STEM trong trường học: Lộ trình rõ ràng

GD&TĐ - Theo TS Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD&ĐT đã có những định hướng triển khai hoạt động giáo dục STEM thời gian tới.

Giờ học STEM của học sinh Trường Tiểu học Đô thị Sài Đồng, Long Biên, Hà Nội. Ảnh: NTCC
Giờ học STEM của học sinh Trường Tiểu học Đô thị Sài Đồng, Long Biên, Hà Nội. Ảnh: NTCC

Từng bước tiếp cận

- Ông đánh giá ra sao về sự kết nối giữa giáo dục STEM với Chương trình GDPT 2018 cấp tiểu học?

- Để thực hiện tốt Chương trình GDPT 2018, việc triển khai dạy học thông qua thực hành vận dụng kiến thức vào giải quyết một vấn đề trong cuộc sống là nhiệm vụ phải được tiến hành hiệu quả thời gian tới.

Triển khai giáo dục STEM đã và đang cụ thể hóa việc tạo cơ hội cho học sinh vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết vấn đề trong cuộc sống một cách sáng tạo, linh hoạt. Hướng dẫn hoạt động giáo dục STEM trong nhà trường là một trong các xu thế của nhiều nền giáo dục tiên tiến thế giới.

Tại Việt Nam, Bộ GD&ĐT từng bước đưa hoạt động giáo dục STEM vào trường học. Trong đó bắt đầu từ cách tiếp cận phù hợp với Chương trình GDPT 2018, thiết kế theo hướng mở. Nhà trường, giáo viên được phép thực hiện tích hợp, thiết kế điều chỉnh cho phù hợp điều kiện thực tế, miễn sao đạt được yêu cầu cần đạt của chương trình.

Từ tháng 7/2022, Bộ GD&ĐT đã chọn 7 tỉnh/thành triển khai thí điểm giáo dục STEM cấp tiểu học gồm: Hà Nội, Lào Cai, Nam Định, Thừa Thiên Huế, Cần Thơ, Đồng Tháp và Đắk Lắk. Mỗi tỉnh chọn 5 phòng GD&ĐT đại diện cả vùng thuận lợi và khó khăn. Sau thí điểm, Bộ GD&ĐT đã chuẩn hóa được tài liệu hướng dẫn giáo viên về giáo dục STEM để triển khai tới các nhà trường. Bộ GD&ĐT cũng ban hành công văn hướng dẫn tổ chức hoạt động giáo dục STEM cấp tiểu học (Công văn 909/BGDĐT-GDTH ngày 8/3/2023).

- Năm học 2023 - 2024, triển khai giáo dục STEM cấp tiểu học có gì đặc biệt, thưa ông?

- Theo hướng dẫn tại Công văn 909/BGDĐT-GDTH, từ năm học 2023 - 2024 Bộ GD&ĐT triển khai giáo dục STEM cấp tiểu học ở 63 tỉnh/thành trên cả nước. Tuy nhiên, 7 tỉnh/thành đã thí điểm thì triển khai ở 100% trường tiểu học trên địa bàn; những địa phương còn lại tiếp tục chọn ra các quận/huyện để thí điểm và sử dụng văn bản hướng dẫn, bộ tài liệu của Bộ GD&ĐT để tập huấn cho giáo viên các trường như Bộ GD&ĐT đã tập huấn cho 7 tỉnh/thành tham gia thí điểm.

Như vậy, chúng ta đưa nội dung mang tính chất mới, phù hợp với Chương trình GDPT 2018 nhưng tiến hành thận trọng và có lộ trình triển khai. Qua giám sát, kiểm tra thực tế cho thấy, cả 63 sở GD&ĐT tỉnh/thành phố đã quan tâm chỉ đạo triển khai hoạt động giáo dục STEM. Giáo dục STEM bắt đầu định hình trong kế hoạch giáo dục nhà trường, giúp học sinh có tiết học thú vị, bổ ích và khơi gợi được khả năng sáng tạo.

TS Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD&ĐT). Ảnh: NVCC.

TS Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD&ĐT). Ảnh: NVCC.

Tăng cường giám sát

- Mục tiêu rõ ràng nhưng khi triển khai giáo dục STEM, một số địa phương vẫn gặp khó khăn nhất định. Hướng giải quyết của Bộ GD&ĐT là gì, thưa ông?

- Khi Bộ GD&ĐT chưa triển khai thí điểm và ban hành văn bản hướng dẫn, một số nhà trường đã chủ động áp dụng với hình thức câu lạc bộ như một dịch vụ trong giáo dục, hoạt động theo nhu cầu của người học. Khi đó, các trường thông qua tổ chức, cá nhân triển khai theo hình thức sử dụng nguyên bản “nhập khẩu” chương trình, tài liệu từ nước ngoài.

Sau khi có văn bản hướng dẫn triển khai hoạt động giáo dục STEM cấp tiểu học với mục tiêu đáp ứng Chương trình GDPT 2018, ở một số nơi nghiên cứu không kỹ dẫn tới chưa đúng với hướng dẫn và tài liệu của Bộ GD&ĐT biên soạn. Bộ GD&ĐT biên soạn có bài học STEM – tức là khi giáo viên dạy các môn có trong chương trình nhưng theo cách tiếp cận của giáo dục STEM, biến những tiết học bằng nhiều phương thức thông qua tiếp cận giáo dục STEM. Đây là nhiệm vụ bắt buộc mà giáo viên dạy môn học phải có trách nhiệm thực hiện. Cơ sở giáo dục cần cụ thể hóa trong kế hoạch giáo dục nhà trường, môn học.

Hình thức thứ hai, giáo viên có thể tổ chức cho học sinh những tiết trải nghiệm về STEM để có thêm cơ hội khám phá, sáng tạo, hứng thú, hình thành sự đam mê và năng lực của bản thân.

Thứ ba, tổ chức câu lạc bộ STEM dành cho những em có năng khiếu, đam mê với giáo dục STEM tham gia tự nguyện. Hình thức hoạt động cần triển khai qua các bước khảo sát nhu cầu, biên chế lớp học, bố trí thời khóa biểu hợp lý… Tuy nhiên, một số nhà trường đọc không kỹ hướng dẫn và thực hiện chưa thấu đáo dẫn tới chỉ triển khai ở hình thức câu lạc bộ, bố trí cả trong giờ chính khóa dẫn đến phản ứng của phụ huynh học sinh.

Do đó, Bộ GD&ĐT đã có văn bản chấn chỉnh và yêu cầu nhà trường, địa phương tăng cường quản lý hoạt động giáo dục STEM theo đúng hướng dẫn của ngành Giáo dục. Hầu hết, địa phương đã tăng cường hướng dẫn, giám sát và tổ chức tập huấn để nâng cao nhận thức, năng lực cho các nhà trường xây dựng kế hoạch giáo dục đúng với tinh thần chỉ đạo của Bộ GD&ĐT.

- Để nâng cao hiệu quả giáo dục STEM cấp tiểu học, Bộ GD&ĐT có lưu ý gì?

- Thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã tiến hành kiểm tra chuyên đề đầu năm học và đề nghị các địa phương ban hành chính sách phù hợp. Ngày 23/3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 24/2021 quy định việc quản lý trong cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập. Trong đó nhấn mạnh việc tăng cường hiệu quả quản lý hoạt động giáo dục nhà trường khi liên kết với các tổ chức, cá nhân bên ngoài để giúp nhà trường nâng cao hiệu quả, chất lượng giáo dục.

Mỗi tỉnh/thành cần có văn bản hướng dẫn cơ sở giáo dục thực hiện việc sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập vào mục đích liên kết dạy học theo quy định tại Điều 58 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Điều 47 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Điều 6 Thông tư số 144/2017/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Nghị định số 151/2017/NĐ-CP…

Đồng thời, địa phương cần tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát để chỉ đạo, hướng dẫn các nhà trường thực hiện đúng danh mục, mức thu các khoản thu dịch vụ phục vụ theo tinh thần chỉ đạo tại Công văn số 5594/BGDĐT-GDTH ngày 9/10/2023 của Bộ GD&ĐT.

Bộ GD&ĐT tiếp tục đánh giá thực trạng hiệu lực, hiệu quả của hệ thống các văn bản hiện hành liên quan đến quản lý tổ chức dạy học liên kết để nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung, thay thế, đặc biệt là Thông tư số 04/2014/TT-BGDĐT ngày 28/2/2014 về quy định về quản lý hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa. Đẩy mạnh công tác truyền thông, tăng cường thanh/kiểm tra để chấn chỉnh kịp thời những bất cập, đưa hoạt động dạy học liên kết trong các cơ sở giáo dục vào nền nếp, ổn định và đảm bảo hiệu quả, thiết thực.

- Xin cảm ơn ông!

“Tính đến hết năm 2023, Hội đồng nhân dân của 36/63 tỉnh đã ban hành nghị quyết chuyên đề thực hiện Nghị định 24/2021 của Chính phủ. Chúng tôi mong các địa phương còn lại sớm ban hành nghị quyết chuyên đề để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý sự liên kết giữa nhà trường với các tổ chức/cá nhân, trong đó có quản lý hoạt động giáo dục STEM”, TS Thái Văn Tài nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ