Sáng 25/9, trả lời báo chí về việc liệu Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM có can thiệp quá sâu vào phương pháp giảng dạy ở các trường học khi cấm giáo viên bản ngữ đặt tên tiếng Anh cho học sinh, ông Nguyễn Văn Hiếu khẳng định quy định cấm xuất phát từ phản ánh của phụ huynh.
“Quy định cấm giáo viên bản ngữ đặt tên tiếng Anh cho học sinh đã có cách đây khoảng 5 năm khi nhiều phụ huynh có ý kiến rằng các con về nhà hay tự hào về các tên mới. Điều này không có lợi cho giáo dục truyền thống. Tiếng Anh là phương tiện để hội nhập nhưng chủ trương của chúng ta là vẫn phải giữ bản sắc”, ông Hiếu cho biết.
Cũng theo ông Hiếu: “Việc sử dụng những cái tên tiếng Anh không phù hợp với môi trường giáo dục tiểu học. Tên của mình là phải do cha mẹ đặt. Các em học sinh cần phải hiểu và trân trọng những cái tên do cha mẹ đặt”.
Bên cạnh đó, ông Hiếu phân tích, trong các tiết học, giáo viên bản ngữ cũng phải sử dụng các sổ điểm, chứ không thể dùng một cuốn sổ khác với những cái tên học sinh do giáo viên tự đặt ra.
Ngoài ra, giáo viên bản ngữ có thể dạy rất nhiều lớp vì vậy có khi đặt tên cho học sinh xong cũng quên. “Trong một buổi dạy 4 tiết ở 4 lớp khác nhau thì giáo viên cũng không thể nhớ hết tên học sinh mà mình tự đặt”, ông Hiếu nói.
Theo ông Hiếu, việc sử dụng tên khai sinh sẽ giúp các trường quản lý thống nhất số liệu, thông tin về học sinh. Quy định cũng đáp ứng yêu cầu của phụ huynh là để con cái của họ sử dụng đúng cái tên do cha mẹ đặt cho.
150.000 học sinh TPHCM sử dụng thẻ thông minh
Sở Giáo dục và đào tạo TPHCM đang triển khi đề án thẻ thông minh đa năng để hạn chế việc học sinh dùng tiền mặt ở trong nhà trường. Học sinh có thể dùng thẻ để đóng học phí, để điểm danh, đi thư viện…
Sở Giáo dục và đào tạo TPHCM cũng đang đề xuất phối hợp với Sở Giao thông vận tải TPHCM để học sinh có thể sử dụng thẻ thông minh thanh toán vé xe buýt.
Hiện đã có 336 trường, với 150.000 học sinh ở TPHCM đang sử dụng thẻ thông minh này. Sau khi kích hoạt thẻ ở ngân hàng thì phí quản lý hàng tháng là 13.600 đồng.