Với nội dung khó như văn bản kịch trong môn Ngữ văn, theo cô Vũ Thành Huyền - Giáo viên Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định) - hoạt động theo nhóm là phương pháp dạy học phù hợp để giáo viên có thể làm hấp dẫn nội dung này.
Lựa chọn nội dung lớn để tiến hành hoạt dộng theo nhóm
Nói về tác dụng của dạy học theo nhóm, cô Huyền cho biết, các học sinh được phân công vào các nhóm học tập phù hợp, được giao những nhiệm vụ học tập phù hợp. Học sinh thi hành các nhiệm vụ mà không cần sự giám sát trực tiếp, liên tục của giáo viên.
Có những nội dung học sinh không thể làm việc độc lập thì làm việc theo nhóm sẽ giúp các em hợp tác làm việc và đạt hiệu quả cao. Dạy học theo nhóm có tác dụng rất tốt đối với người học.
Với việc học này, học sinh ý thức được về khả năng của mình, nâng cao niềm tin vào việc học, ứng dụng xử lí hợp lí các tình huống trong học tập một cách trực tiếp. Hơn nữa, việc học tập theo nhóm giúp các em tự tin hơn trong học tập, trách được mặc cảm tự ti, lo âu vì sự thất bại...
Cô Huyền cho biết, nên lựa chọn nội dung lớn để tiến hành hoạt dộng theo nhóm. Việc khai thác xung đột kịch, phân tích diễn biến hành động kịch đòi hỏi người học phải biết xâu chuỗi, sắp xếp, tổng hợp các biến cố để tìm hiểu.
Việc làm này sẽ khó khăn nếu chỉ là hoạt động cá nhân, lại mất thời gian trong tiết học. Do đó, hoạt động theo nhóm sẽ khắc phục được khó khăn này
Khi tiến hành chia nhóm, giáo viên có thể sử dụng theo các cách: Thứ nhất, chia học sinh trong lớp theo nhóm hứng thú. Tức là, các em có sở thích hoặc năng lực về nội dung học tập nào thì các em sẽ tự lựa chọn nội dung học tập đó.
Thứ hai, chia học sinh trong lớp theo nhóm học phụ thuộc vào yêu cầu của bài học. Thứ ba, chia học sinh trong lớp theo nhóm phụ thuộc vào trình độ của học sinh, sao cho trong nhóm học tập có các học sinh thuộc trình độ từ cao xuống thấp….
Giáo viên sẽ cắt cử đại diện nhóm, hướng dẫn các em xây dựng các câu hỏi, công việc để hoàn thành.
Sử dụng phương pháp dạy học theo nhóm dạy tác phẩm Vĩnh biệt Cửu trùng đài
Khi tìm hiểu xung đột kịch của Vĩnh biệt Cửu trùng đài, giáo viên chia nhóm theo hứng thú và năng lực. Nhóm năng lực tưởng tượng, liên tưởng tốt hơn sẽ tìm hiểu xung đột bên trong nhân vật; nhóm còn lại thiên về năng lực tư duy tìm hiểu xung đột ngoài nhân vật
Nhóm 1: Tìm hiểu xung đột thứ nhất - Xung đột giữa nhân dân lao động khốn khổ lầm than và bọn hôn quân bạo chúa.
Nhóm 2: Tìm hiểu xung đột còn lại theo bảng công việc sau:
STT | Các bình diện | Nội dung |
1. | Mâu thuẫn | |
2. | Biểu hiên | |
3. | Diễn biến | |
4 | Kết thúc | |
5 | Ý nghĩa |
Kết quả làm việc: Nhóm 1
STT | Các bình diện | Nội dung |
1. | Mâu thuẫn | Giữa nhân dân lao động khốn khổ và tầng lớp thống trị có đời sống truỵ lạc |
2. | Biểu hiên | Loạn do nhân dân đói kém nổi lên, do kiêu binh nổi loạn. Biến cố : Vua Lê Tương Dực bị giết, Vũ Như Tô đang bị truy bắt, đài Cửu trùng bị đốt. Những sự việc khủng khiếp này khiến Đan Thiềm khiếp sợ, Như Tô lo lắng, đau đớn. |
3. | Diễn biến | Mâu thuẫn hình thành từ những hồi trước, đến hồi cuối là lúc tức nước vỡ bờ, dân nổi can qua , mâu thuẫn phát triển đến cao trào, được giải quyết bằng những sự kiện đẫm máu. |
4 | Kết thúc | Bi thảm, dữ dội |
5 | Ý nghĩa | - Là nền tảng để giải quyết xung đột thứ hai - Lột tả chân thực bức tranh hiện thực lịch sử trong một giai đoạn nhiều biến động tại Thăng Long vào khoảng năm 1526-1527 |
Nhóm 2:
STT | Các bình diện | Nội dung |
1 | Mâu thuẫn | Mâu thuẫn giữa quan niệm nghệ thuật cao siêu thuần túy muôn đời với lợi ích thiết thực của nhân dân |
2. | Biểu hiên | Qua sự đối lập giữa quan niệm của Như Tô về đài Cửu trùng và thái độ của nhân dân đối với Cửu rùng đài và người sáng tạo nên nó - Với VNT đó là tâm nguyện, sinh mạng mà vì nó ông chấp nhận làm cho bạo chúa, sẵn sàng phạt tội thợ thuyền, đánh liều mạng sống của mình để bảo vệ - Với dân chúng, đài là hiện thân của ăn chơi xa xỉ, tội ác, cũng như cha đẻ của nó- là kẻ thù của họ-> cần trị tội |
3. | Diễn biến | Mâu thuẫn đã âm ỉ từ trước, kết hợp với xung đột thứ nhất , nó được đẩy lên cao trào. Cái chết của Đan Thiềm, Vũ Như Tô, đài Cửu trùng bị đốt đã cho thấy sự căng thẳng, khốc liệt đó. |
4 | Kết thúc | Cửu Trùng bị đốt, Như Tô ra pháp trường, thế nhưng ông không bao giờ trả lời được câu hỏi: ta tội gì? Chết bởi quá đau đớn trước hiện thực nghiệt ngã. Do vậy mâu thuẫn này cho dù được giải quyết nhưng không triệt để. Còn đó câu hỏi của chính tác giả: Như Tô phải hay những kẻ giết Như Tô phải? … |
5 | Ý nghĩa | Cho thấy đó là mâu thuẫn muôn đời của nghệ thuật với đời sống, nó chỉ được giải quyết khi đời sống tinh thần được nâng lên, nhu cầu về cái đẹp được cải thiện |
Để linh hoạt, cô Huyền gợi ý, giáo viên có thể kết hợp với kĩ thuật dạy học khăn phủ bàn để đảm bảo học sinh được cọ xát với kiến thức đều nhau.