Sáng tạo từ những nhu cầu cơ bản
Ba dự án vinh dự đại diện cho Việt Nam “đem chuông đi đánh xứ người” là Boom Potty của anh Lê Đức Thắng, Gcalls của anh Phạm Thanh Phúc và EyeQ Tech của anh Lê Hoàng Dũng. Đây là 3 dự án xuất sắc được hội đồng thẩm định đánh giá cao về tính ứng dụng, sức sáng tạo và mức độ khả thi tài chính trong hơn 100 dự án tiêu biểu.
Đầu tiên, dự án Boom Potty là ý tưởng của gia đình anh Lê Đức Thắng (ở Hà Nội). Xuất phát từ nhu cầu nuôi con nhỏ từ 1-3 tuổi, anh Thắng và vợ đã tự thiết kế mô hình bồn tắm rửa cho trẻ em.
Sản phẩm này là một bồn cầu thu nhỏ bằng nhựa, mô phỏng theo bồn vệ sinh “con thỏ” trong toa lét, thường được đặt thẳng lên nắp bồn, có một khoang rỗng ở giữa nối thông xuống đường xả nước của bồn vệ sinh và một lỗ rỗng phía trước để bố mẹ tiện dùng tay vệ sinh cho trẻ. “Boom Potty đáp ứng hai chức năng
. Một là tạo thói quen vệ sinh đúng nơi đúng chỗ và giữ mức độ sạch sẽ cao nhất, giúp cho những ông bố, bà mẹ đỡ nhọc công lau dọn. Hai là tạo bệ đỡ cố định trẻ để bố mẹ dễ dàng tắm rửa”, anh Thắng cho biết.
Theo anh Thắng, khi chưa có sản phẩm này, nhiều bố mẹ sẽ loay hoay đến “phát khóc” hoặc phải tìm đủ cách để dụ dỗ các bé ngồi yên cho mình thay tả, thoa xà phòng và tắm rửa. Khu vực nhà tắm thường rất trơn trợt, chỉ cần một phút lơ là sẽ dẫn đến nguy hiểm cho bé.
Hiện sản phẩm này đang bắt đầu thương mại hóa ở một số hệ thống siêu thị, được rất nhiều gia đình trẻ tin dùng. Mong muốn của gia đình anh Thắng là tiếp tục cải tiến và cho ra đời nhiều sản phẩm tiện dụng hơn nữa để hỗ trợ tích cực cho những cặp vợ chồng mới sinh con đầu lòng.
Nói về dự án Boom Potty, ông Lý Trường Chiến, chuyên gia hỗ trợ khởi nghiệp, cho rằng sức sáng tạo của một startup không phải nằm ở việc tạo ra một nền tảng “kinh thiên động địa” mà phải càng thực chất càng tốt, nhắm đến nhu cầu hết sức cơ bản của con người, làm sao cho người ta nhận biết ngay tính tiện dụng của nó.
“Nhiều bạn cứ nghĩ startup là phải ăn to nói lớn, phải tạo ra những tên tuổi công nghệ như Google, Facebook, nhưng thực sự startup cũng chỉ là một quá trình khởi sự kinh doanh, mọi ý tưởng rồi cũng quy về hiệu quả kinh tế. Tôi nghĩ đó là lý do một sản phẩm như Boom Potty được lựa chọn”, ông Chiến nói.
Đột phá với công nghệ thông minh tích hợp
Bên cạnh Boom Potty, 2 nền tảng công nghệ Gcalls và EyeQ Tech cũng đem đến nhiều tiện ích cho người dùng. Những sáng lập viên trẻ của hai startup này mong muốn “con cưng” của họ không chỉ chinh phục thị trường Việt Nam mà còn vươn ra cả thị trường Đông Nam Á.
Gcalls là ứng dụng do kỹ sư Phạm Thanh Phúc nghiên cứu phát triển với nguồn vốn tự tạo ban đầu gần 600 triệu đồng. Hệ thống phần mềm này cung cấp giải pháp quản lý trung tâm cuộc gọi tích hợp giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ tối ưu hóa tài nguyên, nâng cao khả năng cung cấp hàng hóa, dịch vụ.
“Tính đến cuối năm 2017, thị trường viễn thông số của Đông Nam Á trị giá đến 30,2 tỷ USD, mảnh đất kinh doanh còn khá màu mỡ. Gcalls sẽ tạo ra một trung tâm ảo để tiếp nhận và xử lý các cuộc gọi đến/đi giữa khách hàng và doanh nghiệp, lưu lại thông tin cần thiết cho các bên, hướng yêu cầu đến bộ phận xử lý phù hợp”, anh Phúc chia sẻ.
Sau khi thương mại hóa thành công ở Việt Nam, Gcalls đạt doanh thu 500 triệu đồng/ 6 tháng đầu tiên. Không dừng lại ở đó, startup này từng tham gia gọi vốn thông qua chương trình truyền hình Shark Tank Việt Nam và nhận được lời đề nghị đầu tư 1 triệu USD cho 45% cổ phần công ty từ Shark Thái Vân Linh (Giám đốc Chiến lược và Hoạt động của quỹ VinaCapital).
Còn startup EyeQ Tech của founder Lê Hoàng Dũng thì tập trung vào giải pháp công nghệ nhận diện và phân tích dữ liệu người dùng từ vi mô đến vĩ mô. Các phần mềm này giúp nhà phát hành quảng cáo đánh giá tính hiệu quả của chiến lược tiếp cận người dùng thông qua những thông tin lưu vào phần mềm.
“Những đầu thu camera đặt ở nơi chạy quảng cáo có chức năng thu nhận và phân tích sinh trắc học gương mặt con người. Dữ liệu cho biết họ là giới tính nào, đang thể hiện các cung bậc cảm xúc với mức độ ra sao khi tiếp nhận quảng cáo.
Cảm biến sẽ tự điều chỉnh chương trình quảng cáo để phù hợp với sự quan tâm của người tương tác, đồng thời, hướng họ đến những thông tin yêu thích”, anh Dũng cho biết.
Ở góc độ vĩ mô, khi các hệ thống cảm biến do EyeQ Tech phát triển được sử dụng rộng rãi như một phần của chiến lược xây dựng thành phố thông minh thì các cơ quan chịu trách nhiệm giám sát giao thông có thể dễ dàng kiểm soát lưu lượng, thành phần xe cộ, phân tích các yếu tố gây cản trở giao thông và vạch ra được những tuyến đường tối ưu.
“Trong hệ thống siêu thị, ứng dụng bản đồ nhiệt của EyeQ Tech cho phép nhà quản lý biết được khách hàng thường xuyên lui tới những khu vực gian hàng nào trong một thời gian nhất định để có thể chủ động sắp xếp hệ thống hàng hóa trưng bày một cách tối ưu nhất”, nhà sáng lập Lê Hoàng Dũng nói.
Một startup giới thiệu về sản phẩm tại Sihub |
Vươn ra biển lớn
Ba startup Việt Nam xuất sắc đầu tiên đã lên đường đi Malaysia vào ngày 12 tháng 8 trong khuôn khổ trao đổi startup Việt Nam - Malaysia. Các startup này sẽ được kết nối với nhiều đối tác Malaysia, có cơ hội tìm hiểu và xúc tiến thị trường. Phía Malaysia cũng chuẩn bị chương trình huấn luyện kéo dài 5 ngày do đội ngũ chuyên gia là lãnh đạo khởi nghiệp hàng đầu của khối ngành công nghiệp và thương mại dẫn dắt.
Ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc điều hành của Sihub, khẳng định Sihub vẫn luôn tìm kiếm và tạo ra cơ hội tốt nhất cho startup và doanh nghiệp Việt Nam. Thông qua chương trình Runway To The World, Sihub mong muốn startup Việt có thể giao lưu, học hỏi các hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển của thế giới.
Từ ngày 17-9 đến 19-9, Sihub tiếp tục đưa thêm ba startup Việt khác sang Singapore và trong tháng 10 sẽ đưa ba startup nữa sang Hàn Quốc. Theo ông Tước, đến năm 2020, Sihub dự kiến sẽ đưa hoạt động trao đổi startup thành chiến lược xúc tiến trọng yếu và dành sự ưu tiên nhất định cho những ý tưởng khởi nghiệp liên quan đến lĩnh vực phần mềm, trí tuệ nhân tạo.
Chương trình Runway To The World là dự án chính thức được khởi động từ đầu năm 2018 với sự hợp tác giữa Sihub và đối tác Hàn Quốc Shinhan Future’s Lab. Hiện tại, chương trình đang mở rộng hợp tác với nhiều đối tác khác như Malaysia, Nhật Bản, Đức, Phần Lan, Úc…
Tính từ năm 2017 đến hết quý 2 năm 2018, Sihub đã thực hiện hàng trăm chương trình khởi nghiệp và hỗ trợ được gần 3.000 startup phát triển ý tưởng, kêu gọi vốn, hoàn thiện cơ cấu nhân sự và chuyển giao công nghệ. Bên cạnh đó, Sihub còn nhận được nguồn tài trợ trực tiếp lẫn gián tiếp của nhiều tổ chức phi lợi nhuận như CLB huấn luyện miễn phí cho CEO do chuyên gia Lý Trường Chiến sáng lập, dự án WISE hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp…