Khi nghề chọn người…
Nguyễn Bá Mạnh, một thanh niên đến từ Thái Bình chia sẻ: Khi còn nhỏ, gia đình còn nhiều khó khăn ngoài công việc đồng áng, bố có mua một chiếc xe ngựa để chở thuê hàng hóa, nông sản cho bà con trong xã. Thỉnh thoảng Mạnh được bố cho đi cùng, vừa đi chơi vừa phụ giúp bố. Ngồi trên xe ngựa, nhìn thấy vài chiếc ôtô phóng qua, em ước ao sau này sẽ làm nghề lái xe, vì ô tô chở được nhiều hàng hóa hơn, đi xa hơn, và ngày đó hình như bác tài xế nào cũng giàu cả.
Tốt nghiệp THPT, Mạnh thi đỗ vào Trường ĐH Giao thông vận tải. Lúc này mục tiêu nghề nghiệp của em không còn là nghề lái xe nữa, mà là học quản trị kinh doanh. Thế nhưng điểm dừng nghề nghiệp của Mạnh cho đến nay lại là nghề kiểm toán. Nói thêm về nghề nghiệp, Mạnh cho biết, đã làm việc tại công ty được hơn ba năm, công việc cũng khá tốt và ổn định. Tuy nhiên, tương lai phía trước còn dài, hơn nữa về sau còn lập gia đình, thay đổi chỗ ở, những yếu tố này đều có thể ảnh hưởng đến công việc, nên cũng không biết sẽ tiếp tục công việc đến khi nào. Đúc kết lại quá trình lập nghiệp đến thời điểm này, Mạnh cho rằng: “Nghề đã chọn mình, chứ mình không chọn nghề”.
Với câu chuyện này, nhiều bạn trẻ chắc hẳn sẽ rất băn khoăn và nản lòng về vấn đề hướng nghiệp cho bản thân. Nếu như cũng giống như trường hợp nói trên, thì có lẽ chẳng cần phải suy nghĩ hướng nghiệp làm gì. Như vậy, chỉ cần học hành chăm chỉ là sẽ có một tương lai tốt, nghề nghiệp ổn định...
Không có sự lựa chọn đúng 100%
Nêu quan điểm về chủ đề “Nghề chọn mình hay mình chọn nghề”, chuyên gia tư vấn hướng nghiệp Hồ Phượng Hoàng (ĐH RMIT) đưa ra giả định: Nghề nghiệp không thay đổi, và mỗi người chỉ có một nghề đúng với họ trong suốt cuộc đời; Một ai đó có toàn quyền kiểm soát được việc lựa chọn nghề yêu thích và phù hợp với họ. Tuy nhiên, thực tế thị trường lao động lại cho thấy: Nghề nghiệp là một cuộc hành trình gồm những công việc nối tiếp nhau, với nhiều người họ chỉ biết được công việc phù hợp với mình sau nhiều trải nghiệm, học hỏi, vấp ngã, va chạm... Trong rất nhiều trường hợp, khởi điểm trong ngành học của họ rất khác với kết quả cuối cùng của họ là nghề nghiệp.
Khi một người tìm hiểu để lựa chọn nghề nghiệp họ sẽ bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như: Hoàn cảnh gia đình, sự mong đợi của cha mẹ, trào lưu của xã hội, nền kinh tế quốc gia... Do đó, sẽ rất đúng trong trường hợp này, để nói rằng họ không có quyền kiểm soát trong việc lựa chọn nghề nghiệp họ yêu thích.
Từ những phân tích này, chuyên gia Hồ Phượng Hoàng cho rằng, nên nhìn về việc lựa chọn nghề nghiệp một cách rộng mở hơn. Cụ thể: Không có sự lựa chọn nào đúng 100%, thay vào đó, chỉ có sự lựa chọn phù hợp nhất với bản thân trong thời điểm nào đó trong cuộc sống. Sau khi đã thử sức và trải nghiệm nếu thấy không phù hợp, thì vẫn có thể tìm một công việc mới phù hợp hơn. Sẽ rất vô lý để dồn ép bản thân phải có một đáp án vĩnh viễn cho một câu hỏi rất khó trả lời.
Ngày nay, sự phát triển của xã hội, có rất nhiều công việc mới được tạo ra với nhiều tên gọi khác nhau. Thay vì tập trung vào “tên nghề”, hãy chú trọng vào những kỹ năng nghề đó đòi hỏi, rồi kết nối chúng với những kỹ năng sẵn có của mình, nếu có hơn 70% sự phù hợp, thì đó có thể là công việc đáng được dấn thân thử sức.