'Chìa khoá' tránh rủi ro khi tham gia giải chạy

GD&TĐ - Trước khi tham gia giải chạy, vận động viên phải được chuẩn bị một cách kỹ càng về thể lực qua tập luyện hằng ngày.

Chuẩn bị chế độ ăn hợp lý cùng với nước uống trước, trong và sau khi chạy maraton là cực kỳ quan trọng. Ảnh minh hoạ
Chuẩn bị chế độ ăn hợp lý cùng với nước uống trước, trong và sau khi chạy maraton là cực kỳ quan trọng. Ảnh minh hoạ

Trước khi tham gia giải chạy, vận động viên phải được chuẩn bị một cách kỹ càng về thể lực qua tập luyện hằng ngày. Đồng thời, cần nắm được khả năng, thành tích của mình trước khi tham gia giải.

Nguy hiểm khi người chạy mắc bệnh tim

Gần đây, nhiều trường hợp đột quỵ khi chơi thể thao liên tiếp xảy ra. Tại Giải Hafm Marathon ngày 14/4 vừa qua ở Hà Nội, nam vận động viên sinh năm 1990 bất ngờ gục ngã ngay trên đường chạy, cách vạch đích khoảng 100 m do ngừng tim. Dù được điều trị tích cực, nhưng nam thanh niên đã không qua khỏi.

Trước đó, vận động viên Kenya qua đời vào ngày 25/2 sau khi hoàn thành giải leo núi. Năm 2022, sau khi tham gia giải chạy tại địa phương, em H., học sinh lớp 9 Trường THCS Nam Phương Tiến A (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) đã đột quỵ và không qua khỏi.

Năm 2007, vận động viên chuyên nghiệp Ryan Shay đột tử ngay trên đường chạy cũng gây rúng động cộng đồng runner Mỹ thời điểm đó. Kết quả khám nghiệm tử thi công bố nguyên nhân cái chết của anh do rối loạn nhịp tim gây phì đại cơ tim với các dải xơ bất thường.

Gần đây phong trào tập thể dục thể thao, các giải chạy bộ không chuyên marathon (42,295km), bán marathon (21,1km) ngày càng phổ biến, thu hút đông đảo người dân thuộc nhiều độ tuổi tham gia. Tuy nhiên, thực tế, trên cả nước đã ghi nhận không ít trường hợp tử vong khi tham gia giải chạy, hoạt động thể thao.

Để phòng tránh các biến chứng nguy hiểm về sức khỏe, PGS.TS.BS Nguyễn Xuân Ninh, Trưởng phòng Khám dinh dưỡng VIAM, Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho rằng, mọi người cần lưu ý khi tập luyện môn chạy Marathon, đặc biệt là tham gia các giải đấu.

Theo chuyên gia này, khi chạy Marathon, các cơ quan tim mạch, hô hấp, thần kinh, nội tiết phải hoạt động tăng lên gấp bội, đặc biệt khi gắng sức chuẩn bị về đích.

Nếu dinh dưỡng không cung cấp đủ trước và trong thời gian thi đấu, cơ thể sẽ rơi vào tình trạng kiệt quệ năng lượng, cơ bắp sẽ bị co cứng, não thiếu oxy, tim mạch và hô hấp sẽ rối loạn và có thể ngừng hoạt động. Đặc biệt, trong trường hợp tim có vấn đề bệnh lý thì rất nguy hiểm đến tính mạng.

Trước khi tham gia giải chạy, vận động viên phải được chuẩn bị một cách kỹ càng về thể lực qua tập luyện hằng ngày. Đồng thời, cần nắm được khả năng, thành tích của mình trước khi tham gia giải. Ví dụ, biết chắc mình có thể vượt qua chặng đường 21km, 42km trong thời gian bao lâu, không có vấn đề lo ngại về sức khỏe.

“Có nhiều người hằng ngày cũng tập luyện, nhưng mới chỉ vượt chặng đường 3 - 5km, thậm chí dài nhất là 10km. Nay có giải bán marathon 21km, họ lại không hình dung hết khó khăn về thể lực với những chặng cuối và cho rằng chỉ cố gắng hơn 1 chút thôi. Hậu quả là kiệt sức, co cứng cơ, ngất xỉu, trụy tim mạch và có thể tử vong”, PGS Ninh cho biết.

Do đó, khi tham gia chạy Marathon, phải tập luyện thử thách cơ thể mình chạy thử nhiều lần trước đó. Khi thấy vấn đề bất thường như tức ngực, khó thở, hoa mắt, buồn nôn..., cần dừng lại tìm người giúp đỡ, không nên quá gắng sức.

Yếu tố ảnh hưởng sức khoẻ

Chuyên gia này chia sẻ, bên cạnh việc rèn luyện hằng ngày, có rất nhiều yếu tố liên quan khác ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch hô hấp, thành tích khi tập luyện, như: Bệnh tật, thời tiết, chuẩn bị dinh dưỡng trước trong và sau thi đấu.

Vì vậy, vận động viên phải khám sức khỏe khi thấy hoặc nghi ngờ mình có vấn đề. Một số vấn đề có thể là hay mệt mỏi, lâu hồi phục, nhịp tim nhanh, huyết áp, khó thở... Do đó, việc đi khám sẽ giúp biết tình trạng sức dinh dưỡng sức khỏe chung, chức năng tim mạch, huyết áp.

Đa số (80%) các trường hợp tử vong trên đường chạy đều có vấn đề bệnh lý về tim mạch, huyết áp. Nhiều trường hợp không đi khám và chưa phát hiện vấn đề.

Trời nắng nóng, độ ẩm cao, ngay cả khi trời lạnh, cũng là yếu tố nguy cơ với sức khỏe của vận động viên, gây mất nước, tăng nhiệt độ, rối loạn điện giải, cơ thể mệt mỏi nhiều hơn.

Việc bổ sung nước, điện giải, dinh dưỡng không kịp thờ có thể dẫn đến hạ kali, hạ đường máu, làm tim đập nhanh, hạ huyết áp, yếu liệt, co giật và thậm chí là tử vong.

PGS Ninh giải thích, chạy Marathon tiêu hao nhiều năng lượng, cơ thể phải được nạp “xăng - calo” đầy bình trước khi thi đấu. Điều đó nghĩa là nạp đầy Carb từ 1 - 3 ngày trước đó.

“Dù được nạp đầy bình, năng lượng cũng chỉ đủ cho cuộc đua trong vòng 50 - 60 phút. Vậy thời gian 60 - 90 phút còn lại thì năng lượng lấy từ đâu ra? Câu trả lời là từ nguồn mỡ dự trữ dưới da và đồ ăn nước uống cung cấp thêm trong quá trình chạy. Vì vậy, các vận động viên phải uống thêm nước thể thao (lượng đường 5 - 8% cùng các chất điện giải), thậm chí ăn thêm thanh năng lượng dọc đường đua để đủ sức đến đến đích”, chuyên gia cho biết.

Theo PGS Ninh, dù là vận động viên chuyên hoặc không chuyên, marathon đầy đủ hoặc bán marathon, cần nắm rõ, đây là môn sức bền, tiêu hao năng lượng lớn, thời gian kéo dài, đòi hỏi hệ tim mạch và hô hấp hoạt động rất tích cực.

Do vậy, vận động viên cần được chuẩn bị thể lực tốt từ khâu tập luyện hằng ngày, đến dinh dưỡng, nước uống trước, trong khi thi đấu. Người chạy cũng cần biết hoặc được kiểm tra về tình trạng sức khỏe, hệ tim mạch của mình để tránh những sự cố đáng tiếc trên đường đua.

“Chuẩn bị chế độ ăn hợp lý cùng với nước uống trước, trong và sau khi chạy maraton là cực kỳ quan trọng. Từ đó, để cơ thể sung sức suốt chặng đua, tránh những biến chứng mệt mỏi, kiệt sức, giúp hồi phục nhanh”, PGS.TS Nguyễn Xuân Ninh nhấn mạnh.

Thống kê của Thư viện Y khoa Mỹ, trên 112.790 vận động viên trẻ (12 - 35 tuổi) tham gia các bộ môn thể thao cạnh tranh cho thấy, nguy cơ đột tử ở những người này cao hơn khoảng 2,5 lần so với người không phải vận động viên. Tình trạng đột tử ở vận động viên xảy ra phổ biến nhất trong hoặc sau khi tập luyện, thi đấu ở cường độ cao. Nguyên nhân chính gây đột tử ở vận động viên do bệnh cơ tim phì đại rối loạn nhịp tim, bệnh van tim, tim bẩm sinh, sử dụng chất kích thích như doping.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ