Học Văn với sơ đồ tư duy giúp các em thỏa sức sáng tạo

GD&TĐ - Với sơ đồ tư duy từ vựng các em có thể thỏa sức sáng tạo, có thể lập nên một hoặc thậm chí nhiều bài văn riêng biệt của mình mà không hề giống với các bạn khác.

Học Văn với sơ đồ tư duy giúp các em thỏa sức sáng tạo

Bằng cách lựa chọn các trường từ vựng, các từ ngữ then chốt khác nhau, sắp xếp chúng với thứ tự khác nhau để lập thành bài văn của mình. Hãy tưởng tượng để đến một địa điểm nào đó đã được định sẵn sẽ có rất nhiều con đường để chúng ta lựa chọn. Sơ đồ từ vựng cũng giống như một chiếc bản đồ vạch ra cho chúng ta những con đường khác nhau để đi đến đích. Nó cho phép chúng ta vạch ra các ý tưởng, suy nghĩ một cách đầy đủ nhất về một bài văn trước khi đặt bút viết.

Xây dựng đoạn văn miêu tả theo sơ đồ tư duy từ vựng

Sơ đồ tư duy từ vựng là một tập hợp gồm nhiều từ ngữ thuộc các trường từ vựng khác nhau dùng để diễn tả một sự vật hiện tượng nào đó được sắp xếp theo các hàng và cột. Tuy nhiên sơ đồ tư duy từ vựng không chỉ có duy nhất một sơ đồ tư duy mà từ một sơ đồ tư duy ban đầu ta có thể tạo ra nhiều sơ đồ khác nhau bằng cách thay đổi vị trí thứ tự của các trường từ vựng, thêm hoặc bớt các trường từ vựng cũng như chọn lọc, sắp xếp các từ ngữ trong trường từ vựng của sơ đồ ban đầu để tạo thành hàng loạt các sơ đồ khác nhau. Với sơ đồ từ vựng, người ta có thể tìm ra gần như vô hạn số lượng các ý tưởng. Điều này biến phương pháp này trở thành công cụ mạnh để soạn các bài viết. Sau đó tùy theo các trường từ vựng thì các câu hay đoạn văn sẽ được triển khai rộng ra.

Sơ đồ tư duy từ vựng giống như một dàn ý giúp các em học tốt hơn. Từ đó các em viết được những câu văn hay hơn, sâu sắc hơn...

Nâng cao vốn từ cho học sinh

Rèn luyện kĩ năng sử dụng ngôn ngữ trong văn miêu tả cho học sinh tiểu học là một trong những vấn đề cần thiết trong dạy học môn văn. Bởi nếu không thì học sinh sử dụng ngôn ngữ tùy tiện, tùy hứng dẫn đến chất lượng bài văn kém. Sơ đồ tư duy từ vựng giúp đáp ứng yêu cầu cá thể hóa cao đối với văn miêu tả.

Do khả năng tư duy của học sinh còn hạn chế, óc quan sát, trí tưởng tượng không phong phú lại chưa chịu khó rèn luyện, nên đa số các em chỉ biết trình bày đoạn văn một cách hạn hẹp theo nội dung đã gợi ý. Từ đó bài văn nghèo nàn về ý, gò ép, thiếu sự sáng tạo. Ở sơ đồ từ vựng, các em được thể hiện mình, được viết, sáng tạo theo cách nghĩ của mình - sao cho phù hợp với tâm lý của các em. Điều này làm tăng khả năng sáng tạo, tạo ra những bài văn mang màu sắc cá thể của các em hơn. Thông qua sơ đồ tư duy từ vựng các em sẽ có cơ hội thể hiện cá tính riêng của mình, từ đó cũng đáp ứng được yêu cầu cá thể hóa cao đối với văn miêu tả.

Sơ đồ từ vựng còn giúp các em giải tỏa áp lực trong giờ học văn, khơi dậy năng khiếu viết văn, phát triển khả năng tư duy, tạo cho các em thói quen tích cực suy nghĩ và cảm giác tự tin khi viết văn, đồng thời mang đến cho các em niềm vui cùng sự hứng thú.

Khả năng vận dụng vào thực tiễn

Mọi giáo viên đều có thể dễ dàng sử dụng sơ đồ từ vựng trong quá trình hướng dẫn học sinh làm văn cũng như mọi học sinh đều có thể sử dụng sơ đồ từ vựng. Đặc biệt đối với những học sinh trung bình, các em thường gặp vấn đề khó khăn trong việc hình thành ý tưởng cho một bài văn, khó khăn khi tiến hành viết câu, viết đoạn thì sơ đồ từ vựng sẽ cung cấp cho các em ý tưởng, nhiều lựa chọn về từ, câu cho phù hợp cũng như cách tìm ý và sắp xếp ý trước khi làm bài. Đối với mọi bài văn chúng ta đều có thể xây dựng thành các sơ đồ.

Sơ đồ tư duy từ vựng rất phù hợp khi áp dụng vào giảng dạy môn Tập làm văn vì giúp giảm tải nội dung kiến thức cần nhớ. Từ những bài văn dài trở thành những từ ngữ cô đọng, súc tích giúp học sinh dễ hiểu, dễ nhớ, dễ học.

Biện pháp thực hiện

Hướng dẫn học sinh xây dựng một sơ đồ từ vựng

Tiến hành làm theo các bước: lập sơ đồ tư duy từ vựng, chọn trình tự miêu tả, hoàn thành sơ đồ, viết đoạn.

Hướng dẫn học sinh cách quan sát

Trong văn miêu tả, học sinh có thể tả theo trình tự không gian (quan sát toàn bộ trước rồi đến quan sát từng bộ phận, tả từ xa đến gần, từ ngoài vào trong, từ trái qua phải,...) hay tả theo trình tự thời gian (cái gì xảy ra trước thì miêu tả trước cái gì xảy ra sau thì miêu tả sau). Đối với sơ đồ từ vựng ngoài hai trình tự miêu tả trên học sinh có thể tả theo trình tự tâm lí tức là khi quan sát học sinh thấy những đặc điểm nào riêng, nổi bật nhất, thu hút và gây cảm xúc mạnh nhất đến bản thân thì quan sát trước, tả trước, các bộ phận khác tả sau.

Hướng dẫn học sinh cách xây dựng câu văn, cách diễn đạt từ các sơ đồ mô hình đã được lập.

Từ các từ ngữ có được sau khi lập sơ đồ giáo viên hướng dẫn học sinh viết các câu đơn (chỉ có một cụm chủ ngữ, vị ngữ), sau đó hướng dẫn học sinh tập mở rộng câu bằng cách thêm các thành phần phụ cho câu như: trạng ngữ, bổ ngữ, động từ, tính từ, từ láy, từ tượng hình, từ tượng thanh,… Sử dụng các hình ảnh, chi tiết sinh động biểu cảm, các biện pháp nghệ thuật như: nhân hoá, so sánh, điệp từ, điệp ngữ, hoán dụ, phóng đại,… làm cho cách diễn đạt câu văn, đoạn văn, thêm cụ thể, sống động giúp người đọc như cùng cảm nhận với mình

Hướng dẫn học sinh cách liên kết chặt chẽ về ý của các đoạn văn

Giữa các câu văn có sự liền mạch, có quan hệ về ý với nhau, không rời rạc, lộn xộn. Giáo viên có thể hướng dẫn học sinh sử dụng vài biện pháp liên kết đơn giản mà các em đã được học trong chương trình như sau:

Liên kết các câu trong bài bằng cách lặp từ ngữ. Ví dụ: “Những đồi cát vàng trải dài trong nắng. Ở những đồi cát ấy chúng tôi thường chơi trượt cát rất vui vẻ”.

Liên kết các câu trong bài bằng cách thay thế từ ngữ. Ví dụ: “Những đàn ngỗng bơi chầm chậm, vừa bơi vừa rỉa lông, rỉa cánh. Chúng có bộ lông trắng muốt”.

Liên kết các câu trong bài bằng từ ngữ nối. Ta có thể liên kết các câu ấy bằng một số từ ngữ có tác dụng chuyển tiếp như: còn, nhưng, tuy nhiên, thậm chí, ngoài ra, cuối cùng, mặt khác, trái lại, đồng thời, đến khi… Ví dụ: “Nhiều bạn chuyện trò tíu tít còn một số bạn thì chăm chú ôn lại bài học”.

Nối các vế câu ghép bằng quan hệ từ. Ví dụ: “Tuy cổng trường rất nhỏ nhưng được làm bằng các thanh sắt chắc chắn tựa như một dũng sĩ nhỏ tuổi đang bảo vệ ngôi trường thân yêu của mình”.

Giáo viên cần lưu ý cho học sinh biết: Khi miêu tả, yếu tố quan sát là rất quan trọng. Mỗi cảnh vật đều có những đặc điểm riêng. Các em nên chọn lựa những từ ngữ thích hợp nhất, miêu tả phải ngắn gọn mà chân thực, sinh động về cảnh mà mình chọn tả.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ