Cần hiểu đúng về sơ đồ tư duy
Tuy nhiên, có rất nhiều trường hợp áp dụng sơ đồ tư duy một cách máy móc, chỉ sao chép bài ghi thuần túy, dẫn đến không phát huy được hiệu quả giảng dạy. Bàn về vấn đề này, các chuyên gia về phần mềm và phương pháp sư phạm sẽ cho chúng ta những góc nhìn mới.
Sơ đồ tư duy (mind map) là một công cụ tổ chức tư duy nền tảng, do Tony Buzan (sinh năm 1942), chuyên gia hàng đầu thế giới về nghiên cứu hoạt động não bộ sáng tạo ra. Phương pháp tư duy của ông được trên 500 tập đoàn, đơn vị trường học khắp thế giới tiếp nhận thành chương trình chính thức, với hơn 250 triệu người áp dụng.
Tony Buzan, cha đẻ của sơ đồ tư duy |
Theo ThS Lê Viết Chung - giảng viên Khoa Tin học (ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng), đây là phương pháp đơn giản nhất, giúp chuyển tải thông tin vào não bộ rồi tái hiện thông tin ở bên ngoài. Có thể xem sơ đồ tư duy là phương tiện ghi chép đầy sáng tạo và rất hiệu quả.
Tuy nhiên, ThS Nguyễn Thành Nam - chuyên gia tư vấn về phương pháp sư phạm ứng dụng tại TPHCM - lại bày tỏ quan ngại về quá trình áp dụng sơ đồ tư duy trong giảng dạy hiện nay. “Qua đánh giá chuyên môn, nhiều người chưa hiểu đúng và vận dụng sai sơ đồ tư duy. Người thực hiện sơ đồ còn rất máy móc, ghi theo kiểu “học vẹt”, làm cho có, mà không hề thể hiện rõ được trọng tâm, sự liên kết kiến thức hay vấn đề nổi bật”, chuyên gia này nói.
Ông Nam cho rằng, nhiều giáo viên và học sinh đang tiếp cận sơ đồ tư duy như một phương tiện mang… tính thẩm mỹ trong giảng dạy. Thực chất, đây lại là một hình thức ghi chép sử dụng màu sắc, hình ảnh để mở rộng và đào sâu các ý tưởng. Kỹ thuật sơ đồ tư duy do Tony Buzan phát triển xuất phát từ cơ sở sinh lý thần kinh về quá trình tư duy: não trái đóng vai trò xử lý dữ liệu logic (con số, phép tính), não phải làm nhiệm vụ xử lý dữ liệu trực quan (hình ảnh, màu sắc).
Sơ đồ tư duy không chỉ cho thấy thông tin mà còn phản ánh cấu trúc tổng thể của một chủ đề và mức độ quan trọng của các thành phần riêng lẻ. Ví dụ, hoàn toàn có thể sử dụng sơ đồ tư duy để khái quát sự phát triển của nền văn học Việt Nam đương đại, với ba trường phái chính là lãng mạn, hiện thực và hiện thực xã hội chủ nghĩa. Mỗi trường phái chứa đựng những đặc điểm riêng biệt và được minh họa bằng những tác giả, tác phẩm tiêu biểu. Từ đó, sẽ giúp cho học sinh học môn Ngữ văn hình thành cách nhìn nhận vấn đề lý luận văn học thật tổng quát và liên kết được các ý tưởng với nhau.
ThS Nguyễn Thành Nam khẳng định: “Sơ đồ tư duy không phải là một sản phẩm mỹ thuật, để treo cho đẹp, làm cho có. Sơ đồ tư duy giúp người dạy và học tiết kiệm thời gian màt mò, chuyển tải tri thức. Đồng thời, nó rèn luyện khả năng nắm bắt và sáng tạo, tổ chức và phân loại. Học tập bằng sơ đồ tư duy là trải nghiệm khoa học nghiêm túc để tìm kiếm góc nhìn tổng thể nhanh nhất, đánh giá vấn đề chính xác nhất”.
Ngoài cách tạo sơ đồ tư duy trên giấy trắng, người học có thể thiết kế nó thông qua form chuẩn của những phần mềm miễn phí trên mạng. Hiện nay, phần mềm MindManager được sử dụng khá nhiều ở Việt Nam, nhưng chỉ chạy được hệ điều hành Microsoft Windows. Nếu không dùng hệ điều hành này, bạn có thể tải phần mềm mã nguồn mở FreeMind, dành cho nhiều hệ điều hành khác nhau như Windows, Mac và Linux. Ngoài ra, người học nên trải nghiệm thử những phần mềm ConceptDraw MINDMAP, Visual Mind, Inspirat Ion… để xem mình phù hợp với phương tiện nào.
Nắm vững nguyên tắc thiết kế và vận hành
ThS Lê Viết Chung không khuyến khích việc sử dụng sơ đồ tư duy tùy tiện. Theo ông, chỉ nên sử dụng phương tiện này để hỗ trợ dạy học kiến thức mới, củng cố kiến thức sau giờ học, hệ thống hóa bài vở ôn tập hoặc tự lập kế hoạch làm việc dài hạn…
Vị chuyên gia này cho rằng, khi bắt đầu hình thành sơ đồ tư duy, người thực hiện phải lấy hình ảnh chủ đề làm trung tâm, bởi vì hình ảnh có khả năng diễn đạt thay cho hàng nghìn từ khác nhau và giúp ta kích hoạt trí tưởng tượng. Ví dụ, chủ đề tình yêu có thể vẽ thành trái tim, chủ đề văn hóa một vùng địa lý có thể lấy biểu tượng là đặc điểm sắc dân, phong cảnh, hay vật dụng mang tính đại diện phổ quát. Môn Lịch sử, Sinh học là các bộ môn dễ làm sơ đồ tư duy nhất.
“Nên nhớ phải luôn sử dụng màu sắc để kích thích não bộ, song không được lạm dụng màu sắc gây lòe loẹt, mất trọng tâm. Đặc biệt, nối các nhánh thông tin chính (cấp một) đến hình ảnh trung tâm, nối các nhánh cấp hai đến các nhánh cấp một… bằng các đường kẻ, đường cong có màu sắc khác biệt. Mỗi từ/ảnh/ý cần đứng độc lập và nằm trên đường kẻ, đường cong. Không được ghi chép dong dài, nhất thiết phải dùng từ khóa”, ThS Nguyễn Thành Nam góp ý.
Tuy nhiên, theo ThS Chung, sơ đồ tư duy vẫn có nhược điểm nhất định, nên người dùng phải tự tìm cách khắc phục theo hướng có lợi cho mình, hoặc sử dụng kết hợp đa dạng nhiều phương pháp học tập.
Sơ đồ tư duy rất khó chỉnh sửa, mỗi lần chỉnh sửa sẽ tốn thời gian, chi phí. Sơ đồ tư duy mang tính cá nhân hóa cao độ, cách người học tự dựng có thể dễ tiếp thu hơn cách giáo viên dựng, vì tư duy mỗi người khác biệt nhau.
“Khi không nắm rõ lý thuyết dựng sơ đồ tư duy, người thực hiện rất dễ “thấy thông tin nào cũng là quan trọng”, rồi họ tha hồ ghi chép, làm mất trật tự, ý nghĩa của bài học”, ThS Nguyễn Thành Nam lưu ý.
Có nhiều cách tổ chức thông tin theo sơ đồ chuỗi, mạng, thứ bậc…, giáo viên chỉ cần nêu ra câu hỏi triển khai ý, sau đó để thành viên trong nhóm tự thực hiện, trên tinh thần khuyến khích việc sử dụng tối đa các ký hiệu, biểu tượng, key word, hình ảnh. Đặc biệt, các ký tự, biểu tượng ngộ nghĩnh, độc đáo và hài hước nên được ưu tiên lựa chọn.
Khi sử dụng sơ đồ tư duy kết hợp với PowerPoint sẽ phát huy rất nhiều lợi thế. Người vẽ sơ đồ không cần phải viết nhiều, chỉ cần tạo ký hiệu sau đó chèn clip, gắn link thêm vào. Tuy nhiên, sơ đồ tư duy cũng chỉ là một phương tiện chuyển tải tri thức, hỗ trợ việc dạy và học, không nên lạm dụng nó mọi lúc để thay thế cho tất cả các phương thức giảng dạy và phương pháp tư duy linh hoạt khác.
Điều cần lưu ý cuối cùng là sơ đồ tư duy không hề có bất kỳ khuôn mẫu nào, mỗi cá nhân, mỗi nhóm có thể tự sáng tạo ra hình thức sơ đồ sao cho phù hợp với nội dung mà tư duy mong muốn biểu đạt. Sử dụng sơ đồ tư duy chỉ hệ thống hóa được dung lượng kiến thức bao phủ theo bề rộng, đem đến cái nhìn toàn cảnh. Người học vẫn phải tiến hành đọc hiểu, nghiên cứu, khảo sát tài liệu, sách vở để bổ sung thêm kiến thức và nhận định có chiều sâu.