HS SV nghiên cứu khoa học: Nhiều sản phẩm sáng tạo và gần gũi với cuộc sống

GD&TĐ - Sở GD&ĐT TPHCM vừa công bố 18 đề tài xuất sắc nhất tại Cuộc thi Khoa học kỹ thuật (KHKT) dành cho học sinh (HS) trung học cấp thành phố năm học 2016 - 2017 để tham dự cuộc thi cấp quốc gia được Bộ GD&ĐT tổ chức trong thời gian tới. 

HS SV nghiên cứu khoa học:  Nhiều sản phẩm sáng tạo và gần gũi với cuộc sống

Theo đánh giá của ông Phạm Ngọc Tiến, Phó Trưởng phòng GD Trung học của Sở, các đề tài năm nay mang tính ứng dụng cao, bám sát những vấn đề từ thực tiễn, gần gũi với cuộc sống.

Sức lan tỏa của cuộc thi

Cuộc thi KHKT dành cho HS trung học năm 2016 - 2017 tại TPHCM vừa mới được tổ chức có 604 đề tài đăng ký dự thi cấp thành phố với 148 trường tham dự. Ban tổ chức đã chọn 37 đề tài vào dự thi vòng chung kết cấp thành phố, trong đó Trường THPT Gia Định có số lượng dẫn đầu (11 đề tài), kế đến là THPT chuyên Lê Hồng Phong (5 đề tài), THPT Lương Thế Vinh (3 đề tài…).

Ông Phạm Ngọc Tiến, Phó Trưởng phòng GD Trung học của Sở GD&ĐT TPHCM - chia sẻ: Các đề tài năm nay rất phong phú, mang tính ứng dụng cao, bám sát những vấn đề từ thực tiễn, gần gũi với cuộc sống, đặc biệt là gần với các lĩnh vực phát triển mũi nhọn của TP như tự động hóa, kỹ thuật, công nghệ…

Ngoài ra, cũng có một số đề tài mang tính chất kế thừa trên cơ sở tìm hiểu thông tin năm trước, HS đã đánh giá lại và phát triển bài bản hơn, cụ thể hơn... Cũng có những đề tài có thể chỉ là những ý tưởng ban đầu, những mô hình nhỏ nhưng Ban giám khảo đánh giá cao ý tưởng sáng tạo của các em chứ không nặng về đầu tư kỹ thuật và vật chất cho đề tài.

Phải kể đến các đề tài như Chế tạo Robot cứu hỏa của nhóm HS Võ Bảo Huy và Trịnh Thành Tâm (lớp 12 A2, Trường TH - THCS - THPT Hòa Bình). Các em cho biết, xuất phát từ thực tế gần đây trên địa bàn TPHCM xảy ra nhiều vụ hỏa hoạn gây hậu quả nặng nề về người và của, vì vậy sau nhiều trăn trở, các em đã thiết kế sản phẩm này để hỗ trợ việc phòng cháy chữa cháy hiệu quả hơn. Nhất là nó sẽ góp phần giảm thiểu nguy hiểm cho người tham gia cứu hỏa.

Robot cứu hỏa gồm phần khung, ống đựng nước, cánh tay, camera và quan trọng nhất là bộ xử lý trung tâm để nó có thể đến mọi ngõ ngách của đám cháy để dập lửa. Đồng thời camera ghi hình được nối trực tiếp với điện thoại có kết nối Internet để truyền dữ liệu về cho chỉ huy điều khiển dễ dàng.

Hay đề tài Hộp đen dành cho người - thiết bị hỗ trợ cứu nạn của nhóm Nguyễn Lâm Gia Nghi và Vũ Phương Thảo, cùng học lớp 11 chuyên Văn, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phòng cũng nhận được sự quan tâm của nhiều người. Phương Thảo cho biết: Hiện nay đã có hộp đen được gắn trên nhiều phương tiện giao thông phục vụ cho việc tìm kiếm thông tin xảy ra liên quan đến phương tiện đó, như hộp đen máy bay, hộp đen ô tô… nhưng ở con người thì chưa có. Trong khi đó, nhu cầu cần được bảo vệ và ngăn ngừa nguy hiểm từ cuộc sống xung quanh là thiết yếu của con người nhưng hiện nay vẫn chưa có nhiều công cụ hỗ trợ cho họ. Từ nhu cầu này, nhóm hai bạn đã nhen nhóm ý tưởng để thực hiện hộp đen nhằm bảo đảm an toàn cho con người.

Vấn đề trầm cảm được HS quan tâm

Xuất phát từ câu chuyện có thật của bản thân, nhóm hai HS Phan Thanh Nhật Trang (lớp 12 chuyên Anh) và Lý Trần A Khương (lớp 12 chuyên Văn) của Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong đã dày công nghiên cứu đề tài Khảo sát tỉ lệ rối loạn trầm cảm ở HS THPT tại TPHCM. Đề tài nhận được sự quan tâm rất lớn của các thành viên ban tổ chức cũng như các giáo viên, HS tại cuộc thi KHKT cấp TP vừa qua.

Theo chia sẻ của hai bạn, để tài này xuất phát từ việc Nhật Trang từng trải qua sang chấn tâm lý khá nặng và bị trầm cảm khi còn học lớp 10. Dấu hiệu lúc đó của Trang là u buồn, chán nản, mất niềm tin, qua nửa năm điều trị, Nhật Trang mới nhận ra rằng, bị trầm cảm là do em đặt kỳ vọng quá nhiều vào bản thân, áp lực thành tích học tập rất lớn. Trước đó, ngoài việc điều trị bằng tâm lý, Trang đã tự tìm hiểu thêm triệu chứng này qua sách vở để hiểu về bệnh này và cố gắng tự điều chỉnh bản thân bằng tâm lý, thay đổi sinh hoạt hoặc tăng tập luyện thể dục... Dần dần tình trạng tâm lý của em tốt trở lại.

Từ việc bản thân mình trải qua, Trang đã lên ý tưởng và cùng với người bạn đồng hành là A Khương nghiên cứu đề tài: Khảo sát tỉ lệ rối loạn trầm cảm ở HS THPT tại TPHCM. “Em mong muốn đề tài này sẽ mang đến cho mọi người, nhất là các bạn trẻ như em có thêm hiểu biết về trầm cảm, sớm phát hiện và có thể tự cố gắng để vượt qua khi thấy dấu hiệu bị bệnh, tránh được hậu quả từ trầm cảm để lại”.

Để thực hiện đề tài này, nhóm đã khảo sát các em HS từ lớp 10 đến lớp 12 trên địa bàn TP về đánh giá nhanh sức khỏe học đường. Đối tượng khảo sát bao gồm cả HS khối chuyên và HS khối thường. Đa số HS được khảo sát đều có học lực khá và giỏi. Ví dụ về hứng thú học tập, trong số hơn 600 HS trường chuyên thì chỉ 100 HS thường xuyên có hứng thú học tập, còn lại là thỉnh thoảng hoặc không bao giờ có hứng thú.

Cũng theo kết quả khảo sát này, tỉ lệ HS có dấu hiệu trầm cảm là 26,41% với nhiều biểu hiện như chán ghét bản thân, cảm thấy buồn phiền, cảm giác thất bại mọi nơi, mất định hướng tương lai, thất vọng, không hứng thú với mọi việc, thường xuyên có cảm giác tội lỗi, hay khó chịu... Trong đó, HS khối chuyên có dấu hiệu này cao gấp gần ba lần so với khối THPT thường. Từ khảo sát, hai em cho rằng những dấu hiệu trầm cảm ở HS tại TP rất cần được quan tâm và can thiệp kịp thời từ phía nhà trường cũng như gia đình.

Theo đánh giá của Ban tổ chức, năm nay cuộc thi phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng, thu hút rất lớn các đề tài tham gia đến từ nhiều trường khác nhau trên địa bàn, đặc biệt ở cấp THCS, các đề tài đã tăng lên rất nhiều so với những năm trước với 261 đề tài. Điều này cho thấy, sự lan tỏa của cuộc thi là rất lớn, không chỉ ở cấp THPT mà HS cấp THCS đã thực sự bắt tay vào việc phát triển đam mê, ứng dụng những kiến thức đã học vào cuộc sống, tạo ra các sản phẩm thiết thực, có ý nghĩa đối với cộng đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giáo viên Trường Tiểu học Lê Đình Chinh với sáng kiến tổ chức cho học sinh viết thư “điều con muốn nói” gửi đến ba, mẹ trong buổi họp sơ kết học kỳ I năm học 2023 - 2024. Ảnh: PV

Chống 'sốc' cho giáo viên trẻ

GD&TĐ - Không chỉ gặp khó khăn về phương pháp sư phạm, nhiều giáo viên trẻ còn hạn chế trong kỹ năng quản lý lớp học, tương tác với phụ huynh, học sinh…