Các em xem đây là “chìa khóa” để làm chủ kiến thức bằng công nghệ 4.0.
Làm chủ kiến thức bằng công nghệ 4.0
Không tìm được phương pháp học tập phù hợp. Khó khăn trong việc chọn lựa sách tham khảo hay các dụng cụ học tập. Có quá nhiều công thức toán học giống nhau, khó nhớ… Đó chỉ là vài trong hàng loạt vướng mắc khi học tập mà không ít học sinh đang gặp phải.
Cùng có đam mê về toán và tin học, Phạm Tố Uyên đã cùng cậu bạn thân của mình là Nguyễn Thành Công lên ý tưởng xây dựng một kế hoạch học tập. Các em mong muốn tìm ra phương pháp hiệu quả nhất để “hóa giải” “bài toán” trên. Dự án “Học tốt cùng SNL” ra đời, sau nhiều ngày “vắt óc” của đôi bạn trẻ.
“Trước khi bắt tay vào triển khai, chúng em thực hiện 2 cuộc khảo sát với gần 500 bạn học sinh lớp 9 và lớp 10. Khó khăn rất nhiều, nhưng chỉ có 1,2% trong số đó tìm được cách giải quyết cho các vấn đề của mình. Nhiệm vụ của chúng em là hỗ trợ số còn lại tìm ra phương pháp cho bản thân”, Uyên cho hay.
Điều khiến đôi bạn trẻ đắn đo nhất là làm sao để chia sẻ được với nhiều học sinh một cách nhanh, hiệu quả nhất? Và làm sao để tạo ra được môi trường thường xuyên nhất để các bạn trẻ dễ dàng trao đổi với nhau?
Nhận thấy, việc sử dụng công nghệ của giới trẻ là phổ biến, song không ít trong số đó chỉ phục vụ nhu cầu giải trí. Uyên và Công đã “biến” 2 nền tảng phổ biến nhất là Google và Facebook trở thành “trợ thủ” đắc lực cho việc học tập, bằng cách tạo lập một trang thông tin riêng.
Nghĩ là làm, 2 bạn tập hợp, kết nối với nhiều học sinh giỏi trong trường, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, phương pháp học tập. Đồng thời, giới thiệu cuốn sách, dụng cụ học tập, trong đó có nhiều bộ sản phẩm do các bạn tự sáng tạo ra.
Công cho biết: Nhóm thiết kế phòng chat liên kết. Ở đó bất cứ ai đăng ký tham gia cũng có thể gửi thắc mắc của mình trong quá trình học tập. Nhóm của em sẽ có nhiệm vụ liên kết, kịp thời giải đáp. Vì được kết nối trên nền tảng mạng xã hội, nên việc cập nhật rất nhanh chóng và có thể tiếp cận với nhiều đối tượng ở địa bàn khác nhau, không phân biệt khoảng cách địa lý.
“Mục tiêu chúng em hướng tới là dự án của mình sẽ tạo hứng thú trong học tập. Qua đó, giúp các bạn tìm được phương pháp học tập hiệu quả, giải quyết được những vấn đề hay gặp phải trong học tập. Quan trọng hơn là hình thành thói quen tốt, như: Học tập có kế hoạch, đọc sách, có mục tiêu rõ ràng… thay vì những thói quen xấu khác khi sử dụng công nghệ”, Uyên bộc bạch.
Khơi dậy hứng thú sáng tạo
Để hỗ trợ đắc lực cho 2 trang thông tin trên, nhóm của Uyên và Công còn thiết kế ra nhiều sản phẩm, dụng cụ học tập khác, như: Bộ giác kế, sổ tay công thức lượng giác, vòng tròn lượng giác… với nhiều tính năng ưu việt. Qua đó, giúp người học chủ động tiếp cận kiến thức hơn.
“Sổ tay công thức là sản phẩm ghi chép toàn bộ công thức lượng giác lớp 10 một cách dễ hiểu, bắt mắt và ngắn gọn. Ngoài ra còn có các trang được thiết kế sẵn để khuyến khích học sinh ghi chép thêm công thức và tạo ra cách nhớ của riêng mình.
Vòng tròn lượng giác, có thể giúp các bạn làm quen với đơn vị rađian, ghi nhớ giá trị lượng giác của các cung đặc biệt, có công thức lượng giác đơn giản… và dễ dàng áp dụng hơn” – Uyên chia sẻ.
Nguyễn Hải Anh, lớp 11B, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, cho biết: Môn Toán, em thường gặp khó khi tiếp cận các nội dung về lượng giác. Hè vừa qua, em được bạn bè giới thiệu và sử dụng sản phẩm vòng tròn lượng giác của dự án. “Em dễ dàng làm quen với đơn vị rađian, dễ ghi nhớ, giá trị lượng giác của các cung đặc biệt và nhất là bộ sản phẩm có các công thức lượng giác rất đơn giản. Nhờ đó em tự tin hơn khi tiếp thu các nội dung liên quan đến lượng giác. Em tiếp tục sử dụng bộ sản phẩm này cho năm học lớp 11” – Hải Anh cho hay. Ngoài ra, Hải Anh cho biết thêm, tiện ích em thích nhất ở dự án là mỗi khi gặp vướng mắc, hoặc khó khăn trong học tập, em chỉ cần vào fanpage, các anh chị giải đáp, hướng dẫn rất nhiệt tình.
Được biết, việc thiết kế ra sản phẩm không mất nhiều thời gian. Song để có nền tảng cho sáng tạo này, Uyên và Công phải dựa trên những kiến thức, phương pháp học tập lĩnh hội được từ thầy, cô giáo.
Theo cô Trần Thị Thanh Thủy - giáo viên Toán Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, đây là sản phẩm của phương pháp dạy học theo chương trình STEM được nhà trường triển khai trong 2 năm học vừa qua.
“Với chương trình dạy học này, bên cạnh dạy kiến thức, giáo viên phải chú trọng việc hướng dẫn, tổ chức thực hành và khuyến khích học sinh vận dụng công nghệ. Chúng tôi hướng dẫn các em cách thức tổ chức hoạt động nhóm, làm các poster, hình ảnh liên quan đến công thức, thiết kế đồ họa… Khi đã có nền tảng, học sinh rất hứng thú trong việc tự sáng tạo ra các phương pháp, dụng cụ hỗ trợ học tập cho chính mình” – cô Thủy cho biết.
Dự án học tập của Uyên và Công triển khai được gần 2 tháng và được áp dụng đối với học sinh khối 10. Mới đây, một cuộc khảo sát do 2 bạn thực hiện đối với gần 100 học sinh đang sử dụng sản phẩm, có 86% cho biết sẽ tiếp tục sử dụng trong năm học tới. Đặc biệt, 80% vấn đề của các bạn gặp phải đã được giải đáp qua blog/fanpage của dự án. Trong thang điểm 10 đưa ra, có 58,1% chấm điểm tuyệt đối và 40,7% cho điểm 8 – 9.