Nữ sinh An ninh chia sẻ phương pháp học tốt môn Địa lý

GD&TĐ -Nguyễn Thị Cẩm Ly – sinh viên năm thứ Nhất, Học viện An ninh Nhân dân là một trong số những sinh viên tiêu biểu được tuyên dương học sinh, sinh viên Dân tộc thiểu số tiêu biểu. Ly đã từng đạt giải Khuyến khích môn Địa lý. Cô gái trẻ đã chia sẻ những kinh nghiệm để học tốt môn học này.

Nguyễn Thị Cẩm Ly – sinh viên năm thứ Nhất, Học viện An ninh Nhân dân.
Nguyễn Thị Cẩm Ly – sinh viên năm thứ Nhất, Học viện An ninh Nhân dân.

Quan trọng nhất là nghe giảng!

Quan trọng nhất đối với việc học đó là trên lớp cần chú ý nghe giảng, ghi chép nhanh những nội dung cô giáo giảng, những kiến thức ngoài sách giáo khoa cô bổ sung để giải thích thêm về các hiện tượng tự nhiên, đó chính là cơ sở để học sinh hiểu sâu hơn vấn đề và dễ dàng hơn trong việc tự học ở nhà.

Không học thuộc lòng lý thuyết

Học lý thuyết không nên quá chú ý đến việc phải học thuộc lòng hết tất cả mọi kiến thức, như vậy rất dễ quên, phương pháp hiệu quả nhất là phân tích vấn đề bằng sơ đồ tư duy.

Học theo dạng biểu đồ

Là một môn học thuộc ban xã hội nhưng Địa lý khác với Ngữ văn hay Lịch sử ở chỗ phải nhớ các công thức, các dạng biểu đồ, nắm rõ phương pháp làm các bài tập. Vì vậy, ngoài thời gian học lý thuyết, việc dành thời gian luyện các dạng bài, các câu hỏi cũng rất quan trọng.

Phân bổ thời gian hợp lý

Không riêng gì môn Địa mà là tất cả các môn học khác, khi làm bài chúng ta cũng nên phân bổ thời gian hợp lý, tránh việc quá tập trung vào một câu hỏi, không còn thời gian làm những câu còn lại.

Quan trọng nhất là không được bỏ sót câu hỏi nào, một bài làm không hoàn thiện sẽ khó đạt được kết quả cao. Việc trình bày sạch và câu từ mạch lạc cũng giúp chúng ta ghi điểm khi đánh giá.

Tránh học tủ

Khi học Địa để làm bài trắc nghiệm, việc học ý chính và hiểu được bản chất của các quy luật, các hiện tượng là quan trọng nhất. Tránh việc “học tủ” vì đề trắc nghiệm kiến thức thường bao quát tất cả các nội dung trong chương trình, “học tủ” sẽ không thể đạt được kết quả cao.

Phải chú ý các biểu đồ, bản đồ trong sách giáo khoa vì đề rất có thể “đánh trúng” những nội dung mà chúng ta thường bỏ qua đó.

Tận dụng “vũ khí” được mang vào phòng thi

Tận dụng tối đa “vũ khí” được mang vào phòng thi, đó chính là Atlat Địa lý Việt Nam. Trong quá trình ôn tập, nên kết hợp học trong sách giáo khoa và đọc Atlat để ghi nhớ kiến thức được thể hiện trong Atlat, từ đó giúp chúng ta tránh được sự lúng túng, khi làm bài không biết phải khai thác kiến thức ở trang nào trong Atlat.

Ôn kĩ các câu hỏi bài tập, thành thạo kĩ năng nhận biết các dạng biểu đồ, kĩ năng xử lí số liệu, so sánh số liệu, tránh bị mất điểm đáng tiếc ở những câu hỏi này.

Khi làm bài thi, nên làm những câu hỏi dễ trước, những câu khó sau. Việc phân bố thời gian hợp lý sẽ giúp ta có một tâm lý vững vàng, hiệu quả làm bài thi cũng cao hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nỗi buồn xao xuyến trong 'Khoảng cách'

Nỗi buồn xao xuyến trong 'Khoảng cách'

GD&TĐ - Bài thơ của tác giả Chu Hồng Tiến để lại trong lòng người đọc cảm giác buồn xao xuyến khi nhận ra giữa người với người luôn luôn có 'khoảng cách'...