Sự lên ngôi của thị trường sách Việt

GD&TĐ - Gần đây, thể loại tản văn đem đến cho văn học Việt một làn gió tươi mới. Những trang viết đầy chất tự sự, sự trải nghiệm, khám phá, những chia sẻ, chiêm nghiệm của người viết chạm được vào cảm xúc của người đọc và có sức thu hút rất riêng với nhiều độc giả.  

Sự lên ngôi của thị trường sách Việt

Sức hút tản văn

Trong nhịp sống nhanh, sống gấp, những tản văn, truyện ngắn được ưu ái nhiều hơn tiểu thuyết vì ngắn gọn, dễ đọc, dễ cảm và gần gũi với đời sống. Số lượng những đầu sách này bán rất chạy, được đông đảo người trẻ đón nhận. Nhiều tập tản văn đã vinh dự đoạt Giải thưởng Hội Nhà văn như Tản mạn trước đèn của Đỗ Chu, Con giai phố cổ của Nguyễn Việt Hà...

Điều thú vị là tản văn đã và đang thu hút sự quan tâm, vào cuộc của nhiều cây viết trẻ. Với lợi thế viết ngắn, tản văn dễ tiếp nhận hơn, tiếp cận trực diện các vấn đề của xã hội mà giọng văn, cách hành văn cũng như tính hư cấu của tác phẩm vẫn luôn dành đất cho người viết tung hứng, sáng tạo.

Có thể kể đến tác phẩm Ngày trôi về phía cũ của tác giả Anh Khang đã tái bản chỉ sau vài tuần ra mắt. Tập tản văn Buồn làm sao buông cũng của tác giả trẻ tài năng này đã trở thành sách bán chạy nhất tại hội sách 2014 diễn ra tại TPHCM. Kể từ đây, hàng loạt đầu sách về tản văn đã ra đời như: Trót lỡ chạm môi nhau (Sơn Paris), Thời gian để yêu (Hamlet Trương), Chúng ta rồi sẽ ổn thôi (tác giả Gào và Minh Nhật), Trót lỡ chạm môi nhau (Sơn Paris) cũng từng gây sốt trong làng sách Việt.

Theo tác giả An Khang, tản văn vẫn là thể loại sách chiếm ưu thế trên thị trường. Tản văn ngắn gọn, dễ đọc, không đơn thuần là những con chữ mà nó còn có chi tiết như câu chuyện thu nhỏ đời thường. Đặc biệt, tản văn dễ ngấm và đánh trúng tâm lý độc giả nên luôn là những sản phẩm bán chạy.

Xu hướng văn học thị trường?

Theo thống kê của Nhà xuất bản Trẻ, trong 3 năm trở lại đây, Nhà xuất bản Trẻ đã có 47 tựa sách được ấn hành. Trung bình, mỗi đầu sách tản văn in 2.000 bản. Số lượng các nhà văn trẻ tham gia viết tản văn cũng gia tăng đột biến, đặc biệt cây bút viết tản văn ở Hà Nội nhiều hơn các địa phương khác.

Trước đây, tản văn gần như không có tác giả riêng, thường chiếm một phần nhỏ trong sự nghiệp lớn của những người cầm bút. Nhưng gần đây, một số tác giả trẻ viết nhiều tản văn và xây dựng được thương hiệu ở thể loại này, vì thế sách ở thể loại này ngày càng nhiều.

Nhà phê bình Chu Văn Sơn nhìn nhận: “Tạp văn (tản văn) là thể loại văn học rất lâu đời. Thực ra thể loại này không mới, nhưng gần đây lại xuất hiện nhiều. Thể loại tản văn cho phép người viết bộc lộ tất cả suy tư của mình trước cuộc đời. Đôi khi chỉ cần có hành văn dễ đọc, có tính lập luận trước các vấn đề của thời cuộc là có thể có tập tản văn được người đọc tiếp nhận.

Trong bối cảnh xã hội hiện nay, khi nhịp sống công nghiệp chi phối mạnh mẽ lên đời sống, con người cảm thấy ngột ngạt và muốn được chia sẻ. Ở phương diện đó, tạp văn phát huy được thế mạnh. Người ta đào sâu vào chính tâm hồn mình để bật lên được những suy nghĩ về vấn đề đặt ra... Tuy nhiên, tản văn không phải là một thể loại dễ viết. Từng câu chữ của tác giả phải chắt lọc. Để viết được tản văn hay, người viết cần thoát khỏi con người cá nhân, sự hoài niệm và phải hướng đến việc khảo cứu, nâng tầm vấn đề và thể hiện sự am hiểu về muôn mặt đời sống”.

Dòng chảy của tản văn những năm qua ít nhiều làm nên diện mạo mới của văn chương Việt đương đại. Số người mua và đọc tạp văn thường đông hơn hẳn số người mua và đọc tiểu thuyết đã tạo nên không khí sôi động trong đời sống văn hóa đọc. Sự phát triển của văn học không thể đứng ngoài sự phát triển của đời sống thực tại. Làm sao để có thể hạn chế nhất sự dễ dãi của văn học thị trường, từng bước nâng cao chất lượng các tác phẩm, định hướng thẩm mĩ người đọc thực sự là bài toán không đơn giản.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lực lượng chức năng duy trì công tác tuần tra, kiểm soát khép kín địa bàn. Ảnh: TT

Giữ bình yên trên cao nguyên M’Nông

GD&TĐ - Bước vào thu hoạch cà phê niên vụ 2024, người dân trên cao nguyên M’Nông (Đắk Nông) đang hân hoan phấn khởi vì sản phẩm được giá.