Đây không chỉ là sân chơi giúp các em khám phá khoa học, mà còn thực hiện mục tiêu coi chuyển đổi số, STEM là nền tảng giáo dục thông minh.
Vận dụng bài học vào cuộc sống
“Ống nhạc lửa” là sản phẩm của học sinh Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam giới thiệu tại Ngày hội Công nghệ thông tin và STEM cấp cụm trường. Với sản phẩm này, lửa sẽ lên cao hay xuống thấp phụ thuộc vào âm thanh phát ra từ chiếc loa. Đây là cách để học sinh vận dụng nguyên lý về sóng cơ trong sách giáo khoa Vật lý lớp 11 vào thực tế cuộc sống.
Còn ở thí nghiệm “Quan sát âm thanh” cùng bài thuyết trình đầy nhiệt huyết, dễ hiểu, Nguyễn Thu Minh - học sinh lớp 11 Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội đã thu hút sự chú ý, hào hứng của học sinh trường khác đến với gian trải nghiệm khoa học.
Thu Minh chia sẻ: STEM rất hấp dẫn và vui vì được ứng dụng kiến thức sách vở vào cuộc sống. Nhiều người thường nghĩ khoa học ở lứa tuổi học sinh chỉ gói gọn trên sách vở, lý thuyết nhưng thực tế mọi thứ đều gắn với khoa học và chúng em có thể dùng kiến thức để giải thích. Em muốn truyền lửa cùng mọi người để tiếp tục tìm hiểu, khám phá điều mới mẻ.
Còn Nguyễn Sơn Hà, học sinh lớp 11 Oxford, Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam thích cảm giác khám phá, hiểu và giải thích được những điều mình quan sát bằng kiến thức đã học. Em mong muốn tận hưởng nhiều hơn các tiết học STEM, bài học khoa học để phát triển, nuôi dưỡng niềm đam mê của mình.
Sơn Hà cho hay: STEM là sự liên kết, đồng điệu giữa các môn học với nhau. Qua thí nghiệm, có thể giải thích được các hiện tượng. Ngày hội giúp STEM lan tỏa tới học sinh trong trường và cho thấy ai cũng có thể sử dụng kiến thức đã học để áp dụng vào cuộc sống.
Các sản phẩm công nghệ thông tin, robot, STEM... đến từ câu lạc bộ, nhà trường trưng bày tại Ngày hội Công nghệ thông tin và STEM là minh chứng cho thấy, giáo dục STEM không dừng lại ở lý thuyết, mà có tính ứng dụng thực tiễn cao khi tình yêu khoa học, tinh thần sáng tạo của học sinh được khuyến khích, thắp sáng.
Bên cạnh đó là sự đồng hành, thể hiện trách nhiệm xã hội của nhiều tổ chức giáo dục, tập đoàn công nghệ khi mang tới ngày hội những công nghệ, bài học mới và hay nhất, để học sinh và thầy cô có cơ hội trải nghiệm; có nhiều gợi ý cho dạy và học.
Những sáng tạo khoa học giúp học sinh tiếp thu bài giảng nhanh hơn. Ảnh: Vân Anh |
Trải nghiệm không gian sáng tạo
Cô Trần Thùy Dương - Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam cho biết, đứng trước cơ hội và thách thức của giáo dục STEM, giáo viên nhà trường luôn trăn trở làm sao để khơi gợi, lan tỏa đam mê trong học sinh, trao cơ hội được tìm hiểu về STEM và tạo sân chơi cho các em ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết những vấn đề cuộc sống.
“Từ trước tới nay, các hoạt động STEM được coi là môn ngoại khóa, chưa thi chính khóa như các môn học khác trong kỳ thi học sinh giỏi thành phố, quốc gia. Chúng tôi mong kỳ thi robot và STEM thời gian tới được đưa thành chương trình chính khóa để ghi nhận cho tất cả học sinh có đam mê, cùng lan tỏa tình yêu khoa học đến học sinh thành phố”, cô Thùy Dương nhấn mạnh.
Còn theo cô Đặng Thị Thu Hà - giáo viên Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, Ngày hội Công nghệ thông tin và STEM không chỉ là sân chơi của học sinh, mà còn tạo cơ hội để các thầy cô thể hiện đóng góp, tài năng, nhiệt huyết của mình thông qua các bài thi kỹ năng về công nghệ thông tin, bài giảng điện tử, bài giảng điện tử STEM.
Tuy nhiên, cần phân biệt rõ giữa bài giảng điện tử và bài giảng STEM bởi bài giảng STEM có thể là một bài giảng, chủ đề, dự án, thử thách. Ở đó, vấn đề thực tiễn được đặt ra và từ đấy giáo viên biết mình phải dạy thế nào, học sinh biết giải quyết vấn đề thực tiễn với những giải pháp mở. Hiểu và làm đúng thì STEM mới có thể phát triển.
Cô Đào Thị Hồng Quyên - người Việt Nam đầu tiên nhận Giải thưởng Tỏa sáng sức mạnh tri thức, Trưởng Bộ môn Khoa học, phụ trách Xưởng sáng tạo xanh và Nhà giáo dục xanh tại Hệ thống Trường Genesis (Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ: “5 người thầy tuyệt vời trong thúc đẩy giáo dục STEM học thông qua trải nghiệm là thiên nhiên, khó khăn, sự lao động, văn hóa cộng đồng, Internet và chuyển đổi số. Người thầy thứ 6 là cộng đồng giáo viên STEM được đào tạo bài bản, giao nhiệm vụ dạy học STEM, chia sẻ kinh nghiệm với nhau”.
Cùng quan điểm, cô Lê Thị Quý - giáo viên Trường THPT Yên Hòa (Cầu Giấy) khẳng định: Thành phố có nhiều thuận lợi nhưng còn khó khăn riêng khi xây dựng cộng đồng đi với nhau bền vững và xa. Nếu thông qua cộng đồng STEM ở thành phố và vùng sâu, xa, chúng ta có thể tận dụng lợi thế của nhau để cùng phát triển.
Ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Qua ngày hội công nghệ thông tin cho thấy năng lượng, sự sáng tạo của học sinh rất lớn. Khi tình yêu khoa học, tinh thần sáng tạo được thúc đẩy, học sinh sẽ có những thành tựu mới.
Lần đầu tiên, ngành GD-ĐT Hà Nội tổ chức Ngày hội Công nghệ thông tin và STEM với chủ đề “Đẩy mạnh chuyển đổi số và giáo dục STEM theo định hướng giáo dục thông minh”. Ngày hội nhằm tuyên truyền, quảng bá rộng rãi nội dung và các hoạt động đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và giáo dục STEM trong ngành Giáo dục.
Các sản phẩm, giải pháp công nghệ thông tin tiêu biểu trong lĩnh vực chuyển đổi số đã ứng dụng thành công vào quản lý và giảng dạy được giới thiệu tại ngày hội. Từ đó, các đơn vị, nhà trường xây dựng kế hoạch bài dạy các môn, cấp học theo phương pháp giáo dục STEM, phát huy tinh thần sáng tạo trong dạy học phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh theo yêu cầu Chương trình GDPT 2018.