Sử dụng tư liệu dạy học điện tử nâng cao chất lượng dạy Hóa học

GD&TĐ - Trong dạy học Hóa học có nhiều khái niệm khó, trừu tượng, nhiều phản ứng xảy ra quá nhanh hoặc quá chậm, một số thí nghiệm độc hại và nguy hiểm,... Do đó, việc tăng cường sử dụng các phương tiện trực quan trong dạy học là vô cùng cần thiết.

Cô Nguyễn Thị Thu
Cô Nguyễn Thị Thu

Đưa ra yêu cầu này, cô Nguyễn Thị Thu - giáo viên Trường THPT Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) - cho rằng, trong các phương tiện trực quan, bên cạnh thí nghiệm thực hành cần có sự hỗ trợ của tư liệu dạy học điện tử.

Theo cô Thu, tư liệu dạy học điện tử có thể mô hình hóa các khái niệm, quá trình phản ứng và các hiện tượng thí nghiệm thông qua sử dụng phim thí nghiệm, mô phỏng, hình ảnh, ... giúp học học sinh dễ dàng hình dung các hiện tượng xảy ra trong thực tế, đồng thời tiết kiệm được thời gian trên lớp, tăng hứng thú học tập.

Để đạt hiệu quả cao, giáo viên cần có một nguồn tư liệu dạy học điện tử hoá học phong phú, chính xác, khoa học và sử dụng phù hợp với mục tiêu, phương pháp dạy học và đối tượng học tập.

Nhận định được vai trò quan trọng của việc xây dựng nguồn tư liệu dạy học điện tử với môn Hóa học, cô Thu đã xây dựng hệ thống tư liệu (dưới dạng web) theo từng mục của bài dựa trên cấu trúc sách giáo khoa hóa học 11 nâng cao. Đồng thời, phân tích nguyên tắc lựa chọn phương pháp dạy học cho một số tư liệu, từ đó khái quát thành nguyên tắc chung lựa chọn phương pháp dạy học phù hợp với tư liệu dạy học điện tử. Đề xuất hệ thống phương pháp dạy học sử dụng thư viện tư liệu điện tử theo hướng dạy học tích cực.

Cấu trúc đĩa tư liệu dạy học điện tử

Chia sẻ về cấu trúc đĩa tư liệu dạy học điện tử, cô Nguyễn Thị Thu cho biết: Đĩa CD tư liệu dạy học điện tử phần nitơ và hợp chất của nitơ hóa học lớp 11 nâng cao gồm có 5 bài trong chương 2 - Nhóm nitơ, cụ thể là từ bài 9 đến bài 13. Các tư liệu được đánh số thứ tự theo từng bài, được sắp xếp theo từng bài, từng mục của bài.

Sử dụng đĩa CD rất đơn giản, bạn chỉ cần cho đĩa CD vào máy tính, kích đúp chuột trái vào biểu tượng (icon) TLDTHH 11, màn hình máy tính sẽ hiện ra trang chủ của tư liệu dạy học điện tử.

Trang chủ của tư liệu điện tử
Trang chủ của tư liệu điện tử 

Kích chuột vào một chương bất kì, sẽ hiện ra một trang mới bao gồm các bài trong chương, bố trí theo chiều dọc phía bên trái của trang.

Chương 2 : Nhóm nitơ – Tư liệu điện tử
Chương 2 : Nhóm nitơ – Tư liệu điện tử 

Muốn truy cập vào từng bài, giáo viên kích chuột vào icon của bài đó. Ví dụ: Khi dạy bài  10 “Nitơ”, giáo viên kích chuột vào icon bài 10, lúc đó sẽ hiện ra trang mới với đầy đủ đề mục đơn vị kiến thức cần nắm được của bài 10.

Bài 10 : Nitơ - Tư liệu điện tử
Bài 10 : Nitơ  - Tư liệu điện tử 

Khi dạy phần tính chất vật lí, giáo viên kích chuột vào mục II - Tính chất Vật lí.  

Bài 10, mục II : Tính chất vật lí - Tư liệu điện tử
Bài 10, mục II : Tính chất vật lí  - Tư liệu điện tử 

Để biết được màu sắc, tính tan của nitơ, kích chuột vào tư liệu 10.2: Điều chế và thử tính chất của nitơ.

Điều chế và thử tính chất của nitơ - Tư liệu điện tử
Điều chế và thử tính chất của nitơ - Tư liệu điện tử         

Sau khi cho HS quan sát thí nghiệm thử tính chất của nitơ, giáo viên có thể ấn các nút tương ứng để trở lại bài 10, trở về trang chủ hoặc để thoát khỏi chương trình. Khi dạy đến các mục khác của bài hoặc dạy các bài khác, giáo viên làm thao tác tương tự như ví dụ đã lấy ở trên.  

Sử dụng tư liệu điện tử nâng cao hiệu quả dạy học

Cô Nguyễn Thị Thu chia sẻ kinh nghiệm cụ thể về việc sử dụng tư liệu điện tử phần nitơ và hợp chất của nitơ để nâng cao hiệu quả dạy học theo hướng tích cực - nội dung “Nitơ tác dụng với oxi”.

Theo đó, với nội dung này, giáo viên cho học sinh xem phim thí nghiệm nitơ tác dụng với oxi ; yêu cầu học sinh quan sát, nêu hiện tượng và viết phương trình phản ứng. Học sinh quan sát hiện tượng (khi có tia lửa điện thì nitơ và oxi tác dụng với nhau, ban đầu tạo khí không màu sau đó thấy khí dần chuyển sang màu nâu nhạt), viết phương trình phản ứng.   

Giáo viên yêu cầu hoc sinh xác định số oxi hóa của nitơ trước và sau phản ứng rồi cho biết vai trò của nitơ trong phản ứng.

Sau khi học sinh trả lời, giáo viên giới thiệu: khí NO sinh ra kém bền nên tác dụng với oxi trong không khí tạo thành NO2 có màu nâu đỏ. Sau đó, nêu vấn đề: Nitơ với oxi luôn tồn tại cùng nhau trong tự nhiên, vậy trong tự nhiên 2 khí này có phản ứng với nhau không? Nếu có thì xảy ra ở điều kiện nào? Hướng dẫn, điều khiển học sinh giải quyết vấn đề; yêu cầu học sinh thảo luận theo nhóm.

Các nhóm học sinh thảo luận và trả lời: Ở điều kiện thường, nitơ với oxi vẫn luôn tồn tại cùng nhau trong tự nhiên. Khi có tia lửa điện, tức là khi trời mưa có sấm sét thì 2 khí này mới tác dụng với nhau tạo thành khí NO.

Giáo viên hướng dẫn học sinh kết luận lại vấn đề, yêu cầu học sinh nêu ứng dụng của phản ứng trên. 

Học sinh kết luận: Khi có tia lửa điện thì nitơ tác dụng với oxi tạo thành khí NO không màu, ngay sau đó khí này chuyển thành khí màu nâu đỏ. Phản ứng này góp phần giải thích vì sao sau cơn mưa cây cối phát triển xanh tốt...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ