STEM trong trường học: Gắn kết gia đình, nhà trường và xã hội

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Năm học 2023 - 2024, nhiều trường học ở Quảng Trị đã áp dụng mô hình GD STEM nhằm nâng cao kỹ năng sáng tạo, phát triển tư duy cho học sinh.

Học sinh Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (TP Đông Hà) tham gia hoạt động trải nghiệm STEM.
Học sinh Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (TP Đông Hà) tham gia hoạt động trải nghiệm STEM.

Đồng thời, giúp các em hứng thú hơn trong áp dụng kiến thức đã học vào thực tế cũng như tạo sự gắn kết giữa gia đình với nhà trường.

Học kiến thức, rèn kỹ năng

Trường Tiểu học Võ Thị Sáu - một trong những trường tại thành phố Đông Hà triển khai sớm hoạt động STEM, với chủ đề “Sáng tạo với lồng đèn Trung thu”.

Cô Bùi Minh Hiền - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, ngày hội trải nghiệm STEM của trường thu hút đông đảo học sinh các khối lớp tham gia. Đây là sân chơi bổ ích, lý thú, khơi dậy niềm đam mê sáng tạo khoa học, công nghệ, góp phần nâng cao tinh thần hợp tác, rèn luyện kỹ năng sống theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh.

Theo đó, học sinh được trải nghiệm các khâu như thiết kế, chuẩn bị sản phẩm, thực hành cắt dán. Từ hoạt động này, các em hiểu thêm ý nghĩa lồng đèn Trung thu, biết yêu thương, chia sẻ và thể hiện khả năng sáng tạo, học hỏi những điều mới mẻ.

Cô Bùi Minh Hiền cũng khẳng định, tổ chức hoạt động giáo dục STEM thông qua trải nghiệm đã tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội để làm tốt hơn công tác giáo dục, rèn kỹ năng sống cho học sinh.

“Trải nghiệm STEM tạo không khí sôi nổi, vui tươi, học sinh có phút giây thoải mái, trải nghiệm lý thú và bổ ích; tạo môi trường để các em giao lưu, học hỏi, thỏa sức sáng tạo, trau dồi kỹ năng giao tiếp, từ đó cố gắng học tập. Đặc biệt, qua hoạt động, trẻ mạnh dạn, tự tin hơn, phát triển phẩm chất, năng lực đúng định hướng Chương trình GDPT 2018.

Đối với giáo viên, đây là dịp để đổi mới phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực trong Chương trình GDPT theo hướng tăng cường hoạt động trải nghiệm, phát huy năng lực sáng tạo, kỹ năng hoạt động tập thể nhằm phát triển năng lực, phẩm chất học sinh. Đồng thời, hình thành và phát triển những kỹ năng sống cho các em...”, cô Bùi Minh Hiền nhấn mạnh.

Tham gia hoạt động trải nghiệm STEM, Lê An Nhiên - học sinh lớp 4B thấy vui và hào hứng. “Để làm chiếc lồng đèn đẹp mắt, em sử dụng các nguyên liệu tái chế cùng sự hướng dẫn của cô giáo, bố mẹ”, An Nhiên kể.

Với mục đích đưa giáo dục STEM trở thành hoạt động trọng tâm, ngay từ đầu năm học, Ban giám hiệu Trường Hội nhập Quốc tế iSchool Quảng Trị (Quảng Trị), tổ chuyên môn nhà trường đã xây dựng và triển khai kế hoạch tổ chức ngày hội STEM đến tất cả tổ bộ môn, thầy, cô giáo và học sinh.

Từ góc nhìn của tổ trưởng chuyên môn, giáo viên Vật lý, cô Hoàng Thị Mỹ cho rằng, giáo dục STEM là phương thức giáo dục tích hợp theo cách tiếp cận liên môn và thông qua thực hành, ứng dụng. Thay vì dạy 4 môn tách biệt và rời rạc, STEM kết hợp thành 1 mô hình học tập gắn kết dựa trên các ứng dụng thực tế. Qua đó, học sinh vừa được học kiến thức khoa học, vừa biết vận dụng kiến thức vào thực tiễn.

Ngày hội STEM ở Trường Hội nhập Quốc tế iSchool Quảng Trị thu hút nhiều sản phẩm của học sinh tham gia ở các lĩnh vực.

Ngày hội STEM ở Trường Hội nhập Quốc tế iSchool Quảng Trị thu hút nhiều sản phẩm của học sinh tham gia ở các lĩnh vực.

Tạo đồng thuận

Theo ThS Trần Thị Ngọ - Hiệu trưởng Trường Hội nhập Quốc tế iSchool Quảng Trị, giáo dục STEM là xu thế giáo dục hiện đại, giúp học sinh tiếp cận với cuộc cách mạng khoa học 4.0, góp phần thúc đẩy giáo dục công nghệ cao trong nhà trường. “STEM thúc đẩy sự sáng tạo không ngừng từ học sinh - những người trẻ tuổi, có khả năng sáng tạo độc đáo”, ThS Ngọ cho hay.

Ở góc độ quản lý, bà Trần Thị Hoài Nam - Trưởng phòng GD tiểu học – GD mầm non (Sở GD&ĐT Quảng Trị) trao đổi, để triển khai giáo dục STEM cho học sinh tiểu học cần hướng đến 2 hình thức là bài học và trải nghiệm thông qua dạy học trên lớp và hoạt động chủ điểm.

“Tham gia những hoạt động này, các đơn vị, trường học phải đảm bảo nguyên tắc tạo sự đồng thuận của phụ huynh, phát huy năng lực sở trường cũng như thu hút học sinh tham gia trên tinh thần tự nguyện. Cùng đó, các kế hoạch, thời gian, nội dung, hình thức tổ chức phải thống nhất trong công tác phối hợp giữa các đơn vị nhà trường, đảm bảo thực hiện nội dung của Chương trình GDPT 2018”, bà Trần Thị Hoài Nam nhấn mạnh.

Từ năm 2019, Sở GD&ĐT Quảng Trị đã chỉ đạo các nhà trường triển khai giáo dục STEM trong giáo dục trung học. Theo đó, ngành tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên nâng cao nhận thức về giáo dục STEM. Đồng thời, chỉ đạo cơ sở giáo dục triển khai giáo dục STEM gắn với nhiệm vụ giáo dục trung học hằng năm, đặc biệt thực hiện Chương trình GDPT 2018.

Các bài học STEM được thể hiện trong kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn. Cùng đó, ngành khuyến khích tổ chức hoạt động trải nghiệm, ngày hội STEM, hoạt động nghiên cứu khoa học kỹ thuật cho học sinh, thành lập câu lạc bộ STEM.

Ông Phan Hữu Huyện - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Trị cho biết, STEM không phải là môn học mới, mà đó là giáo dục mang tính ứng dụng, thực hành, giảng dạy thông qua hoạt động trải nghiệm. Học sinh học STEM là để ứng dụng vào cuộc sống. Trên thực tế, giáo viên có thể dạy STEM từ những phương tiện, nguyên vật liệu sẵn hoặc tái sử dụng. Vấn đề cốt lõi của phương pháp giáo dục này là cách dạy tích hợp nhằm tạo hứng thú, khơi gợi niềm say mê học tập, giúp học sinh khám phá tiềm năng bản thân, từng bước tiếp cận khoa học, công nghệ; phát huy tính tích cực sáng tạo để vận dụng giải quyết các vấn đề cụ thể trong thực tiễn cuộc sống.

Sở GD&ĐT Quảng Trị đã tổ chức tập huấn, nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý, giáo viên các trường đăng ký thí điểm triển khai giáo dục STEM năm học 2023 - 2024. Chỉ đạo các đơn vị đưa STEM vào kế hoạch giáo dục nhà trường, dạy học các môn và hoạt động giáo dục với hình thức linh hoạt, phù hợp điều kiện thực tế. Khuyến khích giáo viên tham gia diễn đàn giáo dục STEM trên mạng xã hội để giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ