Vì sao ca mắc Covid-19 ở TP Hồ Chí Minh tăng nhanh sau nhiều ngày giãn cách?

GD&TĐ - Tính đến 19/7, TP Hồ Chí Minh đã thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố 11 ngày.

TPHCM cần khoanh vùng phát hiện các ổ dịch, xét nghiệm những khu vực, cũng như nhóm có nguy cơ cao. Ảnh: HCDC.
TPHCM cần khoanh vùng phát hiện các ổ dịch, xét nghiệm những khu vực, cũng như nhóm có nguy cơ cao. Ảnh: HCDC.

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC), đây là thời gian then chốt để triển khai các biện pháp quyết liệt. Nhờ đó, kiểm soát dịch bệnh với mục tiêu cơ bản là tách F0 ra khỏi cộng đồng. Đồng thời, khoanh vùng, chặn đứng chuỗi lây lan, giảm số ca mắc. Qua đó, tiến tới kiểm soát được tình hình dịch bệnh tại thành phố.

Tính đến hết ngày 18/7, có 31.751 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại TP Hồ Chí Minh được Bộ Y tế công bố. Trong đó, có 31.459 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 292 trường hợp nhập cảnh.

Cũng trong ngày 18/7, có thêm 184 bệnh nhân xuất viện. Tổng số ca điều trị khỏi tính từ khi dịch bệnh bắt đầu là 3.064. Hiện tại, TP Hồ Chí Minh đang điều trị cho 33.467 bệnh nhân dương tính. Trong đó, có 362 bệnh nhân nặng hiện phải thở máy.

Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, mặc dù TP Hồ Chí Minh đã thực hiện 2 đợt giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 trước đó, nhưng số ca bệnh vẫn không ngừng tăng. Các chuỗi lây nhiễm mới liên tục phát sinh, virus SARS-CoV-2 tồn tại dai dẳng trong cộng đồng.

Lý giải về tình trạng này, chuyên gia cho biết, nguyên nhân là do sau giãn cách, thành phố vẫn không xử lý triệt để được nguồn lây trong cộng đồng. Bởi, vẫn còn nhiều người, nhiều nơi thực hiện chưa nghiêm.

Do đó, mầm bệnh tiếp tục phát tán, đặc biệt là những nơi tập trung đông người để lấy mẫu, đăng ký tiêm vắc-xin, “chen chúc” đi làm. Ngoài ra, ở cộng đồng có nhiều người mang virus nhưng không có triệu chứng và chưa được phát hiện.

“Việc cách ly tập trung đông đảo các F1 vào một địa điểm cũng tạo điều kiện cho virus lây từ người này sang người khác. Những F1 này khi về cộng đồng trở thành F0 và tiếp tục lây lan. Với chủng virus đột biến Delta có khả năng lây lan rất nhanh thì số F0 sẽ tăng lên theo cấp số nhân”, PGS Nga nhận định.

Chuyên gia này nhấn mạnh, Delta là một biến chủng SARS-CoV-2 có chỉ số lây nhiễm cao hơn chủng nguyên thủy từ Vũ Hán. Hệ số lây nhiễm cơ bản RO của biến chủng này là 5 - 8. Tức là một bệnh nhân có thể lây cho 5 - 8 người khác. Trong khi đó, trước đây, hệ số này là 2 - 2,5 người.

Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, để đối phó với biến chủng mới và sự gia tăng nhanh trong số ca mắc Covid-19, từ 0 giờ ngày 9/7,  TP Hồ Chí Minh thực hiện cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị 16 trong 15 ngày. PGS Nga nhận định, đây là biện pháp giãn cách mạnh nhất, cao nhất đề ngăn ngừa sự lan truyền của dịch bệnh tại TP Hồ Chí Minh.

Trước bối cảnh này, PGS Nga gợi ý, TP Hồ Chí Minh cần đồng thời khoanh vùng phát hiện các ổ dịch, xét nghiệm những khu vực, cũng như nhóm có nguy cơ cao. Nhờ đó, kịp thời đưa ra các biện pháp cách ly, điều trị phù hợp để khống chế dịch và hạn chế tử vong.

“Nếu thực hiện nghiêm các quy định của Chỉ thị 16, sau 15 ngày cách ly toàn xã hội, dịch tại TP Hồ Chí Minh sẽ giảm nhiều nhưng vẫn còn các ca mắc trong cộng đồng. Về lâu dài, vẫn cần thực hiện 5K và tiêm vắc-xin phòng Covid-19. Đặc biệt là tiêm vắc-xin đủ liều và đạt tỷ lệ bao phủ cao để đạt miễn dịch cộng đồng”, PGS.TS Nguyễn Huy Nga nhận định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thủ môn Quan Văn Chuẩn thận trọng trước trận gặp U23 Iraq.

U23 Việt Nam 'đọc vị' U23 Iraq

GD&TĐ - Trước trận so tài với U23 Iraq ở tứ kết U23 châu Á, thủ môn đội trưởng U23 Việt Nam Quan Văn Chuẩn tỏ ra khá thận trọng.