Kiến thức cơ bản là sợi chỉ đỏ, là xương sống trong toàn bộ hệ thống kiến thức lịch sử, là chìa khoá để biết và hiểu bức tranh quá khứ lịch sử một cách toàn diện.
Xác định kiến thức Lịch sử cơ bản
Cô Vũ Thị Lý cho rằng, để giúp học sinh (HS) học tập tốt lịch sử, không có nghĩa là cung cấp tất cả những sự kiện lịch sử đã xảy ra - đó là điều không thể.
Thậm chí làm như vậy còn gây ra tình trạng quá tải, nhồi nhét kiến thức cho HS, khiến các em cảm thấy khó khăn, nhàm chán đối với việc học tập bộ môn.
Vì thế, việc lựa chọn và truyền thụ cho HS kiến thức cơ bản trở nên vô cùng quan trọng, là cơ sở để nâng cao hiệu quả giờ học Lịch sử, nâng cao kết quả của giáo dưỡng, giáo dục, phát triển ở mức cao nhất mà không khiến HS phải học quá tải về mặt kiến thức, lại tiết kiệm được thời gian, công sức của mình.
Với những sự kiện, hiện tượng, nhân vật lịch sử, giáo viên (GV) sẽ dẫn dắt HS đi từ biết đến hiểu lịch sử.
Mỗi sự kiện lịch sử cụ thể, chính xác và cơ bản sẽ là một miếng ghép quan trọng để tạo nên bức tranh quá khứ lịch sử toàn diện.
Trên cơ sở những kiến thức cơ bản được cung cấp, HS sẽ nắm được tri thức lịch sử một cách hệ thống, hình thành biểu tượng, giải thích được mối liên hệ giữa các sự kiện, trên cơ sở đó có những nhận định, đánh giá đúng về sự kiện lịch sử.
Học sinh sẽ hiểu được các sự kiện lịch sử không diễn ra một cách rời rạc mà liên hệ mật thiết với nhau, sự kiện này có thể là nguyên nhân, kết quả của sự kiện khác.
Ví dụ: Khi dạy học về lịch sử Việt Nam giai đoạn từ 1930 - 1945, để HS hiểu rõ được sự thành công của cách mạng tháng Tám năm 1945 không phải là ăn may như quan niệm của các sử gia tư sản, GV cần phải cho HS nắm được kiến thức cơ bản về phong trào cách mạng 1930 - 1931 và cuộc vận động 1936 - 1939. Đây chính là hai lần diễn tập chuẩn bị cho sự thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Từ đó HS hiểu được mối liên hệ giữa các biến cố lịch sử, hiểu được cách mạng tháng Tám là một quá trình chuẩn bị lâu dài.
Trên cơ sở nắm vững, hiểu sâu kiến thức cơ bản, HS sẽ rút ra những bài học kinh nghiệm, quy luật phát triển của xã hội loài người để vận dụng giải quyết các vấn đề trong cuộc sống hiện tại.
Khơi dậy cảm xúc học sinh từ các kiến thức cơ bản
Cô Vũ Thị Lý nhấn mạnh: Kiến thức lịch sử cơ bản không chỉ có tác dụng hình thành những hiểu biết khoa học mà còn có tác dụng giáo dục tư tưởng, tình cảm cho HS.
Khi GV hình thành các biểu tượng lịch sử cụ thể, sống động, học sinh sẽ như được "nhập thân vào sự kiện và nhân vật", để khơi dậy trong các em những cảm xúc tự nhiên: yêu, ghét, khâm phục, kính trọng... Đó chính là cơ sở tốt nhất để giáo dục tư tưởng, tình cảm, hình thành nhân cách cao đẹp cho các em.
Ví dụ: Khi dạy về Mục II, bài 14: “Ba lần kháng chiến chống quân xâm lược Mông - Nguyên thế kỷ XIII”, hình tượng người thiếu niên Trần Quốc Toản sẽ là một tấm gương giáo dục rất lớn cho HS.
Bởi lẽ, Trần Quốc Toản cũng ở độ tuổi tương đương với các em, các em như nhìn thấy hình ảnh của mình qua hành động: "bóp nát quả cam" của Trần Quốc Toản - một hành động thể hiện sự phản ứng mạnh mẽ thường thấy ở độ tuổi thanh thiếu niên.
Lòng yêu nước của HS được vun đắp từ những điều giản dị, từ những xúc cảm lịch sử, trong các em sẽ hình thành một cách tự nhiên tình cảm đối với quê hương, đất nước, niềm tự hào về truyền thống dân tộc, khơi dậy trong các em ý thức giữ gìn, bảo vệ những di sản văn hóa của ông cha ta để lại, những nét đẹp truyền thống của dân tộc ta.
Ngoài ra, nắm vững các kiến thức cơ bản sẽ tạo điều kiện cần và đủ để học sinh rèn luyện và phát triển tư duy, phát triển các kỹ năng thực hành.
Để giảng dạy tốt các kiến thức cơ bản, GV phải sử dụng rất nhiều các biện pháp sư phạm: sử dụng ngôn ngữ kết hợp với sử dụng đồ dùng trực quan...
Khi sử dụng nhuần nhuyễn các biện pháp này, GV đã phát huy được tính tích cực độc lập trong nhận thức của HS, rèn luyện cho HS kỹ năng thực hành bộ môn.
Rèn luyện khả năng tự học, tự nghiên cứu
Khi GV chỉ cho HS thấy kiến thức nào là cơ bản nhất, đâu là sợi chỉ đỏ trong hệ thống kiến thức, các em sẽ định hướng mình cần phải học kỹ nội dung gì, nội dung gì chỉ lướt qua.
Từ đó học sinh không có cảm giác ngại học khi đứng trước một khối lượng kiến thức khá nhiều trong SGK…Như vậy, việc truyền thụ kiến thức cơ bản cho HS không chỉ có ý nghĩa giáo dục HS, mà còn là động cơ để GV tự phấn đấu hoàn thiện bản thân.
4 nguyên tắc xác định kiến thức cơ bản
Theo chia sẻ của cô Vũ Thị Lý, việc xác định kiến thức cơ bản phải dựa trên 4 nguyên tắc.
Thứ nhất: Kiến thức cơ bản được xác định phải căn cứ vào mục tiêu GD&ĐT của đất nước ở từng thời kỳ lịch sử cụ thể.
Ví dụ: Trong thời kỳ diễn ra hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, để phục vụ cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, bộ môn lịch sử thường hướng vào các nội dung quân sự, đấu tranh cách mạng, ca ngợi tinh thần đoàn kết, đấu tranh của dân tộc. Các nội dung kiến thức về văn hóa, kinh tế trở nên ít quan trọng hơn.
Còn trong giai đoạn hiện nay, đất nước được hòa bình độc lập, mục tiêu chiến lược của cách mạng giai đoạn này là xây dựng CNXH, với mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh thì nhiệm vụ của giáo dục thời kỳ này là đào tạo con người toàn diện về mọi mặt.
Do đó, nội dung giáo dục nói chung, giáo dục lịch sử nói riêng phải được đảm bảo trên tất cả các lĩnh vực, bên cạnh những kiến thức về quân sự vẫn tiếp tục được giảng dạy, còn có những kiến thức quan trọng khác như chính trị, văn hóa, kinh tế, giáo dục...
Thứ hai: Xác định kiến thức cơ bản phải căn cứ vào mục đích, yêu cầu, trình độ nhận thức của HS ở mỗi lớp, mỗi cấp cụ thể.
Thứ ba: Việc xác định các kiến thức cơ bản phải căn cứ vào ý nghĩa giáo dục của các sự kiện.
Kiến thức cơ bản phải đảm bảo giáo dục HS trên cả ba mặt: Giáo dưỡng, giáo dục và phát triển. Do đó, trong nội dung bài học lịch sử có những sự kiện đôi khi không ảnh hưởng đến sự phát triển của một giai đoạn lịch sử nhất định, cũng không có ý nghĩa quan trọng đối với giai đoạn lịch sử sau đó, nhưng lại có ý nghĩa giáo dục tư tưởng, tình cảm, đạo đức của HS thì vẫn được coi là kiến thức cơ bản.
Ví dụ khi dạy bài 19: Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn (1418-1427), GV có thể cung cấp thêm cho các em về sự kiện: "Lê Lai cứu chúa". Sự kiện này không có ý nghĩa lớn về mặt kiến thức nhưng lại có tính giáo dục rất cao, HS thấy được sự trung thành, tinh thần hy sinh xả thân vì nghĩa lớn của vị anh hùng Lê Lai. Qua đó giáo dục cho các em cách hành động, ứng xử trong cuộc sống hiện tại.
Thứ tư: Khi xác định kiến thức cơ bản phải chú ý tới những thành tựu hiện đại của khoa học giáo dục, khoa học lịch sử, phương pháp dạy học Lịch sử.
Nhìn chung, kiến thức trong SGK là những kiến thức cốt lõi cần thiết cho sự hiểu biết của HS về lịch sử, tuy thế SGK là một loại tài liệu tương đối tĩnh, sự thay đổi của SGK không thể theo kịp sự phát triển của khoa học.
Vì vậy, để đảm bảo kiến thức cơ bản luôn là những kiến thức chính xác nhất, GV phải thường xuyên cập nhật những thành tựu mới nhất của khoa học, những đánh giá, những quan điểm mới về các sự kiện lịch sử của các nhà nghiên cứu, đương nhiên những thành tựu này phải được khoa học công nhận về độ chính xác.