cầu thủ Lương Xuân Trường đã nói trước trận đấu quyết định: "U23 Việt Nam không có những ngôi sao. Ngôi sao duy nhất chúng tôi có chính là ở bên ngực trái của mình". Theo em, hình ảnh “ngôi sao duy nhất bên ngực trái của mình” được cầu thủ Xuân Trường nhắc đến ở trên có nghĩa là gì?
Quả thật, khi cầm đọc đề văn như thế này, học sinh tỏ ra chủ động và xuýt xoa với từng câu chữ. Các em không chỉ làm đủ ý mà còn thể hiện được những cảm xúc đặc biệt với cầu thủ thần tượng. Mà đôi khi trong cuộc sống các em không thể hiện trực tiếp nhưng qua trang giấy lại là cơ hội để viết ra những câu chữ đong đầy tình cảm.
Ngay cả những kỳ thi quan trọng của học sinh như thi học sinh giỏi các cấp, THPT Quốc gia thì bộ phận ra đề đã không còn bó hẹp nội dung trong sách giáo khoa mà mở rộng ra ngoài thực tế. Đó là hành động đứng nghiêm chào cờ của VĐV Đào Văn Thủy khi Quốc ca vang lên quá đỗi tự hào cho mỗi người Việt Nam; là nghĩa cử cao đẹp của bé Hải An hiến giác mạc sau khi qua đời để đem ánh sáng cho nhiều bạn đang cần…
Tất cả những vấn đề được bàn luận, dù ít hay nhiều cũng để lại trong các em những suy nghĩ và tạo lập tính phản biện xã hội cao từ khi ngồi trên ghế nhà trường.
Từ hiện tượng, trào lưu của giới trẻ đến những vấn đề quan trọng như tình hình biển Đông, kinh tế xã hội, biến đổi khí hậu… đã được đưa vào đề thi một cách thông minh, nhạy bén và gần gũi dưới góc nhìn của những người làm giáo dục nhưng mang đậm tính định hướng, góp phần xây dựng nhân cách và lối sống thân thiện.
Nhưng đằng sau những đề văn có tính chất mở ấy, chúng ta lại hiểu biết thêm về suy nghĩ của những người trẻ. Bằng những chính kiến của họ đôi khi sẽ tác động ngược trở lại với những cá nhân, tổ chức có liên quan.
Đề mở, nhận thức mở và đáp án mở
Một trong những cái chưa tốt của việc dạy Văn từ trước đến giờ đó là việc “áp đặt” kiến thức của người dạy lên người học. Nhưng nếu những “đề văn mở” được đưa vào tiết kiểm trả thì sẽ không còn “đất diễn” cho những bài văn mẫu, những câu văn xáo rỗng, rập khuôn. Mà mỗi bài làm của học sinh thật sự phản ánh khả năng tư duy, lập luận vấn đề nhạy bén của chính các em.
Khi đó giáo viên chấm phải là người có vốn am hiểu và bản lĩnh trong việc bảo vệ quan điểm của học sinh. Vì những phát kiến của học sinh đưa ra có lí riêng, thậm chí cách lí giải của các em còn hay hơn so với đáp án chấm. Cần có những điểm cộng cho sự sáng tạo cá nhận này. Tuyệt đối không tạo sự gò ép máy móc vào những câu chữ có sẵn để chấm điểm cho học sinh.
Thế đấy! Nhà trường lúc nào cũng thực hiện một nhiệm vụ vô cùng cao cả đó là "trồng người". Từ cách gieo hạt giống "nhân cách", vun đắp "trí tuệ", bồi dưỡng "tâm hồn" đến khơi dậy "tài năng" để những cây xanh trưởng thành đủ khỏe mạnh khi ra ngoài đời. Họ có đầy đủ những hành trang cần thiết để tạo lập công việc ổn định cho chính bản thân, xa hơn là xây dựng đất nước.
Vì thế, đừng bỏ qua và đừng xem nhẹ môi trường nhà trường trong việc định hướng những vấn đề thời cuộc đang diễn ra xung quanh. Nếu kết hợp, lồng ghép tốt cách làm này trong những đề văn kiểm tra, thi cử thì tôi tin chắc sự quan tâm và đóng góp vào thời cuộc từ những người trẻ sẽ giống như một thói quen tốt sau khi đã trưởng thành./.