Trẻ cởi mở, tự tin giao tiếp
Trước kia, việc bố trí lớp học theo chủ đề tốn khá nhiều thời gian, công sức và kinh phí. Giờ đây, các góc lớp được cô Đỗ Thị Lan Hương - giáo viên lớp 4 tuổi, Trường Mầm non Đăk Rơ Ông (huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum) khéo léo trang trí theo hướng mở. Những góc vui chơi với đủ con vật, màu sắc, chữ cái… xếp gọn gàng để trẻ dễ nhìn, tìm thấy và sử dụng trong giờ “học thông qua chơi”.
Cô Lan Hương chia sẻ, đa số trẻ là người Xơ Đăng nên nhút nhát, ngại giao tiếp với giáo viên. Nếu giáo dục tập trung nhiều vào truyền tải lý thuyết thì trẻ khó ghi nhớ kiến thức, mau quên. Hai năm nay, ứng dụng giáo dục STEM giúp trẻ cởi mở và phát huy hết khả năng.
“Lợi ích của phương pháp STEM là áp dụng công nghệ thông tin vào giờ học nên rất tốt cho trẻ. Không những vậy, thông qua trải nghiệm nguyên vật liệu thiên nhiên, như hạt cà phê, lá cây, sỏi… giúp trẻ hiểu sản vật quê hương, đồ vật xung quanh, từ đó tạo sự say mê, hứng thú học tập”, cô Lan Hương tâm sự.
Cầm bảng chữ cái, con vật đầy màu sắc do cô giáo cắt vẽ tỉ mỉ, em Y Mai Anh (Trường Mầm non Đăk Rơ Ông) đọc to, rõ khi được giáo viên hỏi đến. Y Mai còn được chơi nhiều trò chơi, học chữ cái và biết phép tính đơn giản.
Với cô Nguyễn Thị Oanh - giáo viên Trường Mầm non Sơn Ca (xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy, Kon Tum), mỗi trẻ đều có sở thích, cách thể hiện khác nhau. Do đó, gia đình và giáo viên là những người dẫn dắt để trẻ bộc lộ hết khả năng.
Thay vì đọc chữ, cộng trừ bằng que tính, cô Oanh cho trẻ sử dụng các loại hạt, hình ảnh hoa quả, con vật nhiều sắc màu. Những đồ dùng tái chế, sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường… tạo cho trẻ sự gần gũi, niềm hứng khởi và yêu thích đến trường, khám phá. Dạy học ở huyện biên giới với trẻ chủ yếu là người dân tộc thiểu số nên cô Oanh không quên bố trí góc truyền thống với các loại trang phục, nhạc cụ giúp trẻ thấy yêu hơn nét văn hóa dân tộc.
Trẻ mầm non được khám phá, trải nghiệm thế giới xung quanh qua những chuyến đi thực tế. Ảnh: Dung Nguyễn |
Khám phá thế giới xung quanh
Những năm qua, Trường Mầm non Bình Minh (thị trấn Đăk Tô, huyện Đăk Tô, Kon Tum) luôn tạo điều kiện để giáo viên tham gia tập huấn, bồi dưỡng nhằm ứng dụng giáo dục STEM vào thực hiện chương trình giáo dục. Qua đó, giáo viên được trau dồi kinh nghiệm, kiến thức để áp dụng, tạo môi trường giáo dục phong phú, sáng tạo với nguyên vật liệu sẵn có giúp trẻ lĩnh hội kiến thức, kỹ năng đa dạng. Đồng thời cung cấp nhiều cơ hội cho trẻ trải nghiệm học tập, phát triển tư duy phản biện và sáng tạo.
“Giáo dục mầm non là bậc học đầu tiên đặt nền móng trong quá trình phát triển của trẻ. Do đó, ứng dụng giáo dục STEM, giáo viên sẽ tìm hiểu, nắm bắt sự hiểu biết của trẻ đến đâu để xây dựng nội dung dạy học phù hợp. Giáo viên là người hướng dẫn, gợi mở, trẻ sẽ tự khám phá, tìm hiểu và giải quyết vấn đề để tiếp thu kiến thức nhẹ nhàng, cốt lõi nhất”, cô Nguyễn Thị Ánh Tuyết - Hiệu trưởng Trường Mầm non Bình Minh nói và cho hay:
STEM rất đa dạng nên có nội dung phải đầu tư thiết bị cơ bản hoặc vĩ mô. Tuy nhiên có những hoạt động gắn liền với vật dụng tự làm hoặc tái chế. Bên cạnh trang thiết bị hiện đại được phân bổ, nhà trường và giáo viên chủ động làm đồ dùng, đồ chơi từ nguyên liệu tự nhiên hoặc tái chế. Từ đó tạo cảm giác thân thuộc, gần gũi và hứng thú cho trẻ mầm non.
Ngoài tạo điều kiện cho giáo viên nâng cao chuyên môn, từ năm học 2019 đến nay, Trường Mầm non Bình Minh thường xuyên tổ chức cho trẻ 5 tuổi đi tham quan các địa điểm văn hóa, siêu thị và giao lưu cùng trường lân cận. Do đó, từ bảng chữ cái hay con số trong tính toán khô khan bỗng chốc trở nên đầy màu sắc, sống động.
“Qua những chuyến tham quan địa điểm văn hóa, đơn vị bộ đội…, trẻ biết thêm về lịch sử Việt Nam và nét đẹp truyền thống dân tộc. Trẻ biết tự phục vụ, xếp hàng và tính toán… khi đi siêu thị. Sau Tết Nguyên đán 2024, đơn vị dự định tổ chức cho trẻ 5 tuổi tham quan Bảo tàng tỉnh Kon Tum, làng nghề truyền thống. Tất cả nhằm rèn luyện kỹ năng, tạo sự hứng thú, kích thích phát triển giác quan, tư duy sáng tạo và giải quyết vấn đề ở trẻ”, cô Tuyết chia sẻ.
Không chỉ thường xuyên trau dồi, học hỏi kinh nghiệm từ những đơn vị khác, Trường Mầm non Bình Minh cũng là địa điểm để các trường vùng sâu, xa, đặc biệt khó khăn tìm đến giao lưu, học tập.
Bà Võ Thị Kim Dung - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Sa Thầy (Kon Tum) cho biết, những năm qua, đơn vị thường xuyên quan tâm, tạo điều kiện để cán bộ, giáo viên tham gia bồi dưỡng, giao lưu học hỏi kinh nghiệm ở các trường trên địa bàn TP Kon Tum và huyện Sa Thầy. Cùng đó, các trường mầm non cũng chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức hiệu quả hoạt động chăm sóc, giáo dục STEM phù hợp với độ tuổi của trẻ.
Đầu năm học 2023 - 2024, ngành Giáo dục đã cấp trang thiết bị, đồ chơi ngoài trời cho các trường mầm non. Hiện, tất cả đơn vị đều đảm bảo đồ dùng, đồ chơi ngoài trời để tổ chức hoạt động giáo dục trẻ. Ngoài ra, giáo viên cũng chủ động, linh hoạt sáng tạo nhiều đồ chơi trong lớp học tạo sự gần gũi, thân thiện để giáo dục trẻ. Phụ huynh chung tay đóng góp rau củ, nhạc cụ truyền thống để trang trí trường lớp, giúp trẻ thuận lợi khám phá.
“Vào dịp lễ, Tết..., giáo viên tổ chức nhiều hoạt động giáo dục STEM và được phụ huynh hưởng ứng nhiệt tình, cùng học và chơi với trẻ. Qua đó, tạo sự gần gũi, giúp trẻ tự tin phát huy năng khiếu, đam mê của bản thân”, bà Võ Thị Kim Dung - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Sa Thầy cho hay.