Cuối tháng 10 hàng năm vào thời điểm cuối mùa của dịch sốt xuất huyết nhưng đây cũng là thời điểm có các ca biến chứng nặng nhất của sốt xuất huyết. Một phần do quy luật vòng tròn của bệnh, một phần do lầm tưởng của người bệnh.
Các ca điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện nhiệt đới Trung ương |
Xuất huyết não, nhiễm trùng máu vì sốt xuất huyết
Hiện nay, dịch sốt xuất huyết đã cuối vụ song lại đang bùng phát tại các tỉnh miền trung và xuất hiện rải rác ở Hà Nội. Bệnh sốt xuất huyết không được người dân chú ý nhiều vì cho rằng dịch bệnh không đáng nguy hiểm và vòng bệnh năm nào cùng vào mùa. Tuy nhiên, các bác sĩ cho rằng đây là quan điểm lầm lẫn.
Trường hợp của ông Nguyễn Văn Dậu (Phan Đình Giót, Hà Nội) như một ví dụ điển hình. Người nhà của ông Dậu kể 10 ngày trước ông Dậu bị sốt cao, toàn thân nhức mỏi. Đoán ông Dậu bị sốt xuất huyết nên người nhà chỉ cho ông dùng thuốc hạ sốt. Sau 5 ngày ông không còn sốt nữa nhưng toàn thân vẫn đau nhức, người mệt mỏi, chúng cao huyết áp tăng lên đột ngột.
Gia đình đưa ông vào một bệnh viện tuyến dưới truyền dịch tuy nhiên được 3 hôm tình trạng xấu đi. Ông Dậu cảm thấy khó thở, toàn thân tím tái và rơi vào trạng thái hôn mê.
Ngay sau đó, gia đình đưa ông vào Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cấp cứu. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán ông Dậu bị biến chứng từ sốt xuất huyết. Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp – Phó khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhiệt đới trung ương cho biết ông Dậu nhập viện trong tình trạng xuất huyết não, nhiễm trùng máu… một dạng biến chứng từ sốt xuất huyết Dengue.
Sau nhiều ngày điều trị đến nay tình trạng của ông Dậu đã ổn định. Tuy nhiên đây cũng là một trường hợp được cấp cứu sớm. Hiện nay tỷ lệ người dân chủ quan với sốt xuất huyết rất nhiều dẫn đến đa số bệnh xảy ra biết chứng mới vào bệnh viện. Phát hiện muộn nên việc điều trị cũng rất khó khăn cho các bác sĩ.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp cho biết tình trạng của ông Dậu đã tiến triển nhanh. Đến nay, gia đình bệnh nhân có thể đưa bệnh nhân về tuyến dưới điều trị. Tuy nhiên, tình trạng xuất huyết kèm theo cao huyết áp cũng cần được kiểm tra kỹ, xét nghiệm công thức máu hàng ngày.
Không có vắc xin phòng bệnh
Bệnh sốt xuất huyết đến nay không có vắc xin phòng bệnh mà bệnh chủ yếu xuất hiện vào mùa thu đông nên người dân phải chủ động phòng bệnh là chính. Nguyên nhân và cơ chế lây bệnh chủ yếu qua đường muỗi đốt nhất là muỗi đốt vào lúc chạng vạng tối và sáng sớm. Khi bị muỗi đốt nếu có dấu hiệu bị sốt cần sử dụng thuốc hạ sốt.
Bác sĩ Cấp cho biết thông thường sau 3, 4 ngày bệnh nhân hạ sốt. Trong thời gian sốt cao thường không có biến chứng hay biểu hiện của xuất huyết. Biểu hiện này chủ yếu xuất hiện vào những ngày thứ 4 đến ngày thứ 6. Đây là thời gian bệnh nhân chủ quan nhiều nhất.
Từ ngày thứ 4 trở đi, cơ thể không còn sốt lúc bấy giờ xuất hiện biến chứng thoát dịch gây tụt huyết áp, sốc, hoặc tình trạng tiểu cầu giảm quá mức gây chảy máu cam, máu chân răng, chảy máu dạ dày thậm chí chảy máu não.
Một trong những yếu tố nữa là bệnh nhân thường có bạch cầu thấp nhưng khi bệnh nhân bị bội nhiễm bạch cầu có tăng khi đó bệnh nhân và thầy thuốc cho là kết quả bình thường nhưng lại là nhiễm trùng.
Đến nay chưa có thuốc đặc trị sốt xuất huyết. Chủ yếu điều trị bằng cách bù nước, giải nhiệt, hạ sốt, truyền dịch và điều trị co giật khi cần thiết. Bác sĩ khuyến cáo không sử dụng thuốc kháng sinh. Tăng sức đề kháng cho cơ thể bằng cách bổ sung các loại thực phẩm đa dạng, đặc biệt là những trái cây giàu vitamin C. Không tự điều trị sốt xuất huyết tại nhà vì có thể làm bệnh nặng thêm.
Trường hợp bệnh nhân gặp biến chứng xấu phải đưa đi cấp cứu ngay để bác sĩ dùng thuốc hạ nhiệt, tan huyết, truyền dịch. Nếu bệnh nhân bị tràn dịch màng phổi phải có biện pháp để thoát dịch để bệnh nhân hô hấp. Bệnh nhân hạ tiểu cầu có thể phải truyền tiểu cầu nều lượng tiểu cầu quá thấp.
Một số người thường ngộ nhận rằng bệnh sốt xuất chỉ xảy ra ở trẻ tuổi đi học, người lớn. Tuy nhiên, trẻ sơ sinh đến người lớn, đều có thể bị sốt xuất huyết.
Các dấu hiệu của sốt xuất huyết thường là sốt cao liên tục từ 2 – 4 ngày; có biểu hiện xuất huyết như chấm hoặc mảng xuất huyết dưới da, chảy máu mũi, chảy máu chân răng, nôn ra máu, tiêu phân đen.
Một số có biểu hiện truỵ tim mạch xảy ra từ ngày thứ 4 đến hết ngày thứ 6 của bệnh khi người bệnh đã hết sốt và có biểu hiện li bì hoặc bứt rứt, đau bụng; tay chân lạnh, vã mồ hôi, mạch nhanh nhẹ, khó bắt; tụt huyết áp hoặc huyết áp không đo được.