TP.HCM: Bàn giao trung tâm giáo dục thường xuyên về các quận, huyện

GD&TĐ -Ngày 19/9, Sở GD&ĐT TP.HCM đã chính thức bàn giao 21 trung tâm giáo dục thường xuyên (TTGDTX) về cho UBND các quận, huyện. 

TP.HCM: Bàn giao trung tâm giáo dục thường xuyên về các quận, huyện

Trước đó, Sở đã bàn giao trung tâm giáo dục thường xuyên 3 quận là: Quận 4, Quận 11 và quận Bình Tân về cho địa phương quản lý. Hôm nay, 21 trung tâm giáo dục thường xuyên còn lại chính thức thuộc quyền quản lý của UBND các quận, huyện. Sở bàn giao nguyên trạng tài sản cùng hơn 600 nhân sự của 21 trung tâm cho các quận, huyện. Sau khi được bàn giao, các trung tâm này chịu sự quản lý trực tiếp và toàn diện của UBND quận, huyện nhưng vẫn chịu sự hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ của Sở Lao động, Thương binh  - Xã hội và Sở GD&ĐT TP.HCM.

Các TTGDTX sau khi bàn giao về các quận huyện sẽ được sáp nhập với trung tâm dạy nghề, trung tâm kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp, xây dựng thành trung tâm Giáo dục nghề nghiệp- Giáo dục thường xuyên. Ngoài 24 trung tâm trực thuộc quận huyện, có 3 trung tâm giáo dục thường xuyên trực thuộc quản lý của thành phố (Chu Văn An, Lê Quý Đôn và trung tâm GDTX Tiếng Hoa), 9 trung tâm giáo dục thường xuyên trực thuộc các Sở ngành, trường đại học, cao đẳng.

Học viên Trung tâm GDTX quận Gò Vấp trong giờ ôn tập
 Học viên Trung tâm GDTX quận Gò Vấp trong giờ ôn tập

 Được biết, năm học vừa qua, dù chung đề thi, ngày thi với khối trung học phổ thông nhưng tỷ lệ tốt nghiệp của khối giáo dục thường xuyên vẫn tăng hơn 30% so với năm học trước. Nhiều thí sinh giáo dục thường xuyên đạt các giải cao trong những kỳ thi học sinh giỏi các cấp như kỳ thi Olympich tháng 4, Giải toán trên máy tính cầm tay...

Với 36 trung tâm giáo dục nghề nghiệp- giáo dục thường xuyên, hơn 1.000 giáo viên, trong đó 100% đạt chuẩn, gần 45% giáo viên cơ hữu trên chuẩn, đã góp phần nâng chất giáo dục ở khối ngành học này trên địa bàn thành phố.

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT khẳng định giáo dục thường xuyên đóng góp lớn cho quá trình nâng cao dân trí vì vậy cần quan tâm đầu tư nhiều hơn cho hệ thống này. Đặc biệt, trong cuộc cách mạng 4.0 hiện nay, vấn đề thay đổi nghề nghiệp diễn ra rất nhanh chóng. Bất cứ quốc gia nào hiện nay cũng coi trọng việc học tập suốt đời và đào tạo, đào tạo lại. Vì vậy, hệ thống giáo dục thường xuyên, hệ thống trung tâm học tập cộng đồng có vị trí rất quan trọng không chỉ ở Việt Nam mà cả ở các quốc gia trên thế giới. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ