“Sóng và máy tính cho em”: Nối tiếp ước mơ học tập cho học sinh vùng sông nước

GD&TĐ - Tại Đồng bằng sông Cửu Long có hàng trăm nghìn HS thiếu thiết bị, phương tiện học trực tuyến. Thông qua chương trình “Sóng và máy tính cho em”, các nguồn lực xã hội đã kịp thời giúp HS nghèo yên tâm học tập.

Trao điện thoại cho HS nghèo học trực tuyến tại huyện Cái Bè (Tiền Giang).
Trao điện thoại cho HS nghèo học trực tuyến tại huyện Cái Bè (Tiền Giang).

Tiếp nối sự học cho HS nghèo

Thực hiện chương trình “Sóng và máy tính cho em”, công tác hỗ trợ thiết bị học trực tuyến cho học sinh hoàn cảnh khó khăn được địa phương, nhà trường quan tâm, phối hợp với các nguồn lực xã hội.

Thông qua việc vận động, quyên góp, ủng hộ, trao tặng thiết bị học tập trực truyến, gói truy cập ưu đãi, đường truyền internet...  giáo viên, học sinh được hỗ trợ kịp thời, yên tâm dạy và học trong năm học 2021 - 2022.

Dịch bệnh phức tạp,  tỉnh Đồng Tháp bước vào năm học 2021 - 2022 bằng hình thức trực tuyến, em Nguyễn Đình Trí, lớp 8, ngụ khóm Mỹ Tây và em Nguyễn Thị Thu Trang, lớp 5, ngụ khóm Mỹ Thuận (Thị trấn Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp) hết sức lo lắng vì thiếu thiết bị. Gia đình hai em thuộc hộ khó khăn, cha mẹ làm thuê kiếm sống, không có khả năng mua thiết bị học tập.

Hoàn cảnh hai em được địa phương, nhà trường biết được nên giúp đỡ kịp thời. Mỗi em được tặng 1 điện thoại thông minh và sim 4G miễn phí. “Ban đầu em và gia đình lo lắng sẽ không theo kịp bạn bè vì không thể học trực tuyến. Trong khi số tiền mua điện thoại học trực tuyến thì nhà em không đủ khả năng. Rất may hoàn cảnh của em được nhà trường thông tin và em được tặng điện thoại có kết nối mạng. Em rất vui vì từ nay có thể học trực tuyến cùng các bạn mà không sợ bị trễ”, Đình Trí chia sẻ.

Theo ông Bùi Quý Khiêm, Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT Đồng Tháp: Chương trình “Sóng và máy tính cho em” được cấp ủy, chính quyền, các ngành và địa phương ủng hộ tích cực với số tiền mặt hiện có hơn 1,925 tỷ đồng và hiện vật gồm 480 máy tính bảng, điện thoại thông minh mới; 48 máy tính để bàn, 2 laptop, 5 máy tính bảng đã qua sử dụng...

Sở GD&ĐT đã chuyển giao toàn bộ đến các địa phương, cơ sở giáo dục trong tỉnh để chuyển đến học sinh các cấp phục vụ cho việc học trực tuyến. Đến nay, tình hình học sinh có thiết bị học trực tuyến đối với cấp Tiểu học (chỉ tổ chức dạy học cho học sinh lớp 5) là 22.132 em, đạt 84,23%; cấp THCS 94.463 em, đạt 93,94%; cấp THPT 45.996 em, đạt 99,26%.

“Nhà em không đủ tiền mua điện thoại học tập như các bạn nên em lo lắng và buồn lắm. Ban đầu, em phải học nhờ điện thoại với bạn. Mạng yếu nên bị rớt hoài, điện thoại thì nhỏ nên hai người rất khó xem. Giờ em được tặng điện thoại mới rồi, việc học thuận lợi hơn nhiều”.
Em Lâm Mỹ Ngọc, học sinh lớp 7, Trường THCS Loan Mỹ (huyện Tam Bình, Vĩnh Long).

Toàn tỉnh Vĩnh Long cũng có trên 29.000 học sinh không có thiết bị học trực tuyến. Trong đó, có gần 5.800 học sinh nghèo, cận nghèo và 110 khu vực nhà trường không có internet.

Để tạo điều kiện cho học sinh thuộc diện gia đình nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có điều kiện học theo các phương thức mới, tỉnh Vĩnh Long đã kêu gọi các đơn vị, tổ chức ủng hộ chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Hưởng ứng chương trình, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và cá nhân đã ủng hộ số tiền trên 3,1 tỷ đồng và hơn 1.000 máy tỉnh bảng cho học sinh Vĩnh Long.

Ủng hộ Chương trình Sóng và máy tính cho em tại tỉnh Đồng Tháp.
Ủng hộ Chương trình Sóng và máy tính cho em tại tỉnh Đồng Tháp.

Không để HS bị bỏ lại phía sau

Theo Sở GD&ĐT tỉnh An Giang, toàn tỉnh có trên 70.000 học sinh cấp tiểu học, THCS và THPT thiếu thiết bị học tập. Trong đó, trên 5.000 học sinh diện hộ nghèo, trên 11.000 học sinh thuộc diện hộ cận nghèo, 50.361 học sinh thuộc các diện khác.

Để hỗ trợ, UBND tỉnh An Giang kêu gọi cơ quan, ban ngành, đoàn thể, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh cùng chung tay ủng hộ chương trình Sóng và máy tính cho em với tổng số tiền hơn 3,1 tỷ đồng cùng nhiều hiện vật.

Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, chương trình “Sóng và máy tính cho em” được Thủ tướng Chính phủ phát động nhằm kêu gọi toàn xã hội hỗ trợ ngành Giáo dục để vượt qua khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, giúp đỡ  học sinh có hoàn cảnh khó khăn, không để các em phải bỏ lỡ việc học, vững bước trên con đường chinh phục tri thức.

Đây là một chương trình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, ngoài việc hỗ trợ học sinh khó khăn về máy tính, chương trình còn tiến tới phủ sóng những nơi chưa có sóng, góp phần nâng cao dân trí, thúc đẩy chuyển đổi số. Thông qua chương trình đã phát huy tinh thần “lá lành đùm lá rách”, “tương thân tương ái” và đại đoàn kết toàn dân tộc.

Theo Sở GD&ĐT Hậu Giang, toàn tỉnh có hơn 60.000 học sinh có hoàn cảnh khó khăn chưa có thiết bị học tập trực tuyến. Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo thống nhất toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn tỉnh đóng góp một ngày lương ủng hộ Chương trình “Sóng và máy tính cho em”, hỗ trợ cho  học sinh có hoàn cảnh khó khăn còn thiếu trang thiết bị học trực tuyến, bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục.

Đến nay, Sở GD&ĐT tỉnh Hậu Giang đã tiếp nhận hơn 2,2 tỉ đồng từ các sở, ban, ngành đoàn thể, doanh nghiệp ủng hộ Chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Đây là hoạt động ý nghĩa, tạo động lực hỗ trợ học sinh hoàn cảnh khó khăn trong tỉnh trang bị thiết bị học tập trực tuyến.

Là hộ dân tộc Khmer hoàn cảnh khó khăn, chị Sơn Ngọc Tuyền, ngụ xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ (Hậu Giang) không đủ khả năng mua thiết bị cho 2 đứa con học trực tuyến. Theo chị Tuyền, chiếc điện thoại mà con chị vừa nhận được là tài sản quý nhất trong nhà.
“Con nhận được điện thoại học trực tuyến mà cả nhà vui mừng. Không còn lo cảnh con phải sang nhà bạn học nhờ, bài vở bị chậm trễ so với các bạn. Giờ đây 2 đứa con chia nhau chiếc điện thoại để học trực tuyến, vợ chồng tôi yên tâm rất nhiều”, chị Tuyền cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Chuyện tư pháp lạ ở Mỹ

GD&TĐ - Đúng 10 ngày trước khi chính thức nhậm chức, ông Donald Trump trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên bị kết án hình sự.