Ngày 10/5, Trường Đại học Luật TPHCM phối hợp với Trường Đại học Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội và Trường Đại học Ngoại thương tổ chức hội thảo quốc tế “Thị trường carbon: Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị cho Việt Nam”.
GS.TS. Đỗ Văn Đại – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TPHCM nhấn mạnh, biến đổi khí hậu là thách thức mang tính toàn cầu. Một trong những giải pháp trọng tâm đang được các quốc gia thúc đẩy chính là phát triển thị trường carbon.
Ông cho biết, thị trường carbon đã được định hình rõ nét từ Nghị định thư Kyoto năm 1997 và hiện nay nhiều quốc gia đã tích hợp cơ chế này vào khung pháp lý quốc gia.
Việt Nam cũng đã thể hiện quyết tâm mạnh mẽ thông qua Luật Bảo vệ môi trường 2020 và Nghị định số 06/2022/NĐ-CP, định hướng thử nghiệm vận hành thị trường carbon từ năm 2025.
Tuy nhiên, do tính mới và phức tạp của lĩnh vực này, Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm quốc tế để xây dựng khung pháp lý hiệu quả.

Đồng quan điểm, PGS.TS. Nguyễn Hoàng Anh – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định tầm quan trọng của việc phát triển thị trường carbon tại Việt Nam trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn biến nghiêm trọng.
Theo đó, cộng đồng nghiên cứu tiếp tục quan tâm, đào sâu vấn đề này từ nhiều góc độ để góp phần hoàn thiện chính sách và thể chế pháp lý phù hợp.
Hội thảo diễn ra trong 5 phiên làm việc, quy tụ những tham luận xuất sắc được lựa chọn từ hơn 200 đề xuất gửi đến Ban tổ chức.
Các chủ đề được trình bày bao quát từ kinh nghiệm quốc tế đến các giải pháp đề xuất cho Việt Nam, phản ánh sự quan tâm sâu sắc của giới học thuật và cộng đồng doanh nghiệp đối với thị trường carbon.

Đại diện nhóm nghiên cứu từ Đại học James Cook (Australia), TS Nguyễn Chinh Quang trình bày tham luận phân tích lợi thế và hạn chế của hai công cụ chính: thị trường carbon (ETS) và thuế carbon, cũng như khả năng áp dụng trong điều kiện kinh tế - xã hội và năng lực thể chế của Việt Nam.
Qua cách tiếp cận so sánh pháp lý với các mô hình của Liên minh châu Âu và Trung Quốc, nghiên cứu đề xuất Việt Nam nên ưu tiên thiết lập và vận hành ổn định ETS trước khi triển khai thuế carbon.
Theo TS Quang, ba yếu tố then chốt để đảm bảo hiệu quả hoạt động của ETS gồm: mức giới hạn trợ cấp, phương thức phân bổ và cơ chế ổn định giá. Ngoài ra, cần có khung pháp lý chặt chẽ và hạ tầng thị trường đồng bộ nhằm bảo đảm sự minh bạch và hiệu quả.

Ở góc nhìn doanh nghiệp, bà Lưu Thị Thanh Mẫu – Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, CEO Phúc Khang Corporation nêu rõ những vấn đề pháp lý đang đặt ra với hàng hóa carbon tại Việt Nam.
Bà cho rằng pháp luật cần xác định rõ tín chỉ carbon (carbon credit, carbon allowance, carbon offset) là tài sản có giá trị có thể giao dịch, với quyền sở hữu, chuyển nhượng và được bảo vệ bởi hệ thống pháp luật. Đồng thời, cần xây dựng cơ chế chứng nhận, đăng ký và lưu trữ tín chỉ carbon trên hệ thống dữ liệu quốc gia, từ đó giảm thiểu rủi ro pháp lý và chi phí giao dịch.
Bà Mẫu cũng đề xuất rà soát và bổ sung các quy định pháp luật hiện hành, bao gồm cả Luật Bảo vệ môi trường, để hướng tới một khung pháp lý đồng bộ, rõ ràng cho thị trường carbon.
Bổ sung góc nhìn từ lĩnh vực carbon rừng, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Hà – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Sáng tạo, Trường Đại học Ngoại thương trình bày nghiên cứu về khả năng phát triển thị trường carbon rừng tại Việt Nam dựa trên 4 nguyên tắc thiết kế toàn cầu: quản trị toàn diện, tăng cường giám sát – kiểm kê, giảm chi phí khởi tạo và linh hoạt theo điều kiện địa phương.
Chuyên gia này đề xuất một loạt giải pháp thực tiễn bao gồm: hoàn thiện khung pháp lý, xây dựng hệ thống đo lường – báo cáo – xác minh hiện đại, nâng cao nhận thức và tăng cường hỗ trợ tài chính – kỹ thuật cho cộng đồng địa phương.